Tăng cường kiểm soát chất lượng đồ chơi trẻ em

07:11, 21/11/2013

Thị trường đồ chơi trẻ em trên địa bàn tỉnh khá phong phú về chủng loại và mẫu mã sản phẩm. Ngoài 2 làng nghề sản xuất đồ chơi truyền thống là làng nghề sản xuất trống da xã Yên Xá (Ý Yên); làng nghề sản xuất đèn ông sao, thú nhồi bông ở xã Hồng Quang (Nam Trực) và một vài cơ sở sản xuất bóng, trống từ nguyên liệu nhựa tái chế, còn lại được luân chuyển từ những Cty sản xuất và nhập khẩu lớn tại các tỉnh, thành phố khác trong cả nước. Cơ sở đầu mối phân phối đồ chơi trẻ em là các cửa hàng chuyên doanh tại chợ Rồng (TP Nam Định). Từ đây, đồ chơi trẻ em được phân bổ tới khắp các thôn, xóm, ngõ chợ ở 10 huyện, thành phố. Với giá bán dao động từ một vài nghìn đến cả triệu đồng cho mỗi món đồ chơi, thị trường đồ chơi trẻ em đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của tất cả các đối tượng khách hàng. Tuy nhiên, vấn đề chất lượng đồ chơi trẻ em còn nhiều điều đáng phải quan tâm. Thời gian gần đây các ngành chức năng đã phát hiện các chất độc hại như: cadimi, thủy ngân, Phthalate… ở các sản phẩm thú nhún, các loại con giống làm bằng nhựa dẻo có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ như gây ung thư tuyến tiền liệt, ung thư phổi, vô sinh…; đặc biệt mức độ nhiễm độc càng cao khi trẻ nhỏ ngậm đồ chơi vào miệng. Bên cạnh đó, nhiều đồ chơi vi phạm về tính chất cơ lý như dễ cháy nổ, sắc nhọn, khi tháo dời có chu vi nhỏ hơn 2cm…; đồ chơi có sử dụng nguồn điện trên 24V và đồ chơi mang tính bạo lực.

Thanh tra Sở KH và CN kiểm tra mặt hàng đồ chơi tại Siêu thị Bic C Nam Định.
Thanh tra Sở KH và CN kiểm tra mặt hàng đồ chơi tại Siêu thị Bic C Nam Định.

Để tăng cường công tác quản lý Nhà nước về chất lượng đồ chơi trẻ em, các ngành chức năng của tỉnh đã tiến hành thanh tra diện rộng việc thực hiện các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, chất lượng và sở hữu công nghiệp đối với đồ chơi trẻ em tại các điểm bán đồ chơi trên địa bàn. Thanh tra Sở KH và CN đã tiến hành thanh tra 28 đơn vị kinh doanh trên địa bàn Thành phố Nam Định và các huyện Hải Hậu, Giao Thủy, Xuân Trường, Ý Yên, Trực Ninh, Nghĩa Hưng. Qua kiểm tra và lấy mẫu kiểm nghiệm, đã phát hiện 27/28 đơn vị kinh doanh 3.304 sản phẩm vi phạm về ghi nhãn hàng hóa và vi phạm chất lượng sản phẩm đồ chơi trẻ em không được ghi nhãn theo quy định. Trong đó, hầu hết các sản phẩm vi phạm đều do nước ngoài sản xuất nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt theo quy định tại Nghị định số 89/2006/NĐ-CP của Chính phủ. Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm có nhãn phụ nhưng ghi không đầy đủ, không rõ ràng, không đúng với cảnh báo của nhà sản xuất; thậm chí dán đè lên những cảnh báo bằng hình ảnh minh họa theo quy chuẩn quốc tế mà nhà sản xuất in trên bao bì phục vụ khách hàng không biết tiếng bản địa. Có trên 3.000 sản phẩm đồ chơi trẻ em lưu thông trên thị trường không có giấy chứng nhận hợp quy theo quy định và nhiều sản phẩm đồ chơi mang tính kích động bạo lực, hình nộm, mặt nạ phản cảm không hợp với thuần phong mỹ tục. Ngoài ra, những sản phẩm có chứng nhận hợp quy thì chủ hàng lại không lưu giữ hồ sơ hợp quy để cơ quan chức năng và khách hàng đối chiếu chứng nhận sản phẩm… Cơ quan chức năng đã tiến hành thu giữ những sản phẩm có mức độ vi phạm về hóa lý vượt quá mức cho phép và sản phẩm kích động bạo lực như thú nhún, dao, kiếm, súng bắn đạn…; phạt cảnh cáo 19 đơn vị có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục hành chính và ghi nhãn hàng hóa. Đình chỉ lưu thông trên 3.300 sản phẩm đồ chơi không có chứng nhận hợp quy, không dán tem nhãn theo quy định, đồng thời chỉ ra cách khắc phục và yêu cầu các chủ cửa hàng kinh doanh đồ chơi cam kết thực hiện. Đồng chí Phạm Văn Chuyển, Chánh Thanh tra Sở KH và CN cho biết: “Những vi phạm trên đã phản ánh tình trạng mất an toàn của thị trường đồ chơi trẻ em trên địa bàn tỉnh. Nguyên nhân do nhà sản xuất đồ chơi trẻ em chạy theo lợi nhuận, bất chấp việc đưa các chất cấm vào làm phụ gia nhằm hạ giá thành sản phẩm… Các đầu mối nhập khẩu, các hộ kinh doanh thiếu hiểu biết về các quy định của pháp luật liên quan đến chất lượng đồ chơi trẻ em nên đã tùy tiện nhập khẩu và tổ chức buôn bán, kinh doanh những sản phẩm không đạt chất lượng. Bên cạnh đó, người tiêu dùng còn chủ quan, lơ là về chất lượng sản phẩm, thường chỉ quan tâm đến tính năng, giá thành, mẫu mã sản phẩm khiến đồ chơi trẻ em kém chất lượng vẫn có chỗ đứng trên thị trường. Việc kiểm soát mặt hàng này cũng gặp nhiều khó khăn do cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ xuất hiện ở cả địa bàn nông thôn và thành thị.  

Để khắc phục tình trạng trên, cùng với việc tăng cường kiểm soát tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm ở các khâu sản xuất, nhập khẩu và lưu thông đồ chơi trẻ em trên thị trường, các ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền những quy định bắt buộc của Nhà nước về chỉ tiêu chất lượng sản phẩm đối với đồ chơi trẻ em để các cơ sở sản xuất, cung ứng nghiêm túc chấp hành. Tăng cường phổ biến quy chuẩn đối với người sử dụng để họ biết và tránh mua đồ chơi kém chất lượng. Hơn hết, phụ huynh không nên dễ dãi trong việc chọn đồ chơi cho con trẻ, nhất là các loại đồ chơi không đúng theo lứa tuổi; đồ chơi nhập lậu. Tuyệt đối không mua đồ chơi trẻ em nếu qua nhận biết trực quan không có kiểm định chất lượng an toàn, gắn dấu hợp quy, không nhãn mác hàng hóa, không có hóa đơn, chứng từ./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com