Mô hình đào tạo nghề gắn với dạy văn hoá ở các trung tâm GDTX

09:12, 16/12/2013

Từ nhiều năm qua, đáp ứng nhu cầu vừa học nghề, vừa học văn hóa của một bộ phận học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, các trung tâm GDTX trong tỉnh đã phối hợp với các trường chuyên nghiệp, cơ sở dạy nghề mở các lớp kết hợp dạy văn hóa và đào tạo nghề. Các trung tâm GDTX phụ trách dạy văn hóa cho học sinh theo chương trình GDTX cấp THPT, các trường chuyên nghiệp, trường nghề, trung tâm dạy nghề phụ trách đào tạo nghề cho học viên. Sau 3 năm học, khi tốt nghiệp, học viên được cấp bằng TCCN hoặc trung cấp nghề và bằng tốt nghiệp GDTX cấp THPT, có cơ hội tìm việc làm, thu nhập ổn định.

Học viên Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật công nghiệp Nam Định trong giờ thực hành môn Điện dân dụng.
Học viên Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật công nghiệp Nam Định trong giờ thực hành môn Điện dân dụng.

Tại khu vực 16 xã, thị trấn miền hạ của huyện Nghĩa Hưng, mỗi năm có khoảng 450 học sinh tốt nghiệp THCS không vào học bậc THPT và khoảng 350 học sinh tốt nghiệp THPT không đỗ vào các trường cao đẳng, đại học, cùng hàng trăm người lao động, bộ đội xuất ngũ có nhu cầu học nghề. Từ thực tế ấy, năm học 2011-2012, Trung tâm GDTX Nghĩa Tân (Nghĩa Hưng) đã liên kết với Trường Trung cấp nghề GTVT Nam Định, Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật công nghiệp Nam Định, Trường Trung cấp nghề Thương mại - du lịch - dịch vụ Nam Định, Trường Cao đẳng nghề Simco Sông Đà đào tạo các nghề cơ khí, hàn công nghệ cao, kỹ thuật chế biến món ăn, may và thiết kế thời trang, điều khiển máy thi công nền, công nghệ ô tô, điện công nghiệp và dân dụng. Trung tâm đã tổ chức điều tra khảo sát, nắm bắt nhu cầu học tập của các đối tượng, tư vấn lựa chọn nghề học và chịu trách nhiệm về cơ sở vật chất phục vụ cho học viên học các môn văn hóa hệ bổ túc THPT, đồng thời cử giáo viên dạy các bộ môn văn hóa bổ trợ trong chương trình trung cấp nghề. Trung tâm cũng thường xuyên vận động, tuyên truyền để mọi người hiểu rõ về mục tiêu, lợi ích của các chương trình dạy văn hóa - nghề thông qua việc xác định nhu cầu đào tạo, xây dựng chương trình đào tạo, giám sát, kiểm tra quá trình đào tạo nghề; phối hợp với các trường trung cấp, cao đẳng nghề thực hiện việc đào tạo nghề gắn với nhu cầu sử dụng lao động trên thị trường và tăng cường tìm hiểu, sắp xếp bố trí việc làm ổn định tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cho các học viên sau khi tốt nghiệp. Từ năm học 2011-2012 đến nay, Trung tâm đã phối hợp với các trường mở 32 lớp học văn hóa - nghề với tổng số 565 học viên, trong đó có 412 học viên tốt nghiệp. 100% học viên sau khi tốt nghiệp có tay nghề vững vàng và đã được bố trí việc làm, trong đó chủ yếu được tiếp nhận làm việc tại các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dầu khí, Tổng Cty Sông Đà, Tổng Cty Xây dựng công trình giao thông 8 (Cienco8)… với mức thu nhập ổn định. Với mô hình liên kết dạy văn hóa kết hợp với đào tạo nghề, lượng học sinh học văn hóa - nghề ở các trung tâm GDTX trong 3 năm học gần đây tương đối ổn định, năm sau tăng hơn năm trước, góp phần tích cực trong công tác huy động học viên đến các trung tâm GDTX trong tỉnh. Từ năm học 2011-2012 đến năm học 2013-2014, toàn tỉnh có 7.646 học viên học văn hóa - nghề ở các trung tâm GDTX. Các trường cao đẳng, trung cấp nghề cũng đã đào tạo nghề cho 1.864 học viên ở các trung tâm GDTX. Các trung tâm GDTX dạy văn hóa cho 4.682 học viên ở các trường cao đẳng và trung cấp. Số lượng học viên học văn hóa ở các trường trung cấp chuyên nghiệp là 1.947 người. Các trung tâm GDTX đã dạy đủ 8 môn văn hóa theo quy định của Bộ GD và ĐT và tổ chức thi tốt nghiệp lấy bằng GDTX cấp THPT theo đúng quy chế, quy định. Các nghề được đào tạo ở các trường chuyên nghiệp, trường nghề, trung tâm dạy nghề gồm 15 ngành nghề khác nhau. Các trường đã có nhiều chế độ, chính sách để thu hút và tạo điều kiện cho học viên tham gia học nghề. Theo báo cáo của các đơn vị, nhiều học viên ra trường đã tìm được việc làm tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và có thu nhập tương đối ổn định. Tuy nhiên hiện nay, việc học văn hóa kết hợp với học nghề vẫn gặp khó khăn do nhận thức của người học và gia đình chưa quan tâm, chú trọng đến việc học nghề. Nhiều trung tâm GDTX khó huy động đủ số lượng học viên đăng ký học nghề để mở được lớp. Những học sinh theo học chương trình văn hoá - nghề năng lực “đầu vào” hạn chế, nhiều em hoàn cảnh gia đình khó khăn, trong khi vừa phải học nghề, vừa phải học văn hoá nên chất lượng học văn hóa của các học viên chưa cao, tỷ lệ xếp loại học lực yếu còn cao, có trung tâm tới gần 35% học viên xếp loại học lực yếu. Ở một số đơn vị liên kết, số học viên ít, chất lượng đào tạo chưa cao; một số trường, trung tâm nghề còn thiếu phòng học, phòng chức năng nên ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Đặc biệt thời gian gần đây, nhu cầu lao động của các doanh nghiệp giảm, học viên khó khăn tìm việc làm khi ra trường nên đã ảnh hưởng đến việc tuyển sinh của các trường
trung cấp.

Trong thời gian tới, các cơ sở đào tạo TCCN, đào tạo nghề cần tiếp tục phối hợp với các trung tâm GDTX cấp huyện, cấp tỉnh tổ chức tuyển sinh học sinh tốt nghiệp THCS để thực hiện chương trình đào tạo nghề, đồng thời dạy văn hóa theo chương trình GDTX cấp THPT với yêu cầu bảo đảm chất lượng giáo dục và chuẩn đầu ra nhằm thực hiện có hiệu quả giải pháp phân luồng học sinh sau THCS. Các trung tâm GDTX cần tổ chức rà soát lại nội dung chương trình giảng dạy, tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tinh giản, vững chắc để tạo thuận lợi cho học viên tiếp thu bài học và đạt kết quả cao trong học văn hoá. Đồng thời chú trọng công tác đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ việc học nghề, học văn hóa ở các trường, trung tâm dạy nghề; tăng cường công tác điều tra, nắm bắt nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo nghề của các cơ sở sản xuất tại địa phương để đào tạo nghề theo nhu cầu địa chỉ, bảo đảm cơ hội việc làm cho học sinh./.

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com