Mô hình "Tổ phụ nữ tham gia xây dựng cánh đồng mẫu lớn" ở Giao Hà

07:12, 07/12/2013

Xã Giao Hà (Giao Thuỷ) là 1 trong 96 xã được chọn làm điểm xây dựng NTM của tỉnh giai đoạn I (2010-2015). Hội Phụ nữ xã cũng là đơn vị được chọn làm điểm trong phong trào thi đua “Phụ nữ Nam Định chung sức xây dựng NTM” do Hội LHPN tỉnh phát động. Là lực lượng lao động đông đảo (chiếm trên 50% dân số), thời gian qua, phụ nữ xã Giao Hà đã có đóng góp quan trọng vào tiến trình xây dựng NTM của địa phương thông qua các hoạt động: Hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, vận động chị em mạnh dạn mở mang sản xuất, tích cực trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa những cây, con có giá trị kinh tế cao vào sản xuất; đặc biệt là vận động hội viên phụ nữ tham gia xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn (CĐML) của xã để sản xuất nông sản hàng hoá.

Hội thảo đầu bờ tại cánh đồng mẫu lớn do Hội Phụ nữ xã Giao Hà đảm nhận. Ảnh: Thanh Tuấn
Hội thảo đầu bờ tại cánh đồng mẫu lớn do Hội Phụ nữ xã Giao Hà đảm nhận. Ảnh: Thanh Tuấn

Năm 2010, ngay sau khi Đảng uỷ xã có nghị quyết về dồn điền, đổi thửa (DĐĐT), Hội Phụ nữ xã đã tổ chức quán triệt đến cán bộ, hội viên ở 12 chi hội và vận động chị em tích cực hưởng ứng. Với sự tham gia tích cực của cán bộ, hội viên phụ nữ nên xã Giao Hà đã sớm hoàn thành DĐĐT từ cuối năm 2011, góp phần hình thành nên những cánh đồng rộng 30-50ha. Từ vụ xuân năm 2012, Hội Phụ nữ xã đã đứng ra đảm nhận 30ha CĐML ở xóm 5 để sản xuất, đồng thời thành lập mô hình “Tổ phụ nữ tham gia xây dựng CĐML”. Trước đó, Hội Phụ nữ xã đã tiến hành khảo sát nhu cầu tham gia mô hình của 50 hộ ở xóm 3 và xóm 5, sau đó lựa chọn 30 hộ ở xóm 5 đáp ứng được các điều kiện mô hình. Được sự hỗ trợ của Hội LHPN tỉnh, Hội Phụ nữ xã đã tổ chức 2 lớp tập huấn nâng cao kiến thức kỹ năng sản xuất lúa chất lượng cao với nội dung về kỹ thuật làm đất, ngâm ủ giống và thâm canh mạ; kỹ thuật cấy, sạ lúa; các giai đoạn sinh trưởng và nhu cầu dinh dưỡng của cây lúa; nhận biết một số đối tượng dịch hại chính và biện pháp phòng trừ; kỹ thuật sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả; thu hoạch, phơi sấy và bảo quản lúa; xử lý rơm rạ sau thu hoạch… Kết quả sau 2 vụ thử nghiệm mô hình “3 cùng” (Cùng kỹ thuật, cùng giống, cùng thời điểm) trên 30ha CĐML, năng suất, chất lượng tăng  từ 10 đến 15%. Cụ thể vụ xuân năm 2013, giống lúa lai cho năng suất trên 300 kg/sào, vụ mùa vừa qua giống lúa thuần chất lượng cao BC15 cho năng suất 240-250 kg/sào… trong đó nhiều hộ năng suất vụ mùa đạt 270-280 kg/sào. Đồng chí Bùi Thị Lan, Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết: Với mô hình CĐML do Hội Phụ nữ đảm nhận không chỉ cho năng suất cao hơn mà nhờ áp dụng kỹ thuật chăm bón khoa học nên cây lúa ít bị sâu bệnh, từ đó giảm chi phí thuốc trừ sâu, giảm ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, việc thực hiện mô hình “3 cùng” và kỹ thuật gieo sạ đã tiết kiệm được nhiều chi phí dịch vụ, thời gian, công sức nên chị em rất phấn khởi. Trong quá trình sản xuất, Hội Phụ nữ xã còn vận động hội viên giữ gìn vệ sinh đồng ruộng, thu gom rác thải, rơm rạ sạch sẽ sau thu hoạch, hạn chế việc đốt rơm rạ, góp phần giữ gìn VSMT, xây dựng NTM. Sau vụ mùa, Hội vận động chị em trồng các loại cây vụ đông như bí xanh, khoai tây, lạc, nâng cao thu nhập, giá trị trên diện tích canh tác của CĐML theo phương pháp khoa học, sử dụng các chế phẩm sinh học, hạn chế các loại phân bón hoá học, thuốc trừ sâu trong gieo trồng, chăm bón và cung cấp kiến thức, kỹ năng để lựa chọn các loại giống lúa chất lượng cao có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, có năng suất, chất lượng gạo ngon, giá tiêu thụ cao để áp dụng trồng vụ xuân 2014. Bên cạnh đó, Hội Phụ nữ xã còn vận động chị em góp sức cải tạo 1km đường nội đồng kiên cố thuận lợi cho việc đưa máy gặt đập liên hợp vào thu hoạch, góp phần làm giảm chi phí sản xuất và sức lao động.

Cùng với mô hình “Tổ phụ nữ tham gia xây dựng CĐML” ở xóm 5, với sự hỗ trợ về vốn, kinh nghiệm sản xuất của Hội Phụ nữ, nhiều hội viên đã đầu tư xây dựng các gia trại, trang trại, tham gia các mô hình chuyển đổi, góp phần hình thành các vùng chuyên canh như vùng chuyên sản xuất rau giống ở chi 12; vùng chuyên sản xuất cây vụ đông trên đất 2 lúa ở chi hội 3, chi hội 5; vùng chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau rút, rau cần cho thu nhập 50-60 triệu đồng/ha/vụ ở chi hội 4, chi hội 5. Toàn xã đã tiến hành chuyển đổi 41,2ha diện tích đất trũng trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng hoa, cây cảnh, chăn nuôi, nuôi thuỷ sản; trong đó, có nhiều gia đình hội viên đi đầu trong việc chuyển đổi, hình thành các gia trại, trang trại cho thu nhập cao. Tiêu biểu như gia đình chị Nguyễn Thị Tâm ở chi hội 5 đã đấu thầu trên 10ha ruộng trũng cải tạo làm trang trại nuôi lợn, đào ao thả cá, trồng cây cảnh cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

Gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường bền vững, Hội Phụ nữ xã Giao Hà đã đóng góp tích cực vào phong trào thi đua “Phụ nữ Nam Định chung sức xây dựng NTM” và hoàn thành các tiêu chí về xây dựng NTM trên địa bàn xã./.

Phương Mai
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com