Thực hiện Nghị quyết Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ XI (nhiệm kỳ 2012-2017) về phát huy nội lực, vận động phụ nữ cả nước tiết kiệm, tạo nguồn vốn hỗ trợ phụ nữ phát triển sản xuất, từ cuối năm 2012 đến nay, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo Hội Phụ nữ các cấp, Ban nữ công LĐLĐ tỉnh đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ, nữ công nhân viên chức tham gia các mô hình tiết kiệm như tiết kiệm tại chi hội, tổ phụ nữ; tổ nữ công, tổ nhóm phụ nữ tiết kiệm - vay vốn; tổ nhóm phụ nữ tín dụng - tiết kiệm. Mức vận động tiết kiệm đối với cán bộ Hội chuyên trách ít nhất 1 ngày lương/tháng; đối với hội viên phụ nữ ít nhất 10.000 đồng/tháng. Nguồn tiết kiệm ở cấp nào do cấp đó trực tiếp quản lý và sử dụng theo nguyên tắc bảo toàn nguồn vốn gốc với lãi suất cho vay không cao hơn lãi suất của Ngân hàng CSXH cho vay hộ nghèo tại thời điểm tương đương để hỗ trợ cho phụ nữ khó khăn có vốn đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Các đồng chí chủ tịch Hội Phụ nữ cơ sở thảo luận kế hoạch xây dựng mô hình tiết kiệm từ chi, tổ phụ nữ. |
Để triển khai chương trình đạt hiệu quả, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức tập huấn công tác quản lý nguồn vốn tiết kiệm cho cán bộ chủ chốt 229 xã, phường, thị trấn và cán bộ Hội được phân công theo dõi hoạt động các huyện, thành phố. Vào dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3-2013, Hội LHPN tỉnh đã phát động đợt thi đua thực hành tiết kiệm với chủ đề “Làm theo Bác, thực hành tiết kiệm giúp nhau giảm nghèo bền vững” tới các cấp Hội trong toàn tỉnh, trong đó tập trung vào 3 mục tiêu: vận động 80% hội viên phụ nữ trở lên tham gia thường xuyên ít nhất 1 loại hình tiết kiệm phù hợp tại chi, tổ phụ nữ; phấn đấu đến cuối đợt thi đua (tháng 12-2013) tổng dư nợ tiết kiệm toàn tỉnh đạt khoảng 41 tỷ đồng; giúp khoảng 2.000 phụ nữ nghèo được vay vốn phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống. Ngay sau khi có kế hoạch của tỉnh, các huyện, thành phố đã xây dựng kế hoạch và tổ chức tuyên truyền, phát động sâu rộng phong trào tới đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ, đồng thời giao chỉ tiêu cho Hội Phụ nữ cơ sở phấn đấu thực hiện; mỗi huyện, thành phố chọn 1 đơn vị chỉ đạo điểm, rút kinh nghiệm, nhân ra diện rộng, tạo phong trào sâu rộng ở các cấp Hội. Các cơ sở Hội đồng loạt tiến hành khảo sát, kiện toàn hoạt động của các nhóm tiết kiệm đã có, đồng thời bàn bạc, thành lập các nhóm tiết kiệm tại các đơn vị chưa có. Nhiều cơ sở Hội tổ chức thảo luận, thống nhất quy chế hoạt động của nhóm; bầu nhóm trưởng, nhóm phó, thủ quỹ; theo dõi, ghi chép thường xuyên, đầy đủ nguồn thu, chi đảm bảo minh bạch, dân chủ, công khai. Kết quả từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 7.994 nhóm phụ nữ tiết kiệm tại 3.431 chi hội phụ nữ với 324.524 lượt phụ nữ tham gia ở nhiều loại hình tiết kiệm, với tổng số tiền tiết kiệm đạt 65,95 tỷ đồng, trong đó có 1.149 nhóm tiết kiệm xoay vòng, không lấy lãi. Riêng năm 2013, thành lập mới 5.188 nhóm tiết kiệm, số thành viên tham gia mới là 230.412 lượt người, số tiền tiết kiệm mới đạt 38,5 tỷ đồng, trong đó khối nữ công nhân, viên chức đã thành lập được 213 nhóm tiết kiệm thu hút 1.871 người tham gia, với số tiền 282 triệu đồng, hỗ trợ 58 nữ công nhân, viên chức vay, đạt 81,5% so với chỉ tiêu Trung ương giao về số hội viên phụ nữ tham gia tiết kiệm và vượt 1,5 lần số tiền tiết kiệm. Qua triển khai các mô hình tiết kiệm tại chi, tổ phụ nữ, đa số các đơn vị nhận thấy mô hình tiết kiệm quay vòng là mô hình hoạt động hiệu quả nhất, tăng sự kiểm soát việc thu, chi nguồn tiết kiệm của các thành viên tham gia hằng tháng, hạn chế được rủi ro trong quản lý nguồn vốn và thu hút được hội viên tham gia với tỷ lệ cao vì các hội viên đều có quyền lợi như nhau. Ngoài ra, các cấp Hội còn tích cực vận động các tổ chức, đơn vị, các nhà hảo tâm ủng hộ tạo nguồn vốn quỹ của chi, tổ phụ nữ để giúp đỡ nhiều phụ nữ nghèo vay phát triển kinh tế đạt hiệu quả cao. Điển hình như các xã: Cộng Hòa, Kim Thái, Liên Bảo (Vụ Bản); Hải Lộc, Hải Hà, Hải Đường (Hải Hậu); Trực Cường, Trực Nội (Trực Ninh); Yên Đồng, Yên Phong (Ý Yên)... Chi hội Phú Ninh, xã Trực Cường (Trực Ninh) thành lập được 3 nhóm phụ nữ tiết kiệm với 100% hội viên tham gia, mỗi chị đóng 100 nghìn đồng/tháng, đến nay số tiền tiết kiệm được trên 60 triệu đồng, cho 24 thành viên vay, trong đó ưu tiên những hội viên khó khăn vay trước với mức lãi suất 0,65%. Từ nguồn vốn vay đó, nhiều chị đã đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng trọt, buôn bán nhỏ cải thiện cuộc sống gia đình. Lãi suất thu được hằng tháng được các chi hội lập quỹ thăm hỏi chị em bị ốm đau, gia đình hội viên có việc hiếu, việc hỷ. Bên cạnh việc góp tiết kiệm bằng tiền, nhiều địa phương còn có sáng kiến thành lập hội tiết kiệm lúa như ở thôn Đông Tiền, xã Yên Cường (Ý Yên), chị em tham gia góp mỗi vụ một tấn lúa, chị nào khó khăn được ưu tiên nhận trước. Ở xã Nam Thái (Nam Trực), phong trào thành lập các tổ, nhóm tiết kiệm, cho nhau vay không lấy lãi để phát triển kinh tế gia đình phát triển rộng khắp các thôn, xóm với 50 tổ, nhóm tiết kiệm bằng tiền, thóc, vàng với tổng số tiền tiết kiệm hàng trăm triệu đồng. Điển hình như quỹ tiết kiệm của các chi hội Phú Thụ, Lạc Thiện, Chính Trang, Thạch Bi… Chị Nguyễn Thị Ngọt, Chủ tịch Hội LHPN xã Nam Thái cho biết: Mặc dù điều kiện kinh tế của chị em còn khó khăn song với truyền thống tương thân tương ái, giúp đỡ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn, khi Hội Phụ nữ đứng ra vận động chị em đều hưởng ứng tham gia nhiệt tình.
Mặc dù thời gian phát động chưa dài song những kết quả đạt được đã khẳng định việc xây dựng các mô hình tổ, nhóm tiết kiệm tại các chi hội phụ nữ là một chủ trương đúng đắn trong giai đoạn hiện nay, từng bước hình thành cho chị em thói quen tiết kiệm, đồng thời góp phần đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi ở các vùng nông thôn. Chị em được vay từ quỹ tiết kiệm đều sử dụng nguồn vốn hiệu quả, tạo thêm việc làm, có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống đóng góp tích cực vào công tác giảm nghèo của các địa phương. Đặc biệt, thông qua sinh hoạt chi, tổ, nhóm phụ nữ tiết kiệm, Hội đã lồng ghép tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và triển khai các nhiệm vụ của Hội một cách thuận lợi. Chính vì vậy, mô hình nhóm phụ nữ tiết kiệm còn là một hình thức thu hút, tập hợp hội viên hiệu quả./.
Bài và ảnh: Hoài Phương