Khởi sắc trên nền "5 đột phá"

09:01, 27/01/2014

Tết này, nhiều người con xa quê trở về không khỏi ngạc nhiên trước sự đổi thay ở các vùng quê trong tỉnh. Trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, điểm xuất phát thấp, vị trí địa lý không thuận lợi, qua 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII; Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, thực hiện “5 đột phá” để tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội gồm: Tập trung nguồn lực xây dựng các công trình hạ tầng trọng điểm; Xây dựng Thành phố Nam Định trở thành Trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng; Xây dựng NTM; Đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng cải cách hành chính.

Trong xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, 3 năm qua (2011-2013) tỉnh đã huy động được trên 8.000 tỷ đồng cho đầu tư xây dựng hệ thống giao thông. Đến nay, toàn bộ hệ thống giao thông huyết mạch của tỉnh đã được nâng cấp và kết nối với hệ thống giao thông quốc gia. Những ngày áp Tết, nhiều con đường mới được khánh thành và thông tuyến, trong đó có tuyến đường bộ mới Nam Định - Phủ Lý. Đây là tuyến đường huyết mạch nối Nam Định với Quốc lộ 1A, kết nối Nam Định gần hơn với Thủ đô Hà Nội. Trước đó, tuyến Quốc lộ 37B đoạn từ Thị trấn Gôi đến Thị trấn Liễu Đề cũng đã được khánh thành và đưa vào sử dụng mang lại niềm vui cho hàng nghìn hộ dân của 3 huyện Vụ Bản, Ý Yên, Nghĩa Hưng. Tuyến tỉnh lộ 489 nối Thị trấn Xuân Trường với huyện Giao Thủy cũng được thông xe. Cùng với Quốc lộ 21, tỉnh lộ 490C, những con đường mới hoàn thành trong năm 2013 đã tạo nên mạng lưới giao thông liên hoàn nối các huyện, thành phố trong tỉnh và nối Nam Định với các tỉnh bạn. Ngay sau khi tuyến đường bộ mới Nam Định - Phủ Lý được khánh thành đã có một số nhà đầu tư nước ngoài mới về tìm hiểu cơ hội đầu tư sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, tỉnh đã huy động các nguồn lực đầu tư trên 2.200 tỷ đồng xây mới và cải tạo, nâng cấp các công trình văn hoá, thể thao và các công trình phúc lợi xã hội; đầu tư cho hệ thống đê, kè, thuỷ lợi 2.422 tỷ đồng và 1.500 tỷ đồng cho cải tạo, nâng cấp hệ thống điện, trong đó chủ yếu là nâng cấp lưới điện nông thôn. Đến nay chất lượng điện khu vực nông thôn đã được cải thiện rõ rệt. Ngoài ra, một số công trình trọng điểm được hoàn thành và được đưa vào sử dụng có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội lâu dài của tỉnh.

Thông xe tuyến đường bộ mới Mỹ Lộc - Phủ Lý. Ảnh: Internet
Thông xe tuyến đường bộ mới Mỹ Lộc - Phủ Lý. Ảnh: Internet

Thực hiện nhiệm vụ xây dựng Thành phố Nam Định trở thành trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị và Quyết định 109 của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo và có bước đi thích hợp. Tỉnh đã huy động các nguồn vốn để thành phố triển khai xây dựng quy hoạch, chỉnh trang đô thị, nâng cấp hệ thống giao thông, xử lý tiêu thoát nước…

Những năm qua, thành phố có nhiều khởi sắc, hình hài của một đô thị trung tâm vùng đang hình thành rõ nét, ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp. Nếu như trước đây sau mỗi trận mưa, nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố luôn xảy ra tình trạng ngập úng trong nhiều giờ, thì hiện nay Thành phố Nam Định đang là đơn vị dẫn đầu toàn quốc về hệ thống tiêu thoát nước, được Hiệp hội Đô thị Việt Nam đánh giá là 1 trong 10 đô thị của cả nước về “sáng, xanh, sạch”. Nếp sống văn hoá, văn minh đô thị của người dân Thành Nam ngày càng được củng cố. Tháng 11-2012, Thành phố Nam Định được công nhận là đô thị loại 1. Các chức năng trung tâm vùng đang dần hình thành như trung tâm công nghiệp, trung tâm TDTT, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực, trung tâm dịch vụ y tế… Hiện nay, Nam Định vẫn giữ vững là trung tâm dệt may của cả nước, đồng thời được Bộ Y tế, Bộ KH và ĐT công nhận là 1 trong 4 tỉnh trung tâm của cả nước về sản xuất dược. Ngành công nghiệp địa phương được duy trì, phát triển và là 1 trong 3 tỉnh ở phía Bắc phát triển ngành công nghiệp tàu thuỷ. Với truyền thống đất học - đất văn, Thành phố Nam Định nói riêng và tỉnh Nam Định nói chung hiện tập trung khá nhiều các cơ sở đào tạo từ bậc đại học, cao đẳng và trung cấp nghề, cùng với hệ thống các trường phổ thông chất lượng cao, Nam Định hiện là một trong những chiếc nôi đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước.

Thành quả sau 3 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM đã tạo sự khởi sắc ở các vùng nông thôn trong tỉnh - nói như một lão nông ở huyện Hải Hậu “3 năm bằng cả 30 năm” (!). Với phương châm “nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, chương trình xây dựng NTM đã huy động được sự tham gia của tất cả các tầng lớp nhân dân và cộng đồng xã hội với tổng số vốn đầu tư trên 7.000 tỷ đồng, trong đó trong 3 năm đầu tỉnh đã tập trung cao độ cho công tác quy hoạch, lấy dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) làm bước “đột phá”. Đến nay, toàn tỉnh có 78% số xã với 95% số thôn, đội đã hoàn thành DĐĐT. Qua công tác DĐĐT, nhân dân đã hiến trên 2.400ha đất với giá trị trên 4.000 tỷ đồng tạo ra quỹ đất công để xây dựng các công trình phúc lợi, làm đường giao thông, thuỷ lợi nội đồng, xây trường học, khu xử lý rác thải… và xây dựng được 150 cánh đồng mẫu lớn. Chương trình xây dựng NTM của tỉnh đã được Ban chỉ đạo Trung ương đánh giá là một trong 10 tỉnh dẫn đầu toàn quốc. Đến nay, trong 96 xã xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015, có 20 xã đạt và cơ bản đạt 19 tiêu chí, 11 xã đạt và cơ bản đạt 18 tiêu chí, 10 xã đạt và cơ bản đạt 17 tiêu chí, không còn xã đạt dưới 12 tiêu chí. Bộ mặt NTM ở các vùng quê ngày càng khởi sắc, đường dong, ngõ xóm khang trang, lòng dân phấn chấn.

Đột phá thứ tư là đào tạo nguồn nhân lực theo hướng nâng cao chất lượng đào tạo phổ thông, đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ xã, phường, thị trấn và đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tỉnh đã ban hành Quy hoạch đào tạo nguồn nhân lực, trong đó, đặc biệt chú trọng xây dựng cơ sở vật chất, đổi mới phương pháp dạy và học theo tiến trình cải cách giáo dục, lựa chọn các chương trình đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, làng nghề và xã hội, chú trọng đào tạo nghề cho nông dân, nhất là đối tượng lao động nông nghiệp bị thu hồi đất phục vụ các dự án, từng bước chuyển một bộ phận lao động sản xuất nông nghiệp sang lao động trong các ngành nghề thủ công, thương mại, dịch vụ... Tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ cơ sở, nhất là cấp xã, phường về kiến thức quản lý Nhà nước và các chuyên ngành theo chức danh công chức xã. Trong 3 năm qua, toàn tỉnh đã mở được 697 lớp đào tạo cho 21.550 lao động nông thôn, trong đó chiếm 85% có việc làm, tổ chức 194 lớp đào tạo cho 17.788 cán bộ cơ sở.

Đột phá trọng tâm thứ 5 là đẩy mạnh và nâng cao chất lượng cải cách hành chính. Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác cải cách thủ tục hành chính với mục tiêu quyết tâm loại bỏ những phiền hà sách nhiễu của một bộ phận công chức các cấp trong quá trình thực thi công vụ. Thực hiện công khai thủ tục hành chính, các cơ chế chính sách trên Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh. Hiện nay, tất cả các huyện, thành phố, các sở, ban, ngành đều đã ban hành, công khai bộ thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các cá nhân, tập thể, doanh nghiệp đến giải quyết các công việc. Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành và các huyện, thành phố đã tăng cường đối thoại trực tiếp với nhân dân, kịp thời giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của người dân, từ đó góp phần hạn chế tình trạng khiếu kiện vượt cấp, tạo niềm tin và sự đồng thuận của người dân.

Với những đột phá mang tính chiến lược đã tạo ra sự đổi thay đáng kể cho diện mạo đô thị, nông thôn trong tỉnh, mang lại niềm tin mới, khí thế mới trong các tầng lớp nhân dân, tạo động lực để nhân dân trong tỉnh vượt qua khó khăn, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2014./.

Hoài Phương

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com