Đổi mới, nâng cao chất lượng xét xử án hình sự

08:12, 31/12/2013

Trong các loại án, công tác xét xử các vụ án hình sự có vai trò đặc biệt quan trọng bởi quyết định đến quyền được sống, quyền con người cũng như các lợi ích hợp pháp của các bị cáo, người bị hại, nguyên đơn và các đối tượng liên quan. Trước thực trạng tình hình tội phạm trong tỉnh có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, một số vụ án hình sự tính chất, mức độ phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, tội phạm liều lĩnh, côn đồ và manh động, công tác xét xử án hình sự luôn được coi là nhiệm vụ khó đối với ngành Tòa án. Để công tác xét xử đảm bảo khách quan, công khai, dân chủ, nghiêm minh góp phần răn đe, trấn áp tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, TAND tỉnh đã chủ động nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đổi mới công tác xét xử và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng trong xét xử các vụ án hình sự.

Cán bộ TAND tỉnh nghiên cứu, trao đổi các nội dung trong hồ sơ vụ án trước khi đưa ra xét xử.
Cán bộ TAND tỉnh nghiên cứu, trao đổi các nội dung trong hồ sơ vụ án trước khi đưa ra xét xử.

Năm 2013, ngành TAND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác kiện toàn tổ chức cán bộ theo hướng bảo đảm yêu cầu công tác lãnh đạo, điều hành, đặc biệt là đối với các TAND cấp huyện. Trong năm, TAND tỉnh đã được bổ nhiệm mới và tái bổ nhiệm 20 Chánh án, Phó Chánh án, Chánh Tòa, Phó Chánh Tòa cấp tỉnh, huyện, hoàn thiện hồ sơ đề nghị bổ nhiệm mới và tái bổ nhiệm 5 thẩm phán trung cấp và 13 thẩm phán sơ cấp; đồng thời thực hiện luân chuyển cán bộ theo định kỳ để mỗi cán bộ thẩm phán được tiếp cận, giải quyết tất cả các loại án trên các lĩnh vực, tạo điều kiện phát huy sở trường, qua đó đánh giá chính xác năng lực, trình độ, phẩm chất để có giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử. Bên cạnh đó, TAND tỉnh còn tập trung đào tạo, đào tạo lại, tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn và các lĩnh vực công tác cho đội ngũ cán bộ, công chức trong ngành. Trong năm, toàn ngành đã cử 12 cán bộ đi học trình độ cao học Luật, 4 cán bộ đi học cao cấp lý luận chính trị và nhiều cán bộ tham gia các lớp tập huấn, hội thảo chuyên ngành trong và ngoài nước, góp phần nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm của  người cán bộ Toà án. TAND tỉnh cũng đã tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ xét xử các vụ án hình sự đối với TAND cấp huyện. Thông qua công tác kiểm tra có biện pháp chấn chỉnh kịp thời, hạn chế sai sót. Các đơn vị TAND cấp huyện đã có chuyển biến tích cực trong nhận thức, chỉ đạo, điều hành, hạn chế được những sai sót, nâng cao chất lượng xét xử án hình sự của toàn ngành.

Thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị, trong hoạt động xét xử án hình sự, hằng năm, TAND 2 cấp đều tổ chức giao nhiệm vụ cho từng thẩm phán, thư ký phù hợp với khả năng, sở trường và yêu cầu của công việc. Quá trình giải quyết các vụ án hình sự luôn tuân thủ các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và các quy định khác của pháp luật. Việc xét hỏi và tranh tụng tại phiên toà được đổi mới theo hướng làm tốt công tác chuẩn bị xét xử và chủ động tổ chức điều khiển phiên tòa để đảm bảo dân chủ, khách quan theo đúng yêu cầu cải cách tư pháp. Yêu cầu thẩm phán phải nghiên cứu thấu đáo hồ sơ vụ án. Đây là những điều kiện tiên quyết để các thẩm phán lên kế hoạch điều khiển phiên tòa chủ động, dự kiến các tình huống phát sinh tại phiên tòa để xử lý nhằm đảm bảo cho thủ tục tranh tụng được thực hiện thông suốt, không bị gián đoạn. Bên cạnh đó, Tóa án đã tổ chức xét xử đảm bảo nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật; tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư tham gia vào quá trình tranh tụng như tiến hành hỏi cung, nghiên cứu hồ sơ và tranh luận dân chủ tại phiên tòa; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan tư pháp…, bảo đảm tranh tụng dân chủ giữa luật sư, người bào chữa và những người tham gia tố tụng. Với cách làm này, kết quả tranh tụng tại tòa đảm bảo công khai, dân chủ, giúp chủ tọa phiên tòa có căn cứ đảm bảo phán quyết đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. Trong quá trình xét xử án hình sự, các cán bộ ngành TAND tỉnh luôn tuân thủ các nguyên tắc áp dụng hình phạt, nghiêm khắc với những đối tượng có tiền án, tiền sự, chủ mưu, cầm đầu, đồng thời khoan hồng đối với những người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội lần đầu, thành khẩn khai báo và ăn năn hối cải. Qua đó, chất lượng xét xử các vụ án được nâng cao, không để xảy ra án oan, sai; 100% các vụ án đều được giải quyết đúng pháp luật và vượt chỉ tiêu do TAND Tối cao giao; không có vụ án kháng nghị, kháng cáo; tỷ lệ y án sơ thẩm cao; tỷ lệ án bị hủy, cải sửa thấp... Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án được quan tâm, tiến hành chặt chẽ theo Quy ước phối hợp liên ngành trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử thi hành án hình sự đã góp phần nâng cao hiệu quả chất lượng công việc của toàn ngành và ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức. Đối với những vấn đề vụ án có quan điểm khác nhau về chứng cứ tội danh, khung hình phạt…, các cơ quan tiến hành tố tụng tổ chức họp để thống nhất quan điểm, đồng thời thực hiện việc chuyển, hoặc trả hồ sơ để điều tra bổ sung, chuyển giao tang vật, tài liệu đều được tuân thủ theo đúng thời gian quy định tố tụng. Bên cạnh đó, lãnh đạo các ngành “làm án” luôn trao đổi thông tin về tiến độ giải quyết những vụ án trọng điểm và những vấn đề nổi cộm được dư luận quan tâm. Sau mỗi phiên tòa xét xử án hình sự trọng điểm, ngành Tòa án đều tiến hành tổng kết, rút kinh nghiệm để bảo đảm chất lượng của hoạt động áp dụng pháp luật trong xét xử án hình sự. Thông qua hoạt động tổng kết, rút kinh nghiệm để nhìn nhận những việc làm được và những việc chưa làm được; qua đó rút ra bài học kinh nghiệm về việc áp dụng các văn bản pháp luật trong hoạt động xét xử, từ đó có những kiến nghị xem xét, sửa đổi, giải thích, hướng dẫn áp dụng pháp luật thống nhất, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân.

Với việc đổi mới công tác xét xử theo tinh thần cải cách tư pháp, công tác xét xử án hình sự đã bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tập thể và công dân, được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân. Năm 2013, toàn ngành đã giải quyết, xét xử 1.182 vụ án hình sự với 1.847 bị cáo, đạt 93,1% (trong đó án sơ thẩm là 1.067/1.137 vụ, phúc thẩm là 115/132 vụ), tăng 43 vụ so với năm 2012; tổ chức gần 100 phiên toà hình sự xét xử lưu động. Trong các vụ việc xét xử không để xảy ra oan sai, không để lọt tội phạm./.

Bài và ảnh: Trần Văn Trọng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com