Từ nhiều năm nay, công tác xử lý rác thải y tế, bảo vệ môi trường tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh được thực hiện hiệu quả. Với quy mô 700 giường bệnh, thu hút hàng trăm bệnh nhân đến khám và điều trị mỗi ngày, do đó lượng rác thải y tế thải hằng ngày rất lớn. Để đảm bảo môi trường thường xuyên sạch sẽ, ngoài việc chú trọng làm tốt công tác phòng, chống nhiễm khuẩn tại các khoa, phòng và trong khu vực bệnh viện, bệnh viện còn tăng cường tuyên truyền về việc thu gom, phân loại, xử lý rác thải y tế nhằm nâng cao nhận thức cho người lao động trong công tác bảo vệ môi trường bệnh viện. Tất cả nhân viên của bệnh viện đều được tập huấn quy chế quản lý chất thải y tế do Bộ Y tế ban hành, các khoa đều có mạng lưới thu gom, quản lý chất thải y tế. Đội ngũ nhân viên y tế của bệnh viện đều thực hiện đầy đủ các quy trình, quy định về vệ sinh cá nhân, phân loại rác thải y tế theo quy định. Bệnh viện được Bộ Y tế trang bị lò đốt HOVALMZ4 (Cộng hoà Áo), công suất 400 kg/ngày xử lý toàn bộ chất thải rắn nguy hại cho 13 đơn vị (gồm 7 bệnh viện và 6 phòng khám trên địa bàn tỉnh). Hiện bệnh viện có 1 xe ô tô chuyên dụng chuyên chở chất thải y tế, 1 kho lưu trữ chất thải y tế trước và sau khi xử lý. Ngoài ra, bệnh viện hợp đồng với Trung tâm Quan trắc và phân tích tài nguyên môi trường (Sở TN và MT) thực hiện giám sát môi trường định kỳ 4 lần/năm. Bên cạnh đó, bệnh viện còn tuyên truyền, phổ biến các quy định về vệ sinh môi trường để bệnh nhân và người nhà bệnh nhân nghiêm túc chấp hành các quy định về đảm bảo vệ sinh môi trường trong thời gian điều trị tại bệnh viện. Bệnh viện được chứng nhận cơ sở đã hoàn thành việc thực hiện các biện pháp xử lý triệt để môi trường theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Nhờ thực hiện giám sát chặt chẽ công tác đảm bảo vệ sinh môi trường nên nhiều năm qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh không xảy ra các trường hợp nhiễm khuẩn bệnh viện.
Cùng với Bệnh viện Đa khoa tỉnh, từ năm 2002 đến nay, được sự quan tâm của Trung ương và của tỉnh, công tác xử lý rác thải, bảo vệ môi trường tại các đơn vị y tế trong tỉnh cũng từng bước được quan tâm giải quyết. Tổng kinh phí đầu tư cho công tác xử lý chất thải y tế là 123 tỷ 741 triệu đồng, trong đó ngân sách của Trung ương là 64 tỷ 076 triệu đồng, ngân sách địa phương là 59 tỷ 665 triệu đồng. Năm 2013, ngân sách Trung ương cấp 26 tỷ 99 triệu đồng đầu tư cho 5 dự án xây dựng và lắp đặt hệ thống xử lý nước thải y tế cho Bệnh viện Đa khoa các huyện: Hải Hậu, Trực Ninh, Nam Trực, Vụ Bản và Thành phố Nam Định. Tại các bệnh viện, công tác xử lý chất thải y tế được giao cho Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn; các trung tâm y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện, công tác xử lý chất thải y tế giao cho Phòng Tổ chức hành chính. Thực hiện Quy chế quản lý chất thải y tế ban hành kèm theo Quyết định 43/2007/QĐ-BYT của Bộ Y tế, các đơn vị y tế trong tỉnh đã tổ chức phân loại rác thải y tế tại nơi phát sinh rác thải; tổ chức thu gom lưu trữ rác thải đúng nơi quy định. Hiện tại có 3/8 bệnh viện tuyến tỉnh có lò đốt rác đạt tiêu chuẩn môi trường; trong đó, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh, Bệnh viện Phụ sản tỉnh thực hiện đốt tại chỗ bằng lò đốt CHUWASTAR-F1-T theo công nghệ Nhật Bản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện đốt tại chỗ bằng lò đốt HOVALMZ4. Các bệnh viện chuyên khoa trên địa bàn thành phố như: Tâm thần, Y học cổ truyền, Mắt, Nhi, Bệnh viện Đa khoa Thành phố Nam Định và 7 Trung tâm Y tế tuyến tỉnh được Bệnh viện Đa khoa tỉnh thu gom, vận chuyển rác thải y tế về xử lý tại lò đốt bệnh viện tỉnh. 10 bệnh viện đa khoa huyện đốt rác tại chỗ bằng lò đốt CHUWASTAR-F1-T đạt tiêu chuẩn môi trường với công suất 160-200 kg/ngày. Về công tác xử lý chất thải lỏng y tế, có 6/8 bệnh viện tuyến tỉnh có hệ thống xử lý chất thải lỏng y tế đạt Quy chuẩn Việt Nam, trong đó Bệnh viện Đa khoa tỉnh xử lý nước thải bằng công nghệ sinh học 700m3/ngày, đạt tiêu chuẩn về môi trường. Các bệnh viện: Phụ sản, Tâm thần, Mắt, Y học cổ truyền, Lao và Bệnh phổi tỉnh, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, 11 bệnh viện đa khoa huyện, thành phố xử lý nước thải bằng hệ thống hợp khối FRP-Johkasou (Nhật Bản), công nghệ AAO.
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đảm bảo vệ sinh môi trường trong các đơn vị y tế vẫn gặp không ít khó khăn. Nhân viên xử lý chất thải y tế chủ yếu kiêm nhiệm, kiến thức chuyên môn về quản lý, xử lý chất thải y tế còn hạn chế. Các đơn vị y tế thiếu thông tin, kiến thức cơ bản về công tác quản lý chất thải như: chất thải y tế và các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất thải y tế; quy trình quản lý chất thải y tế; tổ chức bộ máy quản lý chất thải y tế; phân loại, thu gom, vận chuyển lưu trữ chất thải rắn y tế; công nghệ và hệ thống xử lý, tiêu hủy chất thải rắn y tế; giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải rắn y tế… Hiện các Trung tâm Y tế huyện và trạm y tế xã, phường, thị trấn đều xử lý rác thải y tế bằng hình thức đốt thủ công hoặc chôn lấp. Do đó ngành Y tế ngoài việc có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực quản lý công tác xử lý chất thải hằng năm cho tuyến tỉnh, huyện, cần bổ sung kinh phí vận hành, bảo dưỡng, bảo trì hệ thống xử lý chất thải y tế, tiếp tục đầu tư kinh phí cho các đơn vị chưa có hệ thống xử lý chất thải y tế chuyên nghiệp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của nhân viên y tế và người dân về mức độ nguy hại của chất thải y tế; thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát tại các đơn vị y tế về công tác quản lý chất thải y tế, về phương pháp phân loại, thu gom, lưu trữ, vận chuyển và xử lý chất thải y tế đúng quy định./.
Thu Trang