Thực hiện quy định mới không chấm điểm cho học sinh lớp 1

08:11, 07/11/2013

Từ năm học 2013-2014, Bộ GD và ĐT chỉ đạo triển khai thực hiện đổi mới phương pháp đánh giá học sinh, trong đó có yêu cầu các trường tiểu học trong cả nước không chấm điểm cho học sinh lớp 1 mà khuyến khích giáo viên thực hiện đánh giá bằng việc nhận xét. Sau 2 tháng thực hiện quy định mới đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của giáo viên và các bậc phụ huynh.

Chị Trần Thị Loan ở Thành phố Nam Định có con đang học lớp 1 cho biết: “Việc thay đổi phương pháp đánh giá kết quả học tập đối với học sinh lớp 1 từ chấm điểm sang đánh giá, nhận xét cụ thể của ngành GD và ĐT đã giảm áp lực học hành cho học sinh. Bởi, khi học sinh bước vào lớp 1, thay đổi môi trường học tập so với mẫu giáo nên cần tạo cho các em tâm lý thích đi học, thích đến trường. Sự so sánh về điểm số giữa các học sinh sẽ làm nảy sinh tâm lý tự ti, chủ quan, gây áp lực cho các cháu bị điểm thấp. Dựa vào nhận xét cụ thể về kết quả học tập (những sai sót, khuyết điểm...) của các thầy, cô giáo sẽ giúp học sinh cố gắng hơn, gia đình có căn cứ để giúp con điều chỉnh, khắc phục, kịp thời động viên khích lệ những ưu điểm để các cháu tiến bộ”. Anh Lê Tuấn An có con đang học lớp 5 tuổi rất yên tâm khi không phải “ép” con học trước chương trình lớp 1. Hiện nay, chương trình giáo dục lớp 1 của Bộ GD và ĐT chủ yếu yêu cầu dạy học sinh đọc thông, viết thạo. Trong 35 tuần học của chương trình lớp 1, 24 tuần đầu là chương trình học vần, sau đó, học ghép vần và đọc chữ. Do đó việc chấm điểm sẽ gây tâm lý không tốt cho đa số học sinh lớp 1 bởi nếu bị điểm kém học sinh dễ có tâm lý tự ti, chán nản, còn được điểm cao nhiều em sẽ nảy sinh thái độ chủ quan, dẫn đến lơ là việc học.

Cô và trò Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (TP Nam Định) trong giờ học Tiếng Việt.
Cô và trò Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (TP Nam Định) trong giờ học Tiếng Việt.

Triển khai thực hiện quy định đánh giá bằng nhận xét đối với học sinh lớp 1, năm học 2013-2014, Sở GD và ĐT đã hướng dẫn các trường tiểu học thực hiện đánh giá học sinh theo hướng động viên, khuyến khích, ghi nhận sự tiến bộ hằng ngày của học sinh, giúp các em thấy tự tin, vui thích khi đến trường. Nếu có chấm điểm, giáo viên không thông báo điểm số cho học sinh mà chỉ coi đây là căn cứ nghiệp vụ để ghi nhận việc học tập của các em. Đặc biệt, trong quá trình nhận xét, đánh giá học sinh, giáo viên không nên so sánh giữa các em, không chê trách các em khi có lỗi, giúp các em tự tin trong học tập. Phương pháp đánh giá mới này góp phần ngăn chặn việc học sinh phải học thêm, học trước chương trình. Nhiều giáo viên dạy lớp 1 cũng rất ủng hộ chủ trương này. Hoạt động nhận xét đối với học sinh được giáo viên thực hiện khi kiểm tra miệng và các hoạt động học tập ở mỗi bài học, có khi nhận xét chung cả lớp và nhấn mạnh những lỗi mà các em hay mắc phải, hoặc biểu dương những bài làm tốt; hỗ trợ, gợi ý kịp thời và nhận xét riêng đối với các em khi cần thiết, giáo viên cần khách quan, tránh chung chung trong nhận xét, đánh giá. Để việc thực hiện không chấm điểm cho học sinh lớp 1 phát huy hiệu quả cũng đòi hỏi phụ huynh phải quan tâm nhiều hơn đến con, phối hợp chặt chẽ với nhà trường, thường xuyên trao đổi với giáo viên về tình hình học tập của con mình. Tuy nhiên, khi thực hiện phương pháp mới cũng gây khó khăn nhất định đối với thầy, cô giáo, bởi việc đánh giá quá trình học tập của học sinh bằng việc chấm điểm, giáo viên chỉ cần nhận xét trong từng bài học cụ thể và phụ huynh cũng có cơ sở để thường xuyên theo dõi, nắm bắt lực học của con. Với phương pháp mới đòi hỏi giáo viên phải theo dõi học sinh cả quá trình, việc nhận xét phải rất cụ thể trong từng bài để học sinh và phụ huynh thấy được những mặt hạn chế, những ưu điểm của bản thân (chẳng hạn: chữ cái viết chưa tròn, độ cao của chữ...). Với lớp có đông học sinh, việc này khá nặng nề với cô giáo. Và để hiệu quả, phương pháp này đòi hỏi cả giáo viên và phụ huynh cùng đổi mới.

Sau 2 tháng thực hiện quy định mới, nhiều trường tiểu học trong tỉnh đã áp dụng không chấm điểm cho học sinh lớp 1 mà chỉ nhận xét và đã nhận được sự đồng tình ủng hộ từ đa số phụ huynh. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng nhiều phụ huynh mải đi làm không có thời gian để kiểm tra sách vở của con hằng ngày, nếu học sinh chưa biết đọc thì việc chỉ đánh giá bằng nhận xét sẽ không có tác dụng như mong muốn. Nếu giáo viên nhận xét và nêu những ý kiến nhận xét đó cho học sinh thì chắc chắn với thời gian eo hẹp trên lớp sẽ không cho phép giáo viên thực hiện đối với từng em. Bên cạnh đó, theo quy định mới “Đối với lớp 1, khuyến khích giáo viên chỉ nhận xét, không chấm điểm học sinh. Nếu chấm điểm, giáo viên không nên thông báo điểm số cho gia đình học sinh” vẫn mang tính chất “khuyến khích” nên nhiều trường tiểu học vẫn thực hiện chấm điểm thường xuyên cho học sinh ở hai môn Tiếng Việt và Toán. Những môn học còn lại mới thực hiện đánh giá bằng nhận xét như những năm học trước. Theo một số giáo viên thì việc chấm điểm sẽ giúp phụ huynh dễ nhìn nhận về khả năng tiếp thu của con em mình, nếu nhận xét mà chỉ làm qua loa, lấy nhận xét của học sinh này áp dụng cho học sinh kia thì quy định sẽ không còn ý nghĩa và phụ huynh sẽ không hài lòng khi thấy nhận xét chung chung của giáo viên.

Hơn nữa, nếu chỉ đánh giá bằng nhận xét, ngành GD và ĐT cần có hướng dẫn cụ thể cùng với những tiêu chí đánh giá để tất cả giáo viên lớp 1 áp dụng thống nhất, tránh tình trạng mỗi giáo viên, mỗi trường có cách đánh giá khác nhau, không mang lại hiệu quả như mong muốn là phản ánh đúng chất lượng dạy và học./.

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com