Đến nay, hệ thống phòng, chống lao toàn tỉnh được củng cố, đáp ứng yêu cầu đặt ra của chương trình chống lao quốc gia. Mạng lưới chống lao được củng cố ở cả ba tuyến tỉnh, huyện, xã (phường). Công tác xã hội hóa, truyền thông giáo dục sức khỏe về bệnh lao được đẩy mạnh từ tỉnh đến cơ sở. Hằng năm, 100% dân số được Chương trình bảo vệ; công tác phát hiện đạt trên 110% kế hoạch, đặc biệt chú trọng nguồn lây lao phổi AFB (+) đưa vào quản lý điều trị. 100% số bệnh nhân phát hiện được quản lý điều trị bằng hóa trị liệu ngắn ngày có kiểm soát trực tiếp (DOTS). Tỷ lệ bệnh nhân lao được điều trị khỏi bệnh hằng năm đạt trên 90%; công tác xét nghiệm đạt chất lượng, vượt chỉ tiêu kế hoạch, tỷ lệ sai sót thấp... Tuy nhiên công tác phòng, chống lao của tỉnh cũng đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ. Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2013, toàn tỉnh đã phát hiện 31 trường hợp trẻ em bị nhiễm lao, 49 trường hợp lao/HIV, 18 trường hợp lao kháng đa thuốc… Trong số các bệnh nhân trên, hiện tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh đang quản lý 29 trường hợp lao trẻ em, 32 trường hợp lao/HIV. Điều đáng lưu ý là khoảng 10% số bệnh nhân kháng đa thuốc xuất hiện hằng năm đang là mối nguy và thách thức lớn đối với cộng đồng và đối với những người làm công tác phòng, chống lao. Bên cạnh đó, một bộ phận nhân dân nhận thức về bệnh lao còn hạn chế; sự thiếu hụt nguồn lực, thiếu kinh phí hoạt động, công tác truyền thông phòng, chống lao kết quả chưa cao nên nhiều người còn thờ ơ, kỳ thị với bệnh nhân lao, chính quyền nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư cho công tác phòng, chống lao...
Diễu hành hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống lao (24-3). Ảnh: Do cơ sở cung cấp |
Trước những khó khăn trên, Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh đã đẩy mạnh công tác truyền thông vận động phòng, chống lao. Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện đã phát 100 nghìn tờ rơi, 2.000 áp phích có nội dung phòng, chống lao; tăng cường kiểm soát bệnh lao ở 229 đơn vị xã, phường, thị trấn. Ngoài ra, thông qua các kênh thông tin đại chúng của tỉnh như Báo Nam Định, Đài PT-TH tỉnh, hệ thống đài phát thanh huyện và đài truyền thanh các xã, phường tập trung tuyên truyền về phòng, chống lao. Đặc biệt, hưởng ứng ngày Thế giới phòng chống lao (24-3) hằng năm, trong tỉnh đều phát động chiến dịch truyền thông quy mô từ tỉnh đến huyện, xã, phường, thôn, xóm với các hình thức mít tinh, diễu hành, cổ động phát các thông điệp như: “Đổi mới tư duy”, “Đổi mới hành động”, “Vì Việt Nam không còn bệnh lao” nhằm nâng cao hiểu biết của người dân về bệnh lao, đồng thời kêu gọi các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể và cộng đồng tham gia vào hoạt động phòng, chống bệnh lao. Ngoài ra, Bệnh viện còn cung cấp kiến thức về bệnh lao, lao/HIV cho các học viên thuộc Trung tâm Chữa bệnh, giáo dục và lao động xã hội tỉnh; tổ chức nhiều đợt tuyên truyền về bệnh lao, tập trung chủ yếu vào những đối tượng nguy cơ cao; tăng cường phối hợp với các cơ sở y tế trong công tác phòng, chống lao trên địa bàn. Công tác đào tạo, huấn luyện về phòng chống lao cũng được tăng cường. Trong 9 tháng đầu năm 2013, Bệnh viện đã tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ làm công tác chống lao về các kỹ năng tư vấn xét nghiệm HIV đối với bệnh nhân lao, HIV; kiểm soát lây nhiễm tại các cơ sở chuyên khoa lao; chuyển tuyến bệnh nhân lao/HIV; kỹ năng giám sát Chương trình chống lao; triển khai hoạt động phối hợp với các cơ sở y tế trong công tác phòng, chống bệnh lao; quản lý chương trình chống lao; triển khai hệ thống quản lý bệnh lao trên mạng internet…
Cùng với các hoạt động trên, từ năm 2002 đến nay, Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh đã đào tạo 10 tuyên truyền viên là những bệnh nhân mắc bệnh lao đã được điều trị khỏi, làm nòng cốt nói chuyện, tư vấn, cung cấp kiến thức về bệnh lao, cách phát hiện và điều trị bệnh lao cho các bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện (4 lần/tháng) giúp bệnh nhân hiểu thêm các phương pháp để điều trị bệnh đúng cách cùng với chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý để chóng khỏi bệnh. Bên cạnh đó, hằng ngày bệnh viện cũng tổ chức một đội ngũ cán bộ y tế trực tiếp tư vấn cho bệnh nhân lao, lao/HIV; đồng thời cử cán bộ y tế của bệnh viện phối hợp với cán bộ y tế chuyên trách phòng, chống lao xã, phường tư vấn tại nhà người bệnh. Ngoài ra, những người làm công tác chống lao còn phối hợp với các ngành, các đoàn thể như MTTQ, Hội CTĐ, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, lực lượng vũ trang cùng với lực lượng CTV y tế thôn, xóm để tuyên truyền về phòng, chống bệnh lao. Công tác truyền thông vận động phòng, chống lao được đẩy mạnh đã góp phần đưa tỷ lệ bệnh nhân được phát hiện trong 9 tháng đầu năm 2013 của toàn tỉnh đạt 87,1% kế hoạch năm, tổng số bệnh nhân được quản lý 9 tháng năm 2013 là 2.340 bệnh nhân, 100% bệnh nhân phát hiện được quản lý điều trị bằng hóa trị liệu ngắn ngày có kiểm soát trực tiếp (DOTS), trong đó tỷ lệ bệnh nhân đã khỏi bệnh đạt 91,9%.
Để tiếp tục thực hiện mục tiêu của Chương trình chống lao quốc gia đến năm 2015 là giảm 50% số người mắc lao so với năm 2000, tiến tới thanh toán bệnh lao vào năm 2030 và để công tác truyền thông, vận động phòng, chống lao tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh, cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các ngành, các tổ chức xã hội và toàn thể nhân dân, sự sẻ chia trách nhiệm, đầu tư nguồn lực để tạo nguồn kinh phí trong kế hoạch phòng, chống lao. Bên cạnh đó, Chương trình chống lao cần tiếp tục kiện toàn mạng lưới, tăng cường cán bộ chống lao được đào tạo bài bản có chất lượng, các hoạt động nằm trong chương trình phải được tuân thủ đúng nguyên tắc, nguồn lực được đầu tư và phân bố hợp lý hơn, tránh lãng phí...
Minh Thuận