Sau 2 năm thực hiện Luật An toàn thực phẩm (ATTP), công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh ta đã đạt được một số kết quả nổi bật. Toàn tỉnh đã quản lý trên 11 nghìn cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống (25% cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, 36,9% cơ sở kinh doanh thực phẩm, 38,1% cơ sở dịch vụ ăn uống). Các bếp ăn tập thể được cấp phép đủ điều kiện VSATTP đều có hồ sơ kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu đầu vào; đã triển khai công tác kiểm soát quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm dinh dưỡng. Việc phân công, phân cấp quản lý giữa các cấp, các ngành đã rõ ràng hơn, hạn chế tình trạng chồng chéo. Tuy nhiên, việc quản lý ATTP tại tuyến xã vẫn còn buông lỏng, đặc biệt là bếp ăn tập thể ở các trường học; việc quản lý các cơ sở thuộc ngành NN và PTNT chiếm tỷ lệ thấp. Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm được tăng cường. Năm 2013, các lực lượng chức năng đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 9.891 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; phát hiện 1.703 cơ sở vi phạm, 217 cơ sở bị xử lý, 132 cơ sở bị cảnh cáo, 37 cơ sở bị phạt tiền, 3 cơ sở phải đóng cửa sản xuất. Qua công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm đã phát hiện một số cơ sở có phoóc-môn trong bánh phở, tình trạng sử dụng hàn the trong sản xuất giò chả, nước uống đóng chai chưa đạt chỉ tiêu chất lượng. Ngoài ra, một số cơ sở vi phạm điều kiện vệ sinh, khám sức khỏe định kỳ, không tập huấn kiến thức ATTP cho nhân viên, sử dụng phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm về nhãn mác sản phẩm…
Cán bộ Chi cục ATVSTP tỉnh kiểm tra công tác ATTP tại Trường Mầm non Thị trấn Gôi (Vụ Bản). |
Ngoài việc tổ chức thanh tra, kiểm tra liên ngành, Chi cục ATVSTP tỉnh và Thanh tra Sở Y tế còn tổ chức các đoàn thanh tra chuyên ngành thanh tra hậu kiểm theo kế hoạch. Về công tác kiểm tra, kiểm nghiệm tiêu chuẩn VSATTP sản phẩm đã có Phòng Kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn ISO 17025, Trung tâm Kiểm nghiệm dược phẩm, hoá mỹ phẩm; tuy nhiên ở các ngành NN và PTNT, Công thương nhiều loại mẫu vẫn phải gửi đi Trung ương. Trong công tác thông tin, giáo dục, truyền thông, tuyên truyền phổ biến văn bản pháp luật, năm 2012 các hoạt động tuyên truyền tập trung chủ yếu nhân Tháng hành động vì chất lượng VSATTP; quán triệt Chỉ thị 08 của Ban Bí thư và các văn bản thực hiện của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các địa phương; phổ biến Luật ATTP và các văn bản hướng dẫn; triển khai các hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng từ tỉnh đến cơ sở; phối hợp các tổ chức đoàn thể như Hội LHPN, Hội Nông dân, MTTQ tổ chức các buổi truyền thông, giáo dục trực tiếp. Năm 2013, Chi cục ATVSTP đã tổ chức hơn 70 lớp tập huấn văn bản quy phạm pháp luật cho hơn 2.500 người là hiệu trưởng, cán bộ y tế các trường học, những người kinh doanh thức ăn đường phố, chủ doanh nghiệp và phụ trách bếp ăn tập thể của các khu, CCN; cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho 67 cơ sở sản xuất thực phẩm do tỉnh quản lý; công bố hợp chuẩn, hợp quy cho 24 cơ sở và 35 sản phẩm; xác nhận công bố phù hợp ATTP cho 40 cơ sở và 61 sản phẩm. Nhờ làm tốt công tác giáo dục, truyền thông về ATTP, đến nay đã có 66,1% người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, 75% người quản lý; 66,3% người tiêu dùng có kiến thức và thực hành đúng về ATTP. Công tác giám sát phòng chống NĐTP, trong 2 năm (2012 và 2013) đã thành lập các điểm thường trực tiếp nhận bệnh nhân NĐTP cấp cứu tại cơ sở; tổ chức giám sát phục vụ các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, giám sát bếp ăn tập thể các trường học; tổ chức giám sát mối nguy 10 nhóm thực phẩm nguy cơ cao tại các chợ và thức ăn đường phố. Qua giám sát đã phát hiện 16-17% số mẫu không đạt (vi phạm chủ yếu do sử dụng hàn the, phoóc-môn, nhiễm vi khuẩn E.coli). Đã tiến hành xét nghiệm 3.258 mẫu (năm 2012 là 858 mẫu, năm 2013 là 2.400 mẫu), phát hiện tỷ lệ mẫu không đạt 17-18%. Năm 2012, toàn tỉnh có 5 vụ NĐTP với 76 người mắc (không có trường hợp tử vong). Năm 2013, toàn tỉnh xảy ra 1 vụ NĐTP với 20 người mắc (không có trường hợp tử vong).
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật ATTP vẫn còn bộc lộ những tồn tại, vướng mắc: Việc phát hiện vi phạm về ATTP qua kiểm tra nhiều nhưng xử lý được ít, mức xử lý chưa tương xứng với mức độ vi phạm. Công tác xử lý, giám sát của cơ sở trong thực hiện quyết định xử lý của thanh tra cấp trên thiếu hiệu quả, ít trách nhiệm; chưa công khai rộng rãi các cơ sở vi phạm, các sản phẩm mất an toàn trên các phương tiện thông tin đại chúng. Sự phối hợp liên ngành tại huyện, xã chưa thực hiện tốt, công tác quản lý cơ sở thực phẩm tại nhiều địa phương chưa làm tốt; công tác giám sát, phát hiện, xử lý NĐTP tại không ít địa phương còn chậm, lúng túng, chưa thực hiện đúng quy chế điều tra NĐTP quy định tại Quyết định 39/2006/QĐ-BYT, việc xử phạt các sai phạm về ATTP tại tuyến cơ sở, nhất là tuyến xã, phường còn buông lỏng… Để khắc phục tồn tại, cần có sự phối hợp chặt chẽ, cộng đồng trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, các ngành, các cấp trong việc thực hiện Luật ATTP; tiếp tục ban hành các văn bản hướng dẫn; tăng cường phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo liên ngành VSATTP và quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của các ngành thành viên Ban Chỉ đạo, tăng cường trách nhiệm của UBND các cấp trong thực hiện luật. Tiếp tục tập huấn, đào tạo, phổ biến kiến thức về ATTP và các văn bản quy phạm pháp luật cho chủ các doanh nghiệp để họ nắm rõ các quy định về ATTP để tăng cường trách nhiệm. Tăng cường đầu tư cho công tác bảo đảm ATTP, trong đó tập trung vào công tác quy hoạch, công tác kiểm nghiệm, kinh phí hoạt động và mạng lưới cộng tác viên ATTP cơ sở./.
Bài và ảnh: Minh Thuận