Những năm qua, phong trào “Cựu chiến binh (CCB) giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo nhanh và bền vững” đã được cán bộ, hội viên Hội CCB Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) sôi nổi hưởng ứng. Nhiều hội viên CCB đã vươn lên thoát nghèo, kinh tế gia đình ổn định.
Gia đình hội viên CCB Nguyễn Văn Thành thu hoạch củ cải. |
Hội CCB thị trấn đã khuyến khích hội viên tích cực tham gia sinh hoạt các CLB phát triển kinh tế ở địa phương, đồng thời thành lập, duy trì hoạt động các CLB ngành nghề do các hội viên CCB cùng ngành, lĩnh vực sản xuất. Được thành lập năm 2011, CLB nuôi thủy sản do chi hội CCB 6, 7, 8 thành lập. Ban đầu CLB có 20 hộ tham gia, gồm những thành viên có kinh nghiệm nuôi cá. Mục tiêu hoạt động của CLB là tìm con nuôi phù hợp, mang lại giá trị kinh tế cao và xây dựng thương hiệu riêng cho CLB. Qua nghiên cứu, tìm hiểu nhu cầu của thị trường, CLB đã chọn cá lóc bông nuôi thay thế các loại cá truyền thống kém hiệu quả. Thông qua những buổi sinh hoạt CLB, các hội viên được hướng dẫn kỹ thuật nuôi, được cung cấp nguồn giống và hỗ trợ chi phí ban đầu, đồng thời được học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi, cùng tìm đầu ra cho sản phẩm. Đến nay, sau 3 năm hoạt động, CLB đã thu hút hơn 50 thành viên tham gia, trong đó phần lớn là hội viên CCB, cựu quân nhân. Vụ thu hoạch 2013, các hội viên CLB đã xuất bán hơn 70 tấn cá lóc bông, chủ yếu cung ứng cho thị trường Hà Nội. CCB Vũ Đình Tích, Chủ nhiệm CLB cho biết, cá lóc bông chỉ nuôi được một vụ/năm nhưng giá trị kinh tế mang lại cao hơn nhiều so với các loại cá khác. Mỗi sào mặt nước thả được 1.000 con giống, khi xuất bán cá đạt từ 800g-1,2 kg/con, trừ chi phí, lợi nhuận đạt từ 10-15 triệu đồng/sào. Điển hình như hộ ông Vũ Văn Thành, ở chi hội 6 có 7 sào ao, năm 2013 ông xuất bán gần 7 tấn cá lóc bông, thu lợi nhuận gần 100 triệu đồng; hộ ông Hoàng Văn Đức, chi hội 8, có 6 sào ao tập trung nuôi cá lóc bông, sau thu hoạch, thu lợi nhuận hơn 80 triệu đồng… Ngoài ra, nhiều CCB còn tham gia CLB làm vườn do HND thị trấn thành lập. Các hội viên đã được tư vấn, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, kiến thức liên quan đến canh tác, sản xuất, xây dựng mô hình kinh tế hiệu quả; được đi tham quan, học tập các mô hình chuyển đổi sản xuất ở các tỉnh Hải Dương, Thái Bình… Qua đó, các hội viên đã tìm những loại cây rau màu ngắn ngày, phù hợp với đồng đất địa phương. CLB còn tiếp cận thị trường ở các tỉnh Hải Dương, Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Bình… để bao tiêu sản phẩm cho hội viên. Nhờ đó, nhiều hội viên đã thuê, mượn đất của địa phương để chuyển đổi sang canh tác các loại rau màu. Điển hình như hội viên Trần Văn Khuy, ở chi hội 20 đã thuê hơn 7.000m2 đất chuyển đổi từ khu vực HTX muối Tân Phú để canh tác các loại dưa hấu, dưa lê siêu ngọt, lạc, đậu tương, ngô, cải củ, súp lơ, hành, tỏi… thu nhập từ 120-150 triệu đồng/năm. Hội viên Nguyễn Văn Thành, chi hội 22 trồng hơn một mẫu rau, củ, quả các loại, trừ chi phí mỗi năm thu lợi nhuận trên 100 triệu đồng; các CCB Nguyễn Đăng Định, Nguyễn Văn Cường ở chi hội 22 canh tác hơn 1 mẫu đất bãi chuyên canh rau màu mỗi năm thu được trên 80 triệu đồng…
Đồng chí Phạm Hà Quý, Chủ tịch Hội CCB Thị trấn Thịnh Long cho biết, những năm qua, phong trào “CCB giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo nhanh và bền vững” đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao đời sống cho hội viên. Cán bộ, hội viên đã biết khai thác tiềm năng, thế mạnh sẵn có, lại được Hội CCB hỗ trợ tìm nguồn vốn vay để phát triển sản xuất. Trong 5 năm qua, Hội CCB đã huy động được trên 4 tỷ 624 triệu đồng thông qua các kênh của Ngân hàng CSXH, các tổ chức tín dụng, cho 167 lượt hội viên vay; 90 hội viên được tiếp cận với nguồn quỹ Hội với số vốn 448 triệu đồng. Thông qua phong trào, nhiều hội viên đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Hiện nay, Hội CCB thị trấn có 680 hộ có kinh tế khá, giàu (chiếm 71%), có 60 hộ được công nhận hộ làm kinh tế giỏi các cấp; có 9 doanh nghiệp và 25 gia trại do hội viên CCB làm chủ; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của thị trấn xuống còn 1,9%./.
Bài và ảnh: Văn Thứ