“Không sợ khó, không sợ khổ, chỉ sợ dốt”! Lời răn dạy đó được các thế hệ dòng họ Ngô ở thôn Bách Tính, xã Nam Hồng (Nam Trực) ghi nhớ, nuôi dưỡng tinh thần hiếu học truyền từ đời này sang đời khác. Nói về sự học của dòng họ, ông trưởng tộc Ngô Ngọc Vụ tự hào cho biết: “Cả dòng họ đều thống nhất tư tưởng dồn sức cho việc học hành của con cháu. Những tiện nghi đắt tiền, nhà cao cửa rộng chúng tôi chưa có nhiều, nhưng “của để dành” là sự thành đạt, học hành của con cháu thì rất nhiều và đó là niềm tự hào của dòng họ Ngô”. Trong dòng họ có nhiều gia đình có 2 đến 5 con có trình độ đại học.
Cô giáo Đặng Quỳnh Nam, giáo viên dạy giỏi Trường THCS Nam Hồng (Nam Trực) hướng dẫn học sinh ôn bài. |
Từ nhiều năm nay, dòng họ Ngô đã nổi tiếng có nhiều người học hành đỗ đạt như Đình Nguyên tiến sĩ khoa Canh Thìn Ngô Trần Lục làm quan tới chức Lễ Bộ Thượng Thư. Với truyền thống hiếu học, qua các triều đại phong kiến, dòng họ đã có 1 tiến sĩ, 8 cử nhân, 4 tú tài và hàng chục người tuy chưa đỗ khoa bảng nhưng cũng có trình độ cao, làm quan, dạy học, làm thuốc. Dưới triều Lê, dòng họ có 2 quận công, 6 tước hầu, 6 tước bá… Tiêu biểu là cụ Ngô Quảng Lộc có công đánh giặc được phong Sùng Nghị Thượng tướng quân, hiện được làng suy tôn và thờ tự làm Thành hoàng… Trong căn nhà khang trang, ông Ngô Đình Phi lần giở từng tờ hóa đơn bưu điện, “kỷ vật” của bao năm vất vả, tằn tiện gửi tiền cho các con ăn học. Nhà có hơn 7 sào ruộng nhưng lại có 4 người con liên tiếp vào đại học nên suốt những năm các con đi học là chuỗi ngày vất vả với gánh nặng kinh tế chu cấp cho các con của ông. Ngoài mấy sào ruộng, ông còn đào ao thả cá, nuôi lợn, gà. Làm lụng vất vả quanh năm “đầu tắt, mặt tối” nhưng vẫn không kiếm đủ tiền nuôi con ăn học. “Người ta thấy con đi xa về thì mừng, còn vợ chồng tôi thấy con về thăm thì lại lo (!). Thậm chí, nhiều khi các con nhớ nhà cũng không thể về vì không có tiền tàu xe. Có tháng tiền ăn của con cũng phải gửi mấy lần… “Cháo húp quanh, công nợ trả dần” - Các cụ xưa dạy không sai! Cái đận khốn khó rồi cũng qua, giờ ngẫm lại dù vất vả nhưng đầu tư cho con học hành là hiệu quả nhất. Cả 4 cháu giờ đều có việc làm ổn định và đều là đảng viên…”. Gần nhà ông Phi, ông Ngô Văn Thế bị nhiễm chất độc da cam có 3 con khuyết tật. Sức khỏe yếu, quanh năm chỉ trông vào cây lúa, mớ rau, vợ chồng ông phải tần tảo sớm hôm vẫn không để các con thất học dù các cháu không được vẹn tròn về thể chất. Hiện đứa con lớn của ông vừa thi đỗ vào lớp 10… Những hình ảnh nắng sương vất vả “thắt lưng buộc bụng” của ông bà, cha mẹ ở dòng họ Ngô rất nhiều, nhưng bù lại chính là những đứa con hiếu nghĩa trưởng thành. Không phải ngẫu nhiên mà dòng họ Ngô đã được đón đồng chí Vũ Oanh, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; cố GS-NGND Nguyễn Lân, nguyên Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam và các đoàn đại biểu của 32 tỉnh, thành trong cả nước về thăm và học tập kinh nghiệm làm khuyến học.
Ở xã Nam Hồng, mọi người đều gọi công tác khuyến học, khuyến tài ở dòng họ Ngô là cuộc “chạy tiếp sức” từ thế hệ này đến thế hệ khác với ý thức tự tôn trong gia đình, dòng họ. Tuy nhiên, trong công tác khuyến học dòng họ, các bậc cao niên cũng luôn nhắc nhở các gia đình không cứng nhắc và quá trọng bằng cấp gây sức ép cho con cái, không nhất thiết hướng vào đại học, tùy vào khả năng, hoàn cảnh có thể học nghề và cái chính phải biết học làm người và dù đi học hay đi làm cũng phải không ngừng phấn đấu tự học vươn lên. Đến nay, dòng họ đã có 180 gia đình được công nhận là gia đình hiếu học, trong đó có 13 gia đình được công nhận là gia đình hiếu học cấp huyện. Tất cả trẻ em trong dòng họ đều được đến trường, không có học sinh vì hoàn cảnh khó khăn mà phải bỏ học giữa chừng. Quỹ khuyến học của dòng họ Ngô đã vận động, quyên góp được gần 60 triệu đồng. Dòng họ đã tổ chức phát thưởng cho 1.930 lượt con cháu đạt danh hiệu học sinh giỏi và thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, học sinh nghèo vượt khó, trong đó có 158 em đỗ vào đại học. Trong số các em thi đỗ vào đại học, có 2 em Ngô Tiến Đạt thi vào Trường Đại học Quốc gia Hà Nội và Ngô Thị Hoài thi Học viện Tài chính đều đỗ thủ khoa với 3 điểm 10. Hiện, các em đã tốt nghiệp đại học và đang học nghiên cứu sinh làm tiến sĩ. Đặc biệt, gần 30 con cháu, dâu, rể trong dòng họ là giáo viên đã góp phần quan trọng trong việc kèm cặp, hướng dẫn, bảo ban các cháu học hành tiến bộ. Ngoài con cháu trong độ tuổi đi học, những người lớn trong dòng họ ở mọi lứa tuổi, thành phần đều thường xuyên tham gia các lớp học tập cộng đồng để học các kỹ thuật chăn nuôi, gieo trồng, tìm hiểu các vấn đề khoa học - kỹ thuật, chính sách pháp luật, dân số… Sự gương mẫu của người lớn đã góp phần nuôi dưỡng tinh thần ham học của con cháu.
Theo thống kê của dòng họ Ngô, chỉ tính trong thời kỳ đổi mới, dòng họ tự hào có một người giữ trọng trách trong Chính phủ, 1 người được phong Chuẩn đô đốc Hải quân, gần 300 người tốt nghiệp đại học, có 8 tiến sĩ, 1 người được phong hàm phó giáo sư, 10 thạc sĩ. Dòng họ Ngô đã được Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, UBND tỉnh tặng Bằng khen./.
Bài và ảnh: Hồng Minh