Khơi dậy tiềm năng phát triển du lịch ở Nghĩa Hưng

09:12, 27/12/2013

Huyện Nghĩa Hưng có lịch sử hình thành, phát triển gắn với quá trình quai đê, lấn biển, dựng xóm, lập làng. Trải qua hàng trăm năm hình thành và phát triển, với điều kiện tự nhiên phong phú, nhiều di tích lịch sử, văn hóa, làng nghề truyền thống là tiềm năng, lợi thế để huyện phát triển các loại hình du lịch.

Chùa Bình A, xã Nghĩa Thịnh xây dựng thành điểm du lịch tâm linh hấp dẫn du khách.
Chùa Bình A, xã Nghĩa Thịnh xây dựng thành điểm du lịch tâm linh hấp dẫn du khách.

Huyện được bao bọc bởi 3 con sông lớn: sông Đào, sông Đáy, sông Ninh Cơ, một phần giáp Biển Đông nên có nhiều tiềm năng du lịch sinh thái sông nước, nhất là vùng đất ngập nước ven biển nằm giữa hai cửa sông Đáy và sông Ninh Cơ. Vùng đất này thuộc Khu Dự trữ sinh quyển đất ngập nước ven biển liên tỉnh châu thổ sông Hồng với hệ sinh thái đa dạng, phong phú, là bến đỗ của hàng trăm loài chim quý di cư và nguồn lợi thủy sản phong phú, có giá trị kinh tế cao như tôm, cua, cá, vạng, trai, sò, hàu... Nằm trong vùng đất ngập nước của huyện còn có Cồn Mờ có diện tích 3-4km2, ngút ngàn phi lao bao quanh những bãi cát mịn, có thể cắm trại và tắm biển; những cánh đồng muối rộng lớn của diêm dân xã Nghĩa Thắng, Nghĩa Phúc… Vẻ đẹp của vùng đất ngập nước nơi đây đã được nhiều đoàn khách du lịch trong nước và quốc tế yêu thích. Ngoài tiềm năng tự nhiên, trên địa bàn huyện có nhiều di tích lịch sử, văn hóa để phát triển du lịch tâm linh. Với 29 di tích, trong đó 6 di tích được công nhận Di tích lịch sử, văn hóa quốc gia gồm đền thờ Phạm Văn Nghị ở xã Nghĩa Lâm, đình Hưng Lộc và đền chùa Hạ Kỳ ở xã Nghĩa Thịnh, đền chùa Hưng Thịnh ở xã Hoàng Nam, đền thờ Tiến sĩ Doãn Khuê ở xã Nghĩa Thành, đền Bình Hải ở xã Nghĩa Phú được các nhà nghiên cứu, người dân đánh giá cao về giá trị lịch sử và kiến trúc độc đáo. Tiêu biểu như đình Hưng Lộc ở xã Nghĩa Thịnh thờ Thái úy Phạm Cự Lượng, là danh tướng vương triều Đinh và Tiền Lê có nhiều công lao trong đấu tranh giữ nước. Đình có kiến trúc đặc sắc, các cấu kiện gỗ được chạm, khắc theo phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê (thế kỷ XVII-XVIII) với kỹ thuật chạm kênh bong nổi khối cầu kỳ và đa dạng các đề tài thể hiện như long, ly, quy, phượng, tiên nữ… đến đời sống dân gian... Đền thờ Tiến sĩ Doãn Khuê xã Nghĩa Thành tưởng nhớ công lao của ông trong công cuộc khai hoang lấn biển, tạo dựng làng xã, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước, phát động nhân dân đánh giặc Pháp xâm lược. Đền chính thờ Tiến sĩ Doãn Khuê gồm 3 tòa xây liền nhau, trong đó tòa tiền đường gồm 5 gian có hệ thống cột vuông bằng gạch đỡ các vì kèo; tòa trung đường và chính tẩm có trần xây cuốn vòm rất đẹp… Bên cạnh các công trình di tích lịch sử, trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng hiện có nhiều nhà thờ giáo xứ, giáo họ có kiến trúc đẹp, tiêu biểu là nhà thờ giáo xứ Quần Liêu, xã Nghĩa Sơn được UBND tỉnh công nhận Di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh năm 2003. Nhà thờ được xây dựng cách đây hơn 100 năm, sau nhiều lần được trùng tu, tôn tạo với những vật liệu, phong cách kiến trúc mang phong cách truyền thống. Ngoài ý nghĩa về kiến trúc, nơi đây còn che chở, nuôi giấu nhiều cán bộ, chiến sĩ hoạt động trong Cách mạng Tháng Tám, trong thời Nhật - Pháp chiếm đóng. Cùng với những di tích lịch sử, văn hóa, trên địa bàn huyện có nhiều làng nghề thủ công truyền thống nổi tiếng như dệt chiếu cói ở Liêu Hải (Nghĩa Trung); làm nón lá ở xã Nghĩa Châu; làm miến ở xã Nghĩa Lâm…; nhiều nhà mái bổi khu vực các xã ven biển như Nghĩa Thắng, Nghĩa Hải, Thị trấn Rạng Đông… là những điểm đến có sức hấp dẫn thu hút du khách, phát triển du lịch làng nghề, du lịch sinh thái.

Với tiềm năng du lịch đa dạng, phong phú, thời gian qua huyện Nghĩa Hưng đã triển khai nhiều kế hoạch phát triển du lịch. Đối với vùng đất ngập nước ven biển giàu tiềm năng, từ năm 2005 UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch chi tiết Khu du lịch Rạng Đông với tổng diện tích đất gần 200ha để đầu tư xây dựng phát triển dịch vụ du lịch, tắm biển, nghỉ dưỡng. Năm 2010, UBND tỉnh tiếp tục giao UBND huyện Nghĩa Hưng làm chủ đầu tư thực hiện Dự án “Đầu tư xây dựng hạ tầng phát triển kinh tế biển huyện Nghĩa Hưng” tại khu đất đã quy hoạch với tổng vốn đầu tư khoảng 314 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút các nhà đầu tư vào xây dựng các khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi, kinh doanh dịch vụ ẩm thực với các đặc sản biển. Đồng chí Trần Thị Tươi, Trưởng phòng VH-TT huyện cho biết: “Thời gian qua từ nguồn vốn hỗ trợ Chương trình mục tiêu chống xuống cấp di tích, các địa phương đã sửa chữa các di tích lịch sử, văn hóa như đền thờ Tiến sĩ Doãn Khuê, đền chùa Hạ Kỳ, đình Hưng Thịnh... nhằm bảo tồn, giữ gìn cho các thế hệ sau và phát triển du lịch”. Cùng với bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, cấp ủy, chính quyền trong huyện đều tạo điều kiện cho nhiều tổ chức, cá nhân thực hiện công tác xã hội hóa thu hút đầu tư xây dựng một số công trình phát triển du lịch tâm linh. Tiêu biểu, chùa Phúc Lộc, làng Hưng Lộc, xã Nghĩa Thịnh đã tổ chức khánh thành Bảo tháp Đại Bi là công trình Phật giáo có quy mô lớn nhất từ trước tới nay của tỉnh gồm 13 tầng, cao 49m với kiến trúc mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và Phật giáo Việt Nam. Phía ngoài Bảo tháp có hình bát giác, bên trong hình tứ trụ thông suốt với tổng diện tích sàn xây dựng 1.500m2. Ngoài ra, trong khuôn viên còn có hồ nước, cây xanh, nhà lưu niệm... Cũng ở xã Nghĩa Thịnh, cách tòa Bảo tháp Đại Bi khoảng 2km là công trình chùa Bình A đang được khẩn trương hoàn thiện. Công trình được xây dựng trong khuôn viên 5.500m2 bao gồm chánh điện, Quan Âm các, nhà khách và các công trình phụ trợ với kinh phí xây dựng khoảng trên 25 tỷ đồng, hứa hẹn sẽ là điểm du lịch tâm linh hấp dẫn.

Với nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch, huyện Nghĩa Hưng cần nhanh chóng xây dựng quy hoạch phát triển du lịch đa dạng các loại hình: văn hoá, tâm linh, sinh thái, nghỉ dưỡng, liên kết du lịch với các địa phương trong tỉnh. Tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở các vùng du lịch, khuyến khích các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển du lịch. Tăng cường phối hợp với các cơ quan chuyên môn, Sở VH, TT và DL quảng bá, xúc tiến du lịch để đưa du lịch của huyện phát triển thành ngành kinh tế hiệu quả./.

Bài và ảnh: Thanh Ngọc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com