Hiện nay, Hội Nạn nhân chất độc da cam (CĐDC)/đi-ô-xin huyện Nam Trực có 990 hội viên, trong đó có 690 người là nạn nhân trực tiếp, 177 gia đình có từ hai người trở lên nhiễm CĐDC. Những năm qua, cùng với sự quan tâm chăm lo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, Hội Nạn nhân CĐDC/đi-ô-xin huyện đã có nhiều hoạt động thiết thực giúp các nạn nhân CĐDC bớt khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế gia đình, từng bước ổn định cuộc sống.
Nhờ nguồn thu nhập từ cây cảnh, hội viên Trần Văn Quyền (bên phải), xã Nam Mỹ đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. |
Ở các xã Nam Mỹ, Điền Xá, Nam Toàn, Nghĩa An… là những địa phương có nhiều nạn nhân CĐDC đã vượt khó, vươn lên làm giàu bằng nghề truyền thống. Sống trên quê hương cái nôi của nghề trồng hoa cây cảnh, các hội viên với đức tính cần cù, chịu khó, không cam chịu đói nghèo đã khai thác được thế mạnh về tiềm năng đất đai, nắm bắt kịp thời nhu cầu, xu hướng của thị trường sinh vật cảnh, sản xuất các loại cây cảnh mang lại giá trị kinh tế cao, vươn lên thoát nghèo. Tiêu biểu như ông Phùng Văn Bình ở xã Điền Xá. Năm 1968, ông tham gia quân đội và được biên chế vào Binh chủng Đặc công, trực tiếp tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng (Mặt trận 44). Năm 1969 trong một trận đánh ác liệt tại Đồn Kiểm lâm ở Quảng Nam, ông bị thương nặng ở cột sống với tỷ lệ thương tật 35%. Do vết thương và chất độc da cam tại chiến trường sức khỏe ngày càng giảm sút, năm 1972 ông được phục viên về địa phương. Bắt tay vào xây dựng kinh tế gia đình với hai bàn tay trắng, ông đã tìm đủ cách để mưu sinh. Sau những năm tháng vất vả làm thuê cho các chủ vườn cây cảnh, ông đã học được những kỹ thuật cơ bản về uốn tỉa cây. Thời gian đầu lập nghiệp, để có giống cây, ông đổi 7 ngày công chở đất vượt ao cho một chủ vườn để lấy một cây đỗ quyên và hai cây hoa trà. Có được cây giống, ông thực hiện phương châm “lấy ngắn nuôi dài” chăm những “cây vốn”, cắt cành nhân giống. Cứ thế ông đã nhân được hàng nghìn cây giống và dần trở thành người cung cấp cây đỗ quyên và hoa trà bán ra thị trường nhiều nhất xã. Năm 1981, ông bán cây đỗ quyên “mẹ” được hơn 1 cây vàng để lấy vốn tiếp tục đầu tư mua các cây phôi sanh, tùng la hán, lộc vừng… và tiếp tục nhân tạo giống. Hiện nay, ông trở thành người có tiếng trong việc sáng tạo ra những thế cây mới và nhiều bí quyết chăm sóc các loại cây “khó tính” như hoa trạng nguyên, tạo vảy rồng từ rễ cây cảnh… Năm 2003, ông được tỉnh công nhận là nghệ nhân sinh vật cảnh vì có những đóng góp to lớn cho sự đa dạng các loại cây cảnh của địa phương. Ngoài ra, ông còn góp phần đưa cây cảnh của địa phương “xuất ngoại” đi Trung Quốc, Pháp, Hà Lan, Lào… Hiện nay, ông có hơn 3 sào đất vườn trồng cây cảnh, mỗi năm cho thu nhập từ 300-400 triệu đồng. Đặc biệt, từ năm 2009 đến năm 2011 ông bán được mỗi năm trên 1 tỷ đồng tiền cây cảnh. Hai năm trở lại đây mặc dù thị trường có những biến động suy giảm, nhưng mỗi năm ông cũng bán được từ 300-500 triệu đồng tiền cây cảnh. Cuộc sống kinh tế gia đình ông nhờ thế đã có nhiều đổi thay. Hội viên Trần Văn Quyền, xã Nam Mỹ cũng nổi tiếng với nghề cây cảnh, thường xuyên có những đơn hàng có giá trị, tạo việc làm cho nhân dân địa phương. Từ năm 2000, khi địa phương có chủ trương chuyển đổi những diện tích canh tác kém hiệu quả sang trồng hoa, cây cảnh, ông đã mạnh dạn thuê hơn 10.000m2 đất, đầu tư mua cây giống để sản xuất cây cảnh, tạo việc làm thường xuyên cho 5-7 lao động với mức thu nhập từ 3-6 triệu đồng/người/tháng… Ngoài ra, ông đã mạnh dạn đầu tư trồng các loại cây bóng mát như sấu, phượng vĩ, hoa sữa, cau vua, cỏ chỉ Nhật… để phục vụ trang trí các công trình công cộng, khuôn viên công sở ở các địa phương như Đà Nẵng, Huế, Quảng Bình, Quảng Ninh, Hà Nội… Hiện nay, cơ sở của ông đang tập trung thực hiện hợp đồng tạo cảnh quan trải thảm cây trang trí, cây bóng mát… cho khu lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hoá) có tổng trị giá 27 tỷ đồng, ngoài ra sản phẩm cây cảnh của ông còn xuất bán sang các thị trường như Trung Quốc, Đài Loan, Lào, Ấn Độ… Từ đầu năm đến nay, ông đã xuất bán nhiều loại cây cảnh, cây thế, thu được hơn 600 triệu đồng. Kinh tế gia đình ngày càng khấm khá, ông có điều kiện cho các con ăn học.
Bên cạnh sự vượt khó, vươn lên phát triển kinh tế gia đình của các hội viên, các cấp Hội từ huyện tới xã đã tranh thủ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai nhiều hoạt động thiết thực, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các nạn nhân CĐDC thông qua các phong trào, cuộc vận động như: “Tết vì người nghèo và nạn nhân CĐDC”; “Tháng hành động vì nạn nhân CĐDC” và nhân các ngày lễ, tết… Từ năm 2009 đến nay, các cấp Hội trong huyện đã tuyên truyền, vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà trường, các nhà hảo tâm trong và ngoài địa phương ủng hộ, chăm sóc nạn nhân CĐDC với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng; cho hội viên vay vốn không tính lãi để phát triển sản xuất, kinh doanh với tổng số vốn 47 triệu đồng; phối hợp với Hội Chữ thập đỏ các cấp tặng 10 con bò sinh sản, tạo sinh kế cho các nạn nhân da cam của 2 xã Bình Minh và Nam Lợi với tổng trị giá 100 triệu đồng; tổ chức khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí, tặng quà cho hội viên vào dịp lễ, tết, lúc ốm đau… với tổng số tiền 315 triệu đồng. Cùng với đó, nhiều Hội cơ sở đã tích cực vận động hội viên đóng góp xây dựng quỹ hội, tạo nguồn vốn cho hội viên vay phát triển kinh tế. Hiện nay, bình quân quỹ hội toàn huyện đạt gần 300 nghìn đồng/hội viên, một số Hội cơ sở có số quỹ cao như Nam Thắng, Tân Thịnh, Điền Xá, Nam Toàn, Thị trấn Nam Giang… đạt bình quân 400 nghìn đồng/hội viên. Nhiều hội viên được vay vốn từ nguồn quỹ hội để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát nghèo.
Thời gian tới, cùng với việc củng cố, kiện toàn tổ chức Hội, các cấp Hội Nạn nhân CĐDC/đi-ô-xin huyện Nam Trực tiếp tục tuyên truyền, vận động để các tầng lớp nhân dân cùng với cấp ủy, chính quyền các cấp “chung tay xoa dịu nỗi đau da cam”, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, giúp các hội viên giảm bớt những khó khăn trong cuộc sống./.
Bài và ảnh: Văn Thứ