Nhằm từng bước khắc phục, cải thiện hiện trạng ô nhiễm môi trường, góp phần bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, từ nhiều năm nay, tỉnh và các huyện, thành phố đều ưu tiên phân bổ nguồn vốn ngân sách và các nguồn hỗ trợ để đầu tư xây dựng công trình BVMT. UBND tỉnh đã đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý rác Lộc Hòa; xây dựng khu chứa rác thải tập trung tại KCN Hòa Xá làm nơi trung chuyển, xử lý các loại rác thải nguy hại. Bệnh viện Đa khoa Nam Định và Bệnh viện Đa khoa các huyện đã được đầu tư xây dựng lò đốt để xử lý chất thải y tế nguy hại tại đơn vị. KCN Hòa Xá, CCN An Xá (TP Nam Định), CCN Xuân Tiến (Xuân Trường) và hai làng nghề Vân Chàng, Bình Yên (Nam Trực) đã được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung… Bên cạnh đó, từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường, UBND tỉnh đã hỗ trợ các huyện đầu tư xây dựng 116 bãi chôn lấp, xử lý rác thải sinh hoạt cho 111 xã, thị trấn của 9 huyện. Tuy nhiên, hệ thống các công trình BVMT của tỉnh ta còn ít so với thực trạng ô nhiễm môi trường và yêu cầu công tác BVMT tại các địa phương.
Mô hình xử lý rác thải tại xã Xuân Kiên (Xuân Trường). |
Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình BVMT, đáp ứng yêu cầu thực tế, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng đẩy mạnh hợp tác với các cơ quan, tổ chức quốc tế để huy động nguồn lực cho giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu và BVMT. Các ngành chức năng, các địa phương tăng cường huy động đóng góp từ cộng đồng đầu tư cho công tác xây dựng các công trình xử lý chất thải, ưu tiên cho xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn, xử lý rơm rạ sau thu hoạch, xử lý chất thải công nghiệp, thu gom, xử lý chất thải nguy hại. Theo lộ trình đầu tư xây dựng các công trình BVMT của tỉnh, trong lĩnh vực BVMT các khu, CCN tiếp tục đầu tư nâng cấp và xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại các khu, cụm, điểm công nghiệp. Đến năm 2015, phấn đấu hoàn thành việc xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung cho KCN Mỹ Trung và Bảo Minh; xúc tiến lập thủ tục đầu tư và thu hút đầu tư xây dựng các trạm xử lý nước thải tập trung tại 4 CCN: Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng), Đồng Côi (Nam Trực), Quang Trung (Vụ Bản) và Thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường). Phấn đấu đến năm 2020, toàn bộ các khu, CCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn; đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc tự động tại các KCN đã lấp đầy trên 50% diện tích. Tại các địa phương, tập trung xây dựng mới, kiên cố hóa và thường xuyên duy tu, bảo dưỡng, nạo vét hệ thống kênh mương thoát nước vùng ven thành phố, thị trấn, KCN, làng nghề để tránh lãng phí đất đai, ngăn nước thải mang nhiều độc tố, kim loại nặng tràn vào đồng ruộng. Về chất thải chăn nuôi, đến năm 2015, có 75% trang trại, gia trại; đến năm 2020 có 90% trang trại, gia trại có lắp đặt hầm biogas để xử lý chất thải. Trong lĩnh vực BVMT nguồn nước, tập trung khai thác các nguồn đầu tư, hỗ trợ tài chính để triển khai thực hiện dự án xử lý nước thải Thành phố Nam Định; thực hiện các dự án bảo vệ, phục hồi cải tạo không gian, mặt nước trong các đô thị, khu dân cư. Quy hoạch xây dựng các khu xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn. Trong công tác xử lý rác thải sinh hoạt vùng nông thôn, trước mắt đầu tư xây dựng khu xử lý chôn lấp rác thải sinh hoạt quy mô thôn, xã, tiến tới xây dựng khu xử lý chất thải sinh hoạt quy mô cấp vùng theo quy hoạch quản lý chất thải rắn vùng tỉnh. Đến năm 2015, toàn tỉnh đầu tư xây dựng mới 60 bãi chôn lấp, xử lý rác thải quy mô cấp xã tại 9 huyện; phấn đấu đến năm 2020, 100% các xã, thị trấn ở 9 huyện có bãi chôn lấp, xử lý rác thải sinh hoạt hợp vệ sinh quy mô cấp xã; xây dựng hoàn thành 5 khu xử lý chất thải rắn cấp vùng theo quy hoạch xử lý chất thải rắn vùng tỉnh. Tập trung hoàn thành xây dựng trạm xử lý nước thải y tế tập trung của Bệnh viện Đa khoa Nghĩa Hưng, Ý Yên trước năm 2015; 8 bệnh viện đa khoa tuyến huyện còn lại hoàn thành trước năm 2020; phấn đấu đến năm 2020, 100% các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa cấp tỉnh, huyện có hệ thống xử lý rác thải y tế, nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn. Riêng huyện Trực Ninh, phấn đấu đến năm 2015 hoàn thành xây dựng khu xử lý rác thải tập trung quy mô vùng tại Thị trấn Cổ Lễ. Trên 90% xã, thị trấn có bãi chôn lấp, xử lý rác thải sinh hoạt hợp vệ sinh quy mô cấp xã./.
Bài và ảnh: Thanh Thuý