Phong trào xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được Bộ GD và ĐT phát động từ năm 1996. Các tiêu chí xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia ở các bậc học do Bộ GD và ĐT ban hành gồm các yếu tố thuận lợi cho việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, bao gồm 5 tiêu chuẩn về: Tổ chức và quản lý nhà trường; cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh; chất lượng giáo dục; tài chính, cơ sở vật chất và thiết bị dạy học; quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Ở tỉnh ta, phong trào xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được triển khai từ những năm đầu Bộ GD và ĐT phát động, đã góp phần quan trọng vào việc cải thiện và tạo những điều kiện thuận lợi phục vụ việc dạy và học. Đến nay, tỉnh ta là một trong những đơn vị dẫn đầu toàn quốc về số lượng trường đạt chuẩn quốc gia ở tất cả các cấp học.
Là xã có nguồn thu nhập thấp, nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, nhưng Đảng bộ và nhân dân xã Hải Đông (Hải Hậu) luôn quan tâm tăng cường cơ sở vật chất bảo đảm các điều kiện cho thầy và trò các nhà trường giảng dạy, học tập. Đến nay các nhà trường đã có đủ phòng học, phòng chức năng, sân chơi, cảnh quan đạt chuẩn quốc gia; trong đó, trường tiểu học đã đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 giai đoạn 2000-2005, trường mầm non đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2001-2010 và năm học 2010-2011, trường THCS của xã đã được công nhận là trường đạt chuẩn quốc gia. Hằng năm, các nhà trường làm tốt công tác huy động và duy trì sĩ số học sinh, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn, thân thiện, ổn định và có chất lượng. Kỷ cương, nền nếp dạy và học không ngừng được củng cố và duy trì. Phong trào đổi mới phương pháp dạy học nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục toàn diện, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục đã được các nhà trường triển khai sâu rộng ở tất cả các bộ môn học và tiết học. Để đạt danh hiệu trường đạt chuẩn quốc gia, việc kiểm tra công tác duy trì chuẩn của các nhà trường trong những năm qua đã đảm bảo đủ 5 tiêu chuẩn. Trong đó, tiêu chuẩn về cơ sở vật chất trường học phải có sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền và nhân dân địa phương với số tiền đầu tư xây dựng cơ sở, trang thiết bị dạy và học trị giá hàng tỷ đồng. Ngoài ra phụ huynh học sinh cũng ủng hộ hàng trăm triệu đồng để mua sắm, bổ sung bàn ghế, thiết bị phục vụ dạy và học. Nhờ sự quan tâm, đầu tư của địa phương trong việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, sự cố gắng của đội ngũ giáo viên, những năm gần đây các trường học ở xã đã có bước tiến rõ nét trong việc dạy và học. Để thực hiện nhiệm vụ công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, cấp uỷ, chính quyền nhiều địa phương đã ban hành các nghị quyết chuyên đề, xây dựng đề án hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Trong đó, Huyện uỷ Trực Ninh đã xây dựng Đề án đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, tập trung các nguồn lực xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2011-2015; phấn đấu đến hết năm 2015 xây dựng thêm 23 trường học đạt chuẩn quốc gia; trong đó, bậc mầm non xây dựng thêm 8 trường, bậc tiểu học xây dựng thêm 7 trường, bậc THCS xây dựng thêm 7 trường, bậc THPT xây dựng thêm 1 trường. Cùng với xây dựng cơ sở vật chất, các nhà trường phấn đấu có đủ giáo viên các bộ môn đạt trình độ đào tạo theo quy định, trong đó có ít nhất 30% giáo viên đạt tiêu chuẩn dạy giỏi từ cấp cơ sở trở lên, 100% giáo viên đạt loại khá trở lên theo quy định về chuẩn nghề nghiệp giáo viên; có đủ giáo viên hoặc viên chức phụ trách thư viện, phòng bộ môn, phòng thiết bị dạy học được đào tạo hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đối với chất lượng học sinh, trường tiểu học có ít nhất 25% trở lên học sinh xếp loại giỏi, 40% học sinh tiên tiến; trường THCS, THPT có ít nhất 3% học sinh xếp loại học lực giỏi, xếp loại khá đạt 35% trở lên, xếp loại yếu kém chiếm không quá 5%. Hạnh kiểm xếp loại khá, tốt đạt từ 80% trở lên, xếp loại yếu không quá 1% đối với trường tiểu học, không quá 2% đối với trường THCS, THPT. Đến nay, các mục tiêu của Đề án đều đạt được theo đúng lộ trình đã xây dựng. Các xã, thị trấn đã có nhiều cố gắng trong việc tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của toàn dân về xã hội hóa giáo dục, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ xây dựng trường, lớp học gắn với xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, phát triển GD và ĐT. Việc thực hiện Đề án đã làm cho diện mạo của nhiều trường học khang trang, tạo điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đáp ứng yêu cầu giáo dục hiện nay.
Phong trào xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia không chỉ là nhiệm vụ của ngành Giáo dục mà đã được cả hệ thống chính trị và nhân dân các địa phương quan tâm thực hiện, ủng hộ. Nhiều xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã quan tâm, mở rộng khuôn viên, tăng “quỹ đất” cho các nhà trường, đáp ứng yêu cầu của trường đạt chuẩn quốc gia. Trung bình mỗi năm học, toàn tỉnh có thêm khoảng 20 trường đạt chuẩn quốc gia ở các bậc học. Đến hết năm học 2012-2013, toàn tỉnh đã có trên 536 trường đạt chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, tiến độ công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia của tỉnh hiện nay đang có xu hướng chậm lại, do nhiều địa phương khó khăn về ngân sách. Bên cạnh nhu cầu phát triển thêm các trường đạt chuẩn, đáp ứng tốt nhất cho việc dạy và học ở các nhà trường, việc giữ vững thành tích của một trường đã được công nhận đạt chuẩn là vấn đề cần được ngành GD và ĐT và các nhà trường, địa phương quan tâm. Kết quả đánh giá kiểm tra thời gian qua với những trường đã đạt chuẩn cho thấy, nhìn chung các trường vẫn giữ vững chuẩn; tuy nhiên có một số trường chưa duy trì chuẩn, việc củng cố cơ sở vật chất hay chất lượng giáo dục chưa được chú trọng. Vì vậy, việc duy trì, củng cố, bổ sung, nâng cấp các tiêu chí một cách vững chắc, nhất là về chất lượng giáo dục cần được các nhà trường tiếp tục quan tâm nhằm nâng cao chất lượng giáo dục./.
Hồng Minh