Sau 2 năm thực hiện chủ trương tinh giản nội dung giáo dục phổ thông

07:11, 28/11/2013

Từ năm học 2011-2012, Bộ GD và ĐT chỉ đạo triển khai thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học ở trường phổ thông theo hướng tinh giản để việc dạy và học phù hợp với chuẩn kiến thức kỹ năng và mục tiêu giáo dục, tạo thuận lợi cho giáo viên có điều kiện đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá hoặc tổ chức các hoạt động giáo dục toàn diện, giúp học sinh tiếp thu kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông.

Cô và trò Trường THCS Trực Cường (Trực Ninh) trong giờ lên lớp.
Cô và trò Trường THCS Trực Cường (Trực Ninh) trong giờ lên lớp.

Một trong các nguyên tắc thực hiện giảm tải theo yêu cầu của Bộ GD và ĐT là đảm bảo không phá vỡ cấu trúc của chương trình sách giáo khoa (SGK) và không thay đổi chương trình SGK hiện hành. Trong đó, Bộ GD và ĐT căn cứ vào 5 nhóm nội dung chính để tinh giản như: Những nội dung trùng lặp trong chương trình, SGK của nhiều môn học khác nhau; những nội dung trùng lặp, có cả ở chương trình, SGK của lớp dưới và lớp trên (do hạn chế của cách xây dựng chương trình, SGK theo quan điểm đồng tâm); những nội dung, bài tập, câu hỏi trong SGK không thuộc nội dung của chương trình hoặc yêu cầu vận dụng kiến thức quá sâu, không phù hợp trình độ nhận thức và tâm sinh lý lứa tuổi học sinh; những nội dung trong SGK trước đây sắp xếp chưa hợp lý và những nội dung mang đặc điểm địa phương, không phù hợp với các vùng, miền khác nhau. Khi tinh giản, sắp xếp lại chương trình, giáo viên sẽ dành thời lượng của các nội dung này cho nội dung khác hoặc luyện tập, củng cố, hướng dẫn thực hành cho học sinh, đồng thời không ra bài tập, không kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh vào những nội dung này. Giáo viên và học sinh có thể tham khảo các nội dung trong diện tinh giản nhằm bổ sung kiến thức cho bản thân. Trên cơ sở khung phân phối chương trình của môn học, giáo viên điều chỉnh phân phối chương trình chi tiết đảm bảo cân đối giữa nội dung và thời gian thực hiện, phù hợp với điều chỉnh nội dung dạy học của bộ môn, dựa trên hướng dẫn cụ thể của Sở GD và ĐT. Qua 2 năm thực hiện chủ trương tinh giản nội dung chương trình dạy học, căn cứ vào tài liệu hướng dẫn của Bộ GD và ĐT, Sở GD và ĐT đã chỉ đạo thực hiện dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng ở tất cả các nhà trường, hạn chế tình trạng dạy học quá tải và tạo điều kiện để tổ chức kiểm tra, đánh giá theo chuẩn kiến thức, kỹ năng. Việc hướng dẫn, điều chỉnh nội dung dạy học trong SGK đều bám sát yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng quy định trong chương trình môn học. Một trong những điều kiện thuận lợi đối với tỉnh ta khi thực hiện dạy học phổ thông theo hướng giảm tải là hiện nay ở hầu hết ở các nhà trường, học sinh đã được học 2 buổi/ngày. Bên cạnh đó, với đội ngũ cán bộ, giáo viên có trình độ chuyên môn được đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn cao, thường xuyên được tham dự các lớp bồi dưỡng đổi mới phương pháp dạy học nên đều thích ứng nhanh với hướng tinh giản nội dung chương trình. Mặt khác, trong tài liệu hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học, đối với mỗi môn học đều được Sở GD và ĐT hướng dẫn điều chỉnh cụ thể để giáo viên nghiên cứu và thực hiện đúng trong quá trình giảng dạy. Bậc tiểu học, đã có trên 360 điểm được điều chỉnh ở các môn học Toán, Tiếng Việt, Khoa học, Lịch sử, Địa lý, Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục (môn Tiếng Việt có nội dung điều chỉnh nhiều nhất với trên 80 điểm, trong đó ở chương trình, SGK lớp 4 có 8 bài không dạy, ở lớp 5 có 18 bài không dạy, nhiều nội dung các bài khác được lược bớt, điều chỉnh câu hỏi quá khó, giảm số bài tập bắt buộc đối với học sinh). Một số yêu cầu ở bài học môn Lịch sử và Địa lý lớp 4 và lớp 5 theo hướng cơ bản, tinh giản, thiết thực hơn, không yêu cầu học sinh tường thuật diễn biến sự kiện lịch sử mà chỉ kể lại sự kiện theo cách hiểu của học sinh, không yêu cầu học sinh học thuộc lòng hệ thống kiến thức mà chỉ cần ghi nhớ những điểm tiêu biểu. Đối với những bài học tự chọn mang tính đặc thù vùng, miền chỉ dùng cho học sinh ở các địa phương liên quan như một nội dung địa lý, lịch sử địa phương chứ không đưa vào nội dung kiểm tra, đánh giá đối với bài tự chọn chung cho mọi học sinh như trước đây… Ở bậc THCS và THPT cũng điều chỉnh ở 13 môn học, trong đó các môn Giáo dục công dân, Công nghệ được điều chỉnh theo hướng cung cấp kiến thức có nội dung phù hợp với tâm lý lứa tuổi, trình độ và khả năng nhận thức của học sinh. Việc điều chỉnh nội dung các môn học giúp giáo viên và học sinh có thêm quỹ thời gian rèn luyện kỹ năng, thực hành thí nghiệm, giáo dục kỹ năng sống, lối sống, đạo đức cho học sinh, phòng chống bạo lực và tệ nạn xã hội trong nhà trường, cung cấp kiến thức pháp luật cần thiết… để các em có sức khỏe tốt, có khả năng vượt khó, tự lập và phát hiện vấn đề, phát huy khả năng sáng tạo giải quyết các vấn đề trong học tập và trong cuộc sống nhằm thực hiện tốt mục tiêu giáo dục toàn diện. Tuy nhiên, theo nhiều giáo viên, việc thực hiện giảm tải chương trình SGK, giáo viên đóng vai trò quan trọng, tìm phương pháp dạy học hợp lý, phù hợp với từng học sinh. Với học sinh khá, giỏi, giáo viên có thể gợi ý mở rộng, nâng cao kiến thức bài học để các em tự nghiên cứu, sáng tạo. Còn với học sinh yếu, kém, giáo viên có thể điều chỉnh nội dung chương trình bảo đảm lượng kiến thức cơ bản, nhằm giảm bớt áp lực về khối lượng kiến thức giúp các em không sợ học. Trên thực tế, một số giáo viên giảm tải một số nội dung nhưng lại gia tăng ở các phần khác như giao thêm bài nâng cao, bài về nhà khiến các em vẫn phải học khá nặng, đi ngược lại mục tiêu tinh giản chương trình. Tuy nhiên, hiện nay việc thực hiện giảm tải chương trình SGK còn khó khăn, hạn chế do ở nhiều trường học cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy còn lạc hậu, thiếu thốn, học sinh chủ yếu vẫn học nặng phần lý thuyết, ít được thực hành, việc thiết kế chương trình bài giảng còn nặng, nhiều giáo viên còn hạn chế về trình độ, thiếu cập nhật phương pháp dạy học mới, có giáo viên lại quá ôm đồm trong việc nâng cao kiến thức cho học sinh. Trong khi đó, mỗi học sinh lại có môn học theo sở thích, mục tiêu và năng lực khác nhau…

Hiện tại, Bộ GD và ĐT tiếp tục thực hiện thí điểm phương pháp dạy học, vận dụng kiến thức liên môn, chủ đề tích hợp nhằm góp phần giảm tải chương trình học, hạn chế chồng chéo kiến thức trong các môn học. Đồng thời, thiết kế phân hóa chương trình học theo hướng bớt những môn học bắt buộc, tăng thêm những môn, những nội dung cho phép học sinh tự chọn theo định hướng nghề nghiệp sở thích, khả năng… Bên cạnh đó, chương trình đổi mới SGK của Bộ GD và ĐT vẫn đang được thực hiện song song, đồng bộ với việc hoàn thiện Đề án đổi mới giáo dục nhằm thực hiện mục tiêu giảm tải chương trình học hiện nay./.

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com