Nghị lực vượt khó của những cựu thanh niên xung phong

08:11, 30/11/2013

Trở về sau những năm tháng gian khổ phục vụ chiến đấu và tham gia chiến đấu trên các chiến trường, nhiều cựu thanh niên xung phong (TNXP) vẫn phải đối mặt với những khó khăn, vất vả trong cuộc sống. Nhưng với ý chí “khó không lùi bước”, nhiều cựu TNXP đã không ngừng nỗ lực vươn lên hoàn cảnh, khẳng định phẩm chất cao đẹp với tinh thần “Lúc trẻ xung phong, về già gương mẫu”.

Cơ sở may của cựu TNXP Trần Đăng Khôi, xã Mỹ Thuận (Mỹ Lộc) tạo việc làm ổn định cho 30 lao động.
Cơ sở may của cựu TNXP Trần Đăng Khôi, xã Mỹ Thuận (Mỹ Lộc) tạo việc làm ổn định cho 30 lao động.

Ở xã Hồng Thuận (Giao Thủy) mọi người đều biết đến tấm gương vượt khó làm giàu ngay trên đồng đất quê hương của cựu TNXP Phạm Văn Diêm. Năm 1971, khi mới 17 tuổi, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông Phạm Văn Diêm tình nguyện tham gia TNXP và được biên chế vào C30, Đoàn 559 có nhiệm vụ san lấp, mở đường tại tỉnh Khăm-muộn (Lào). Năm 1972, trong khi đang làm nhiệm vụ, đơn vị bị máy bay địch tập kích, bắn phá dữ dội, ông bị thương nặng hỏng một bên quai hàm và bị đạn bắn sượt qua đầu. Sau khi được điều trị, tỷ lệ thương tật là 31% nhưng ông vẫn một mực xin quay lại đơn vị cùng với đồng đội mở thêm những con đường mới. Năm 1974, ông được chuyển về Ban 64 (Đoàn 559) đi san lấp, mở đường tại tỉnh Xiêng Khoảng (Lào). Năm 1980, ông được xuất ngũ. Về quê hương trước bao khó khăn, vất vả, trong cuộc sống thường nhật, với bản tính cần cù, chịu khó, ông đã xoay xở ngược xuôi với nhiều nghề nhưng kinh tế gia đình vẫn thiếu thốn. Sau nhiều đêm trăn trở, ông thấy rằng, đã là người nông dân thì chỉ có gắn bó với đồng đất quê hương mới là kế sinh nhai bền vững. Năm 1997, sau khi vay mượn của anh em, họ hàng được ít vốn, ông đã đấu thầu 15 mẫu đất bãi ven sông Hồng để chuyên canh cây lúa, đầu tư mua máy cày, máy tuốt lúa, công nông phục vụ canh tác. Nhưng do diện tích cấy nhiều, chi phí sản xuất tốn kém nên hiệu quả kinh tế không cao. Qua đọc báo, xem truyền hình, tự rút kinh nghiệm qua mô hình của gia đình, ông Diêm hiểu rằng phải học tập, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hoá sản xuất để tiết giảm chi phí, tăng năng suất lao động, bảo đảm thời vụ thì mới hiệu quả. Ông đã tự đi học cách gieo sạ ở các tỉnh Hà Nam, Thái Bình... Năm 2008, ông là người đầu tiên của huyện Giao Thủy áp dụng phương pháp gieo sạ lúa. Ông cũng mạnh dạn tìm tòi, đưa những giống lúa mới vào sản xuất. Vụ chiêm xuân, ông cấy chủ yếu các giống lúa BC, Tạp giao, Bắc thơm…; vụ mùa cấy thêm giống lúa nếp cao cây. Vụ mùa 2013, mặc dù ở một số địa phương năng suất lúa giảm do ảnh hưởng của thời tiết, sâu bệnh nhưng ông lại “được mùa riêng” vì cấy hơn 5 mẫu lúa BC, 4 mẫu lúa nếp cao cây và 6 mẫu lúa Bắc thơm loại kháng bạc lá. Cho thu hoạch tổng cộng trên 21 tấn lúa các loại, lợi nhuận trên 130 triệu đồng. Do đặc điểm khu ruộng của ông có nhiều diện tích trũng, không chỉ tập trung cho cây lúa, ông còn kết hợp với thả một số loài thủy sản như cá rô phi đơn tính, tôm sú, cua rèm… nhằm nâng cao thu nhập trên từng diện tích canh tác, tận dụng nguồn thức ăn từ ruộng lúa. Từ năm 2010 đến nay, mỗi năm ông thu lợi nhuận trên 100 triệu đồng từ việc nuôi xen kẽ các loại thủy sản trên các ruộng lúa. Hiện nay, 15 mẫu ruộng của ông đã đi vào sản xuất ổn định, mỗi năm từ mô hình cấy lúa kết hợp với nuôi thủy sản đã giúp ông thu nhập hàng trăm triệu đồng. Giờ đây, dù đã bước sang tuổi 60 nhưng đôi tay của ông vẫn không lúc nào ngưng nghỉ.

Cựu TNXP Trần Đăng Khôi, ở xã Mỹ Thuận (Mỹ Lộc) đã từng trải qua những tháng ngày khốc liệt nhất trong nhà tù đế quốc. Ông Khôi tình nguyện đi TNXP năm 1965 và được biên chế vào Đội đặc biệt K53, chuyên vận chuyển hàng hóa đặc biệt. Năm 1966, sau trận đánh tại ngã tư Bồng Bồng (Huế), ông bị địch bắt và tra tấn dã man. Năm 1967 chúng đưa ông ra khu biệt giam trên Đảo Phú Quốc. Năm 1973, sau khi trao trả tù binh, ông được về an dưỡng tại Đoàn 550 ở Ninh Bình, sau đó được chuyển về công tác tại Bộ CHQS tỉnh Nam Hà. Năm 1982, do sức khỏe giảm sút, ông được nghỉ chế độ. Trở về với đời thường, ông luôn trăn trở trước hoàn cảnh kinh tế gia đình còn khó khăn, con nhỏ, bản thân luôn đau yếu do các di chứng chiến tranh và đòn tra tấn của kẻ thù. Không đầu hàng trước nghèo đói, ông luôn nung nấu quyết tâm thoát nghèo, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Bên cạnh việc gắn bó với đồng ruộng, ông tập trung chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản, nhiều năm liền ông là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế hộ của địa phương. Năm 2009, ông đã vay mượn vốn của người thân để đầu tư vào lĩnh vực mới, mua 8 máy may công nghiệp để may quần áo bảo hộ lao động xuất khẩu. Năm 2010, nhận thấy nhu cầu thị trường xuất khẩu quần áo bảo hộ lao động có xu hướng tăng dần, ông tiếp tục dồn vốn liếng mua thêm máy may, giao cho các hộ dân trong xã gia công sản phẩm. Hiện, ông có 20 máy may đặt tại các hộ dân và 8 máy làm tập trung, tạo việc làm cho 30 lao động địa phương, với mức thu nhập bình quân từ 2-2,5 triệu đồng/người/tháng. Trong sản xuất, kinh doanh, ông luôn giữ chữ tín với khách hàng, đồng thời không ngừng tìm kiếm mở rộng khách hàng. Cơ sở may của ông dần tạo được uy tín và chỗ đứng trên thị trường. Bên cạnh đó, ông vẫn duy trì 5 sào ao nuôi cá, nuôi thêm lợn, gà…, thu lợi nhuận hàng chục triệu đồng mỗi năm. Nhờ đó, cuộc sống gia đình ông ngày càng khấm khá.

Vượt qua những cơn đau nhức mỗi khi trái gió, trở trời do di chứng của chiến tranh, cựu TNXP Phạm Văn Diêm và Trần Đăng Khôi đã không ngừng phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, trở thành những tấm gương sáng về nghị lực vượt khó cho các hội viên cựu TNXP học tập, làm theo./.

Bài và ảnh: Văn Thứ



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com