Qua 3 năm thực hiện công tác cai nghiện, quản lý sau cai nghiện ma túy

09:12, 30/12/2013

Thực hiện Chương trình quốc gia phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm, bám sát chỉ tiêu chiến lược Chương trình quốc gia phòng chống và kiểm soát ma túy đến năm 2020, 3 năm qua (2011-2013) tỉnh ta đã xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình hành động phòng chống tệ nạn mại dâm và công tác cai nghiện, quản lý sau cai nghiện. Chương trình đã huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đoàn thể, sự đồng thuận và tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, nhất là trong công tác cai nghiện, quản lý sau cai nghiện, góp phần tích cực trong công tác phòng, chống tệ nạn ma túy.

Trao chứng chỉ sơ cấp nghề cho học viên sau cai nghiện ma túy tại Trung tâm Chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội Xuân Trường. Ảnh: Do cơ sở cung cấp
Trao chứng chỉ sơ cấp nghề cho học viên sau cai nghiện ma túy tại Trung tâm Chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội Xuân Trường. Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Trong 3 năm qua, Công an tỉnh đã lập hồ sơ quản lý 7.239 người nghiện ma túy; trong đó năm 2013 có 2.640 người, tăng 6,1% so với năm 2012 và tăng 22,6%  so với năm 2011. Tỷ lệ gia tăng số người nghiện có hồ sơ quản lý chủ yếu ở khu vực nông thôn, tăng 27,2%; khu vực phường, thị trấn tăng 11,7%. Số xã, phường, thị trấn có người nghiện ma túy tăng lên từ 198 xã (năm 2011) lên 205 xã (năm 2013). Trọng điểm là huyện Giao Thủy 1.637 người, Thành phố Nam Định 1.542 người, huyện Xuân Trường 1.358 người; có 99,58% người nghiện là nam giới. Số người nghiện sử dụng hê-rô-in chiếm gần 80%, sử dụng ma túy tổng hợp chiếm 2% và số người dùng ma túy tổng hợp đang có xu hướng tăng. Tuy nhiên, còn khoảng 4-5 nghìn người nghiện ma tuý trên thực tế chưa được lập hồ sơ quản lý, do người nghiện và gia đình người nghiện giấu hoặc bỏ đi làm ăn xa, chính quyền và các cơ quan chức năng chưa phát hiện được. Nhằm ngăn chặn tốc độ gia tăng số người nghiện ma túy và hạn chế ảnh hưởng của tệ nạn ma túy đến tình hình ANTT, ngăn chặn sự lây lan căn bệnh HIV/AIDS, 3 năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và tích cực kiểm soát ma túy trong tình hình mới. UBND tỉnh chỉ đạo tiếp tục triển khai Đề án “Tổ chức cai nghiện, quản lý sau cai nghiện ma tuý tại gia đình và cộng đồng tỉnh Nam Định giai đoạn 2009-2014”; đầu tư nâng cấp 2 Trung tâm Chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội (CBGDLĐXH) của tỉnh ở xã Nam Phong và huyện Xuân Trường; bổ sung nhiệm vụ quản lý sau cai nghiện ma tuý cho Trung tâm CBGDLĐXH Xuân Trường; quyết định chính sách thu, nộp, miễn giảm, hỗ trợ đối với người được cai nghiện ma tuý và quản lý sau cai nghiện ma tuý ở Trung tâm và cộng đồng; kiện toàn BCĐ phòng chống HIV/AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm tỉnh. Các cấp, các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội từ tỉnh đến các xã, phường, thị trấn chủ động, bám sát kế hoạch của tỉnh, phối hợp đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, phòng ngừa tệ nạn ma túy; giáo dục, vận động nhân dân tham gia đấu tranh phòng, chống tệ nạn ma tuý; tuyên truyền, vận động người nghiện ma túy tự nguyện cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng... Các trung tâm cai nghiện đã tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức, biện pháp, nội dung đa dạng, phong phú, thiết thực như: Tổ chức trên 12 nghìn hội nghị truyền thông cho gần 300 nghìn người dân; kẻ, vẽ 5.000 khẩu hiệu, băng rôn, phát hành 150 nghìn tờ rơi, 20 nghìn cuốn tài liệu; mở các chuyên trang, chuyên mục trên Báo Nam Định, Đài PT-TH tỉnh và Đài phát thanh các huyện, thành phố về công tác phòng, chống tệ nạn ma túy. Trong đó, lựa chọn các đơn vị, địa bàn trọng điểm, đối tượng ưu tiên xây dựng mô hình điểm để rút kinh nghiệm trước khi nhân ra diện rộng. Các ngành: LĐ-TB và XH, Công an tỉnh, VH, TT và DL phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh thực hiện kế hoạch xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn mại dâm, ma túy trên địa bàn toàn tỉnh. Sở Y tế và các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn cho 11.996 lượt cán bộ tỉnh, huyện, xã, thôn, xóm về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội; tập huấn cho 250 cán bộ y tế về các bài thuốc và phương pháp điều trị cai nghiện ma tuý, điều trị cắt cơn, giải độc; hỗ trợ máy điện châm, kim châm cứu cho trạm y tế tổ chức cai nghiện ma tuý tại gia đình, cộng đồng. Kết quả 3 năm qua, toàn tỉnh đã tổ chức cai nghiện và điều trị nghiện ma túy cho 2.474 lượt người (trong đó 34,2% số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý); trong đó cai nghiện tại 2 Trung tâm CBGDLĐXH trên địa bàn tỉnh là 859 lượt người, cai nghiện tại gia đình và cộng đồng là 229 lượt người; tại các Trung tâm cai nghiện tự nguyện cấp huyện 303 lượt người; tại trung tâm cai nghiện tư nhân 99 lượt người; điều trị nghiện ma túy bằng thuốc methadone 984 lượt người. Đến nay, tại các Trung tâm CBGDLĐXH đã quản lý sau cai nghiện 115/524 người cai nghiện bắt buộc. Hoạt động cai nghiện tại cộng đồng chưa thực hiện quản lý sau cai nghiện do không có cơ sở điều trị cắt cơn tại cộng đồng. Cùng với việc được hỗ trợ điều trị cắt cơn, phục hồi chức năng, người cai nghiện được hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm sau khi hoàn thành cai nghiện ma túy. Đến nay, đã có 76 người hoàn thành cai nghiện ma túy được dạy nghề, hỗ trợ việc làm với tổng kinh phí 132 triệu đồng; qua đó, đã giúp người nghiện có điều kiện thuận lợi, có cơ hội việc làm và có thu nhập ổn định khi tái hòa nhập cộng đồng. Với sự tập trung chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc của các ngành, đoàn thể đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương và các tầng lớp nhân dân, từng bước huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia phòng, chống ma túy, cai nghiện và quản lý sau cai nghiện... Theo thống kê, khảo sát của các Trung tâm CB-GD-LĐXH và cơ sở cai nghiện của tỉnh đối với 1.056 người cai nghiện tại cơ sở cai nghiện, số người tái nghiện là 148 người, chiếm 14% (tỷ lệ chung toàn quốc trên 80%). Nhiều chỉ tiêu đạt và vượt như: Không để ma túy xâm nhập trường học; chưa phát hiện đảng viên, công chức nghiện ma túy và liên quan đến tội phạm ma túy; kiểm soát và triệt phá làm giảm trên 5% các tụ điểm phức tạp về ma túy, triển khai đúng tiến độ quy định công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Ở nhiều địa phương chưa thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của từng ngành, sự phối hợp thực hiện công tác cai nghiện chưa chặt chẽ. Trong công tác triển khai thực hiện chương trình, đề án, các hoạt động tổ chức tuyên truyền đã có sự phối hợp, lồng ghép nhưng chưa thường xuyên, người sau cai nghiện được dạy nghề chưa nhiều, khả năng tìm kiếm việc làm khó khăn và không ổn định. Chưa có biện pháp thích hợp và hiệu quả trong công tác quản lý người nghiện sau khi hoàn thành cai nghiện ma túy tại nơi cư trú. Để đẩy mạnh công tác cai nghiện, quản lý sau cai nghiện ma túy, thời gian tới, Ban Chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 44/KH-UBND ngày 3-10-2012 của UBND tỉnh, gắn với thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 là: Tổ chức cai nghiện cho 90% số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý; hằng năm giảm ít nhất từ 3-6% người nghiện ma túy; phấn đấu 40% xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy; có ít nhất 50% người nghiện ma túy được cai nghiện ma túy tại cộng đồng; đảm bảo 100% người đã hoàn thành cai nghiện ma túy ở các trung tâm được quản lý sau cai nghiện ma túy với các hình thức quản lý, tư vấn giám sát phù hợp; hằng năm, phấn đấu tăng 10% số người nghiện ma tuý tự nguyện cai nghiện tại các trung tâm./.

Trần Minh Tân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com