Những nội dung mới về hợp đồng lao động

08:11, 19/11/2013

Bộ luật Lao động (BLLĐ) năm 2012 được Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 18-6-2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-5-2013. BLLĐ năm 2012 bao gồm 17 chương và 242 điều và đã có nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng, trong đó Chế định hợp đồng lao động (HĐLĐ) được quy định cụ thể và rõ ràng hơn so với Bộ luật cũ.

d
Ảnh: Internet

Về HĐLĐ, BLLĐ năm 2012 quy định tại Chương III, gồm 44 điều, tăng 28 điều so với Bộ luật cũ và gồm 5 mục: Giao kết hợp đồng lao động; Thực hiện hợp đồng lao động; Sửa đổi, bổ sung, chấm dứt HĐLĐ; HĐLĐ vô hiệu; Cho thuê lại lao động. So với Bộ luật cũ, BLLĐ năm 2012 có nội dung sửa đổi, bổ sung như: Về nguyên tắc giao kết HĐLĐ tại Điều 17 quy định là phải được thực hiện trên tinh thần tự do, tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, trung thực và hợp tác nhưng không được trái pháp luật, thỏa ước lao động tập thể (nếu có) và đạo đức xã hội. Tại Điều 19 bổ sung quy định, trước khi giao kết HĐLĐ, nếu một trong hai bên có yêu cầu thì đối tác phải có nghĩa vụ cung cấp thông tin liên quan trực tiếp đến việc giao kết HĐLĐ. Người sử dụng lao động (SDLĐ) phải cung cấp thông tin cho người lao động (NLĐ) về công việc, địa điểm làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, ATVSLĐ, tiền lương, BHXH, BHYT, quy định về bảo vệ bí mật kinh doanh và các vấn đề liên quan khác. NLĐ phải cung cấp thông tin cho người SDLĐ về họ tên, tuổi, giới tính, nơi cư trú, trình độ học vấn, trình độ kỹ năng nghề, tình trạng sức khỏe và các vấn đề liên quan khác. BLLĐ năm 2012 bổ sung quy định những hành vi người SDLĐ không được làm khi giao kết, thực hiện HĐLĐ như: không được giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của NLĐ hoặc áp dụng các biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện HĐLĐ (Điều 20). Về việc tham gia BHXH bắt buộc, BHTN, trong trường hợp NLĐ giao kết HĐLĐ với nhiều người SDLĐ mà NLĐ thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, BHTN, BLLĐ năm 2012 quy định, NLĐ và người SDLĐ của HĐLĐ giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia BHXH bắt buộc, BHTN theo quy định của pháp luật. Người SDLĐ của các HĐLĐ còn lại có trách nhiệm chi trả cùng lúc với kỳ trả lương của NLĐ khoản tiền tương đương với mức đóng BHXH bắt buộc, BHTN thuộc trách nhiệm của người SDLĐ theo quy định của pháp luật. Về việc tham gia BHYT bắt buộc, nếu NLĐ giao kết HĐLĐ với nhiều người SDLĐ mà NLĐ và người SDLĐ thuộc đối tượng tham gia BHYT bắt buộc thì NLĐ và người SDLĐ của HĐLĐ có mức tiền lương cao nhất có trách nhiệm tham gia BHYT theo quy định.

Về loại HĐLĐ, BLLĐ năm 2012 cơ bản vẫn giữ như quy định cũ, tuy nhiên tại khoản 2, Điều 22 quy định đối với HĐLĐ xác định thời hạn và HĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng, nếu đã hết hạn HĐ mà NLĐ vẫn tiếp tục làm việc, hai bên phải ký kết HĐLĐ mới. Nếu không ký kết HĐLĐ mới thì loại HĐLĐ xác định thời hạn mà hai bên đã giao kết trở thành HĐLĐ không thời hạn; còn loại HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc có thời hạn dưới 12 tháng trở thành loại HĐLĐ có thời hạn 24 tháng. Về nội dung HĐLĐ, BLLĐ năm 2012 bổ sung một số quy định nhằm đảm bảo quyền lợi của NLĐ như: Chế độ nâng bậc, nâng lương; chế độ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề... Ngoài ra, Bộ luật mới còn bổ sung quy định mới về Phụ lục HĐLĐ (Điều 24) để hai bên có thể dùng phụ lục HĐ để giao kết những nội dung mới so với nội dung đã có thay vì phải làm lại HĐLĐ. Chế độ thử việc cũng được bổ sung nhiều quy định mới như quy định thỏa thuận về việc làm thử, quyền và nghĩa vụ của hai bên trong thời gian thử việc có thể được lập thành HĐ thử việc; chỉ được thử việc một lần đối với một công việc; tiền lương trong thời gian thử việc được nâng từ 70% lên 85% mức lương của công việc. Mục thực hiện HĐLĐ, BLLĐ năm 2012 bổ sung một số trường hợp được tạm hoãn thực hiện HĐLĐ và quy định về việc nhận lại NLĐ hết thời hạn tạm hoãn thực hiện HĐLĐ: trong thời hạn 15 ngày, NLĐ phải có mặt tại nơi làm việc và người SDLĐ phải nhận NLĐ làm việc trở lại. BLLĐ năm 2012 dành riêng một mục quy định trường hợp HĐLĐ vô hiệu, bao gồm các quy định về các trường hợp được xem HĐLĐ vô hiệu toàn bộ, vô hiệu một phần; thẩm quyền tuyên bố HĐLĐ vô hiệu và cách xử lý HĐLĐ vô hiệu. Ngoài ra, BLLĐ năm 2012 quy định một số nội dung mới như chế định cho thuê lại lao động, kéo dài thời hạn HĐLĐ...    

Những quy định mới của BLLĐ năm 2012 nói chung và quy định về HĐLĐ nói riêng nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi chính đáng của NLĐ cũng như của người SDLĐ./.

Minh Tân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com