Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của hệ thống y tế cơ sở

08:11, 29/11/2013

Những năm qua, hệ thống y tế cơ sở của tỉnh không ngừng được quan tâm đầu tư, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe ở cơ sở ngày càng được chú trọng, những kiến thức cơ bản phòng, chống các dịch bệnh được phổ biến rộng rãi, giúp thay đổi nhận thức, hành vi của người dân đối với việc bảo vệ sức khỏe. Các đơn vị y tế dự phòng ở các huyện, thành phố đã chủ động phòng, chống dịch, giám sát, phát hiện, dập dịch kịp thời. Các chương trình mục tiêu y tế quốc gia được triển khai tại cơ sở luôn hoàn thành và vượt chỉ tiêu. Các bệnh viện tuyến huyện đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch khám, chữa bệnh (KCB), công suất giường bệnh đạt 100%, thực hiện được 75-80% danh mục kỹ thuật theo phân tuyến kỹ thuật chuyên môn của Bộ Y tế. Năng lực hoạt động của hệ thống trạm y tế ngày càng được nâng lên, 100% số trạm y tế đang đảm nhiệm KCB BHYT, KCB cho người nghèo và các đối tượng chính sách.

Cán bộ Trạm Y tế xã Nam Phong (TP Nam Định) hướng dẫn người dân sử dụng cây thuốc nam.
Cán bộ Trạm Y tế xã Nam Phong (TP Nam Định) hướng dẫn người dân sử dụng cây thuốc nam.

Hiện, mô hình tổ chức, bộ máy y tế cơ sở của tỉnh thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 03/2008/TTLT-BYT-BNV hướng dẫn thực hiện chức năng, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế, phòng Y tế thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện với 10 Phòng Y tế huyện, thành phố. Các đơn vị y tế tuyến huyện, xã thuộc Sở Y tế gồm: 11 Bệnh viện Đa khoa huyện, thành phố với tổng số 1.600 giường bệnh; 10 Trung tâm Y tế; 10 Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện, thành phố; 229 trạm y tế với 1.145 giường lưu, thuộc 10 Trung tâm Y tế huyện, thành phố quản lý. Về nhân lực, đến hết tháng 8-2013, tổng biên chế của các đơn vị sự nghiệp y tế (Bệnh viện Đa khoa, Trung tâm Y tế, Phòng Y tế, Trung tâm Dân số - KHHGĐ) là 1.483/1.783 tổng biên chế được giao năm 2013; cơ sở y tế xã, phường, thị trấn là 1.430/1.447 tổng biên chế được giao năm 2013. Trong tổng số 480 người có trình độ bác sĩ, tuyến huyện có 293 người, tuyến xã 187 người. Hệ thống mạng lưới y tế cơ sở phát triển ổn định, rộng khắp từ huyện xuống thôn, xóm. Về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, từ năm 2007 đến nay, các Bệnh viện Đa khoa và các Trung tâm Y tế huyện, thành phố được đầu tư nâng cấp, trang bị cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị từ nguồn trái phiếu Chính phủ, vốn của Trung ương và địa phương. Các hạng mục công trình của 11 Bệnh viện Đa khoa và các Trung tâm Y tế huyện, thành phố được đầu tư nâng cấp, cải tạo và xây mới đã tăng thêm quy mô giường bệnh và diện tích sử dụng, đồng thời được đầu tư hàng chục tỷ đồng mua sắm trang thiết bị, dụng cụ y tế thiết yếu, góp phần nâng cao chất lượng KCB. Đối với trạm y tế xã (phường, thị trấn), thực hiện Chỉ thị 06 của Ban Bí thư về củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở và Quyết định số 370 của Bộ Y tế về ban hành “Chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2001-2010”, hằng năm, Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện xây dựng xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Đến năm 2011, toàn tỉnh có 204/229 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế, đạt 89,08%. Bên cạnh đó, để khắc phục tình trạng xuống cấp của các trạm y tế, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 798/2012 quy định về hỗ trợ kinh phí xây dựng, nâng cấp, cải tạo trạm y tế của các xã, phường, thị trấn. Cụ thể, ngân sách tỉnh hỗ trợ công trình xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo trạm y tế xã là 70% tổng mức đầu tư (tối đa không quá 1,5 tỷ đồng đối với công trình xây mới và không quá 700 triệu đồng đối với công trình nâng cấp, cải tạo). Từ năm 2011 đến nay, UBND tỉnh đã hỗ trợ kinh phí xây mới, sửa chữa trạm y tế xã bằng nguồn vốn địa phương, với tổng số tiền 37 tỷ đồng. Trong 2 năm 2010 và 2011, Sở Y tế đã đầu tư 5,2 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị, dụng cụ y tế cho 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn, đồng thời tiếp tục hướng dẫn các đơn vị thực hiện kế hoạch xây dựng xã, phường đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020 theo quy định của Bộ Y tế. Năm 2013, có 17 trạm y tế xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã, trình UBND tỉnh quyết định công nhận. Tuy nhiên, thực trạng trạm y tế xã (phường, thị trấn) còn nhiều tồn tại cần khắc phục: Cơ sở hạ tầng xuống cấp nhưng thiếu kinh phí nâng cấp, cải tạo, vì vậy 80% số trạm y tế xã đã đạt chuẩn giai đoạn 2001-2010 chưa đủ điều kiện đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng giai đoạn 2011-2020. Công năng sử dụng còn hạn chế do thiếu nhân lực và thiết bị cận lâm sàng. Nguồn nhân lực, phần lớn mới bảo đảm về số lượng nhưng chưa đủ chủng loại cán bộ, còn thiếu bác sĩ, y sĩ YHCT. Cán bộ y tế cơ sở chưa có điều kiện thường xuyên cập nhật, nâng cao trình độ chuyên môn. Một số trạm trưởng trạm y tế chưa được đào tạo, tập huấn về quản lý Nhà nước nên năng lực quản lý chưa đáp ứng được so với yêu cầu, dẫn đến khả năng tham mưu, xây dựng kế hoạch bị hạn chế; vẫn còn 25 trạm y tế xã chưa đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2001-2010. Trong số các trạm y tế đã đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2001-2010, có 76,4% số trạm không đạt được các tiêu chuẩn về y tế xã giai đoạn 2011-2020. Mô hình bệnh tật thay đổi, các bệnh không truyền nhiễm, tai nạn thương tích ngày càng gia tăng, một số bệnh truyền nhiễm có xu hướng quay trở lại, các bệnh dịch mới, bệnh lạ xuất hiện diễn biến khó lường, các yếu tố tác động xấu đến sức khỏe ngày càng nhiều. Nhu cầu KCB, chăm sóc sức khoẻ nhân dân ngày càng cao cả về số lượng và chất lượng. Một số địa phương, các cấp, các ngành chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng và sự cần thiết của hệ thống y tế cơ sở, đối với công tác KCB, chăm sóc sức khoẻ người dân ở nông thôn, do vậy cản trở không nhỏ đến việc thực hiện xã hội hóa công tác y tế. Nguồn kinh phí, ngân sách cho hoạt động y tế còn hạn chế, nhiều địa phương cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ KCB còn thiếu, chế độ ưu đãi, trả thù lao cho y tế thôn còn thấp, gây khó khăn cho công tác củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở. Chính sách BHYT còn nhiều bất cập, tỷ lệ người dân tham gia BHYT tự nguyện ở nhiều đơn vị chưa cao. Quản lý Nhà nước đối với hoạt động của các cơ sở y tế tư nhân chưa thường xuyên, nhất là đối với vùng nông thôn. Tác động của cơ chế thị trường dẫn đến tiêu cực trong ngành Y tế vẫn còn xảy ra…

Để nâng cao chất lượng KCB cho tuyến y tế cơ sở, cần tiếp tục ổn định mô hình tổ chức y tế tuyến huyện, xã; có sự đầu tư tương xứng về nguồn nhân lực và cơ sở vật chất. Tập trung đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các bệnh viện đa khoa tuyến huyện và trạm y tế xã. Có chính sách thiết thực, hữu hiệu tăng cường bác sĩ về công tác tại xã và thu hút bác sĩ, dược sĩ đại học về công tác tại huyện. Nâng cao chất lượng, hiệu quả của trạm y tế các xã, phường, thị trấn đã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Tăng cường công tác thông tin, giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi để người dân tự giác tích cực tham gia vào các hoạt động chăm sóc sức khoẻ, tham gia các phong trào vệ sinh phòng bệnh, rèn luyện thân thể, phòng chống bệnh dịch, phòng chống các tệ nạn xã hội, hạn chế lối sống và thói quen có hại cho sức khỏe, xây dựng nếp sống văn minh, lành mạnh. Phát triển các kỹ thuật y học tiên tiến, các chuyên khoa sâu, ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng thiết bị kỹ thuật cao, nâng cao chất lượng KCB. Thực hiện tốt các mục tiêu chương trình y tế quốc gia tại cơ sở. Chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện lồng ghép các chương trình mục tiêu y tế để tăng cường chất lượng, hiệu quả và giảm chi phí y tế./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com