Ngành GD và ĐT đẩy mạnh phong trào dạy học tích cực cho học sinh

07:01, 16/01/2014

Những năm gần đây, việc tìm ra những phương pháp giảng dạy tích cực giúp học sinh dễ dàng trong tiếp cận kiến thức, không bị gò bó trong kiến thức hàn lâm đã phát huy được tính chủ động, khả năng tư duy sáng tạo trở thành một yêu cầu cấp bách nhằm nâng cao chất lượng GD và ĐT. Trước yêu cầu này, Sở GD và ĐT đã đẩy mạnh phong trào dạy học tích cực, đội ngũ giáo viên đã áp dụng sáng tạo nhiều phương pháp giảng dạy và học tập mới, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực.

Bằng nhiều phương pháp dạy học tích cực, học sinh Trường Tiểu học Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng) đã tích cực, chủ động hơn trong học tập.
Bằng nhiều phương pháp dạy học tích cực, học sinh Trường Tiểu học Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng) đã tích cực, chủ động hơn trong học tập.

Các nhà trường đã tập trung đổi mới phương pháp dạy của thầy; phương pháp học của trò..., tạo nền tảng để có sự tiến bộ đích thực về chất lượng giáo dục của nhà trường; khuyến khích giáo viên sử dụng hiệu quả các phương tiện dạy học hiện có, tích cực sưu tầm, mua sắm, tự làm thiết bị phục vụ việc giảng dạy, học tập tốt hơn. Mỗi giáo viên chủ động đổi mới việc soạn bài, giảng dạy trên lớp phù hợp với từng đối tượng học sinh, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, tạo sự lôi cuốn, hứng thú cho học sinh trong các giờ học. Trước đây, nếu như bảng đen, phấn trắng, bàn ghế thông thường và cuốn giáo án viết tay là những công cụ phổ biến để dạy và học; thì nay không gian lớp học đã được đổi mới với sự góp mặt của máy tính xách tay, bảng tương tác, máy chiếu… Hoạt động trong lớp học không một chiều “độc diễn” của giáo viên mà có sự tương tác tích cực của học sinh, để quá trình tiếp thu kiến thức của các em không bị thụ động. Hầu hết các nhà trường đều quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất khang trang, mua sắm các trang thiết bị hiện đại phục vụ cho việc dạy - học theo hướng đổi mới. Hệ thống thư viện được chú trọng phát triển cả về lượng và chất, trong đó nhiều trường có những sáng tạo mới để tạo ra các thư viện lưu động, thư viện xanh, thư viện điện tử phục vụ nhu cầu của giáo viên và học sinh. Việc phổ cập kết nối mạng internet ở các nhà trường cũng phát huy hiệu quả tích cực trong thực hiện định hướng quan trọng của ngành Giáo dục. Học sinh tăng cường tự học dựa trên nền kiến thức và kỹ năng chuẩn do giáo viên cung cấp trên lớp. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, giáo viên cũng được tăng cường cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu mới của việc dạy và học. Hằng năm, trước khi bước vào năm học mới, đội ngũ cán bộ, giáo viên toàn ngành được tập huấn bồi dưỡng phương pháp và quy trình giảng dạy mới; được hỗ trợ các điều kiện cần thiết để tiến hành đổi mới phương pháp theo yêu cầu của chương trình, sách giáo khoa đổi mới. Ban giám hiệu các nhà trường cũng quan tâm tổ chức cho giáo viên đăng ký và xây dựng kế hoạch đổi mới phương pháp dạy học; tăng cường các hoạt động dự giờ, rút kinh nghiệm, nâng cao chất lượng tự học, tự bồi dưỡng của giáo viên. Bên cạnh đó khuyến khích, động viên giáo viên không ngừng tự học, tự nghiên cứu, sáng tạo làm phong phú thêm kiến thức của mình, từ đó tìm ra các giải pháp phù hợp để mỗi bài giảng thực sự sinh động, lôi cuốn, khích lệ học sinh chủ động trong học tập; kế thừa những ưu điểm của phương pháp cũ, kết hợp với phương pháp hiện đại trong giảng dạy, có sự vận dụng linh hoạt các phương pháp giảng dạy với các đối tượng học sinh; kết hợp đổi mới phương pháp giảng dạy với đổi mới hình thức đánh giá học sinh, kiểm tra, thi cử, thực hiện giảm tải nội dung chương trình theo quy định... Phong trào dạy học tích cực ở tỉnh ta được triển khai trong những năm học vừa qua còn có sự cộng hưởng hiệu quả từ phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” và cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” do Bộ GD và ĐT phát động. Bên cạnh đó, việc thực hiện các phương pháp dạy học theo các phương pháp hiện đại như “bản đồ tư duy”, “bàn tay nặn bột”, mô hình trường học mới… đã phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong tiếp thu và thực hành kiến thức cho học sinh. Riêng với phương pháp sử dụng “bản đồ tư duy” kết hợp với các phương pháp dạy học khác đang được ngành GD và ĐT khuyến khích giáo viên cấp THCS trong tỉnh triển khai vì phù hợp với lứa tuổi. Với sản phẩm độc đáo kết hợp kiến thức sách giáo khoa và nghệ thuật hội họa, giáo viên và học sinh đều cảm thấy hứng khởi từ sự sáng tạo trong bài học hằng ngày. Cách học này phát triển được năng lực riêng của từng học sinh không chỉ về trí tuệ thông qua khả năng vẽ và viết ngắn gọn, súc tích nội dung bài học trên “bản đồ tư duy” mà còn giúp các em hệ thống hóa kiến thức với bản đồ tổng hợp những kiến thức đã học trước đó. Hình thức trình bày, kết hợp hình vẽ, chữ viết, màu sắc và sự vận dụng kiến thức được học vào cuộc sống cũng khiến bài học thêm sinh động, học sinh ghi nhớ sâu sắc kiến thức, đồng thời giúp các em rèn luyện kỹ năng làm việc theo nhóm và phát biểu trước đông người. Đối với phương pháp “bàn tay nặn bột” áp dụng ở bậc tiểu học, qua một năm học thực hiện thí điểm, đa số học sinh của các lớp thí điểm đã tích cực, chủ động trong các hoạt động học tập, tự xây dựng kiến thức thông qua khám phá, thử nghiệm, thảo luận, hợp tác với bạn dưới sự định hướng, giúp đỡ của giáo viên. Học sinh nắm vững kiến thức, phát triển năng lực nhận thức và tư duy sáng tạo; phát triển năng lực quan sát, thực hành; kỹ năng làm việc hợp tác theo nhóm, kỹ năng diễn đạt qua ngôn ngữ nói và viết…, góp phần phát triển năng lực tự học, tác phong, kỹ năng suy nghĩ độc lập, sáng tạo trong hành động, lòng yêu thích và say mê khoa học.

Việc đẩy mạnh “dạy học tích cực” cho học sinh cùng với việc đổi mới hình thức kiểm tra, thi cử, thực hiện giảm tải nội dung, chương trình theo quy định của ngành GD và ĐT đã đem lại kết quả học tập tốt hơn cho học sinh ở các cấp học, giúp cho các em tích cực, chủ động hơn trong học tập, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các nhà trường./.

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com