Qua phân tích các vụ TNGT cho thấy, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông còn thấp chính là nguyên nhân gây ra phần lớn các vụ va chạm và TNGT. Trước thực trạng này, từ nhiều năm nay các cấp, ngành chức năng đã chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức chấp hành về bảo đảm trật tự ATGT của người dân.
Đoàn Thanh niên và Hội CCB Khối Các cơ quan tỉnh ký kết chương trình phối hợp vận động ĐVTN tham gia bảo đảm trật tự ATGT giai đoạn 2013-2017. |
Ban ATGT tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, các tổ chức, đoàn thể đẩy mạnh các cuộc vận động: “Nông dân tham gia bảo đảm trật tự ATGT”, “Phụ nữ tham gia bảo đảm trật tự ATGT vì hạnh phúc của mỗi gia đình”, “Tăng cường công tác y tế nhằm giảm thiểu thiệt hại do TNGT”, “CCB tham gia giữ gìn trật tự ATGT”, “Tăng cường công tác giáo dục kiến thức ATGT trường học giai đoạn 2013-2018”…, đồng thời tổ chức xe tuyên truyền lưu động về pháp luật trật tự ATGT trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. Công an tỉnh phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng, các tổ chức xã hội và đoàn thể đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật về trật tự ATGT, vận động, phát động phong trào “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự ATGT”. Ủy ban MTTQ tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự ATGT”; hướng dẫn Uỷ ban MTTQ các cấp thực hiện đưa nội dung xây dựng văn hóa giao thông gắn với thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Sở GD và ĐT tổ chức phổ biến rộng rãi cuộc thi “Giao thông thông minh trên internet”, xây dựng, nhân rộng mô hình “Cổng trường an toàn” đến các trường học trong tỉnh. Tỉnh Đoàn phối hợp với Công an tỉnh, Sở GTVT tổ chức các đợt tập huấn, nói chuyện chuyên đề về pháp luật giao thông, văn hoá giao thông cho 400 cán bộ Đoàn các cấp; phối hợp với Ban ATGT tỉnh tổ chức chương trình “Tuổi trẻ Nam Định xung kích giữ gìn trật tự ATGT”… Công tác tuyên truyền, cổ động trực quan bằng các cụm ảnh, pa-nô, áp phích, khẩu hiệu, băng rôn tại trụ sở cơ quan, trường học, khu dân cư, bến xe, nhà ga, những nút giao thông quan trọng được tăng cường… Việc đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền đã tạo chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức, làm thay đổi hành vi của người dân. Tại huyện Vụ Bản, trong đợt tổ chức các hoạt động tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì TNGT (tháng 11-2013) đã treo 2 pa-nô cỡ lớn tuyên truyền về TNGT và các nguy cơ gây mất ATGT tại trung tâm huyện, đã tác động mạnh đến nhận thức và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự ATGT của người dân địa phương.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban ATGT tỉnh, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT của một số ngành, địa phương còn bị động, chưa duy trì thường xuyên mà chủ yếu tập trung vào các đợt cao điểm. Cấp xã ít quan tâm tuyên truyền về trật tự ATGT; thôn, xóm gần như không có sự phản hồi của chính quyền cơ sở về việc giáo dục người vi phạm sau khi nhận được thông báo của cơ quan chức năng. Nội dung tuyên truyền chưa bám sát thực tế mỗi địa bàn. Trước thực trạng trên, Ban ATGT tỉnh đã xây dựng chương trình tuyên truyền về bảo đảm trật tự ATGT giai đoạn 2013-2015, với mục tiêu tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật giao thông của người tham gia giao thông, đặc biệt là các đối tượng trực tiếp điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động GTVT, góp phần xây dựng văn hóa giao thông. Theo đó, đến hết năm 2015, có 100% người tham gia giao thông được phổ biến kiến thức, pháp luật về trật tự ATGT, 100% học sinh, sinh viên các bậc học được giáo dục pháp luật về trật tự ATGT; 100% đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô được tuyên truyền kiến thức pháp luật về ATGT, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp cho lái xe; 100% lãnh đạo các cấp chính quyền được tuyên truyền về ATGT, biện pháp bảo đảm ATGT. Nguyên tắc tuyên truyền của chương trình phải bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt từ cấp tỉnh đến cơ sở trong việc thực hiện tuyên truyền về ATGT, thường xuyên tổng hợp, cung cấp thông tin có định hướng. Xác định rõ về nội dung cho phù hợp với từng nhóm đối tượng và thời điểm để thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền trên cơ sở tiết kiệm, hiệu quả, tránh dàn trải, chồng chéo. Khi thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền pháp luật giao thông, ngoài việc tuyên truyền những quy định của pháp luật, cần tuyên truyền cả các quy định về xử phạt, mức phạt đối với từng hành vi vi phạm. Các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh tăng thời lượng, mở các chuyên trang, chuyên mục về pháp luật, chính sách của Đảng, Nhà nước về trật tự ATGT giúp người dân nhận thức được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đối với công tác bảo đảm ATGT. Thực hiện các phóng sự, chương trình quảng cáo trên phát thanh, truyền hình theo các chủ đề khác nhau nhằm nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật ATGT của người dân. Báo Nam Định đưa tin, bài, phóng sự phản ánh tình trạng vi phạm ATGT, hình ảnh TNGT, gương “người tốt, việc tốt” trong việc chấp hành pháp luật giao thông; các hình thức và biện pháp xử lý mạnh đối với các vi phạm pháp luật giao thông như: chạy quá tốc độ, vượt sai quy định, lạng lách, đánh võng, đua xe trái phép, chở quá số người quy định. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua hệ thống thông tin cơ sở, tổ chức các cuộc thi viết, hình thức sân khấu hoá…
Bài và ảnh: Nguyễn Thanh Thúy