Qua 3 năm thực hiện, phong trào thi đua liên kết phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn trong CNVCLĐ giữa LĐLĐ tỉnh và Sở NN và PTNT đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần cùng các ngành, các địa phương thực hiện thắng lợi các chương trình, mục tiêu về phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Nông dân huyện Vụ Bản thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp. Ảnh: Văn Thứ |
LĐLĐ tỉnh, Sở NN và PTNT thường xuyên phối hợp với các đơn vị thành viên tập trung chỉ đạo, đôn đốc công đoàn các ngành, công đoàn các huyện, thành phố tuyên truyền động viên đông đảo cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ thuộc đơn vị, ngành mình tích cực tham gia phong trào. Theo đó, các cấp công đoàn trong tỉnh đã tích cực phối hợp với chính quyền, chuyên môn đồng cấp, đổi mới phương thức vận động CNVCLĐ dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: phát động và tổ chức các phong trào thi đua; triển khai thực hiện các chương trình công tác trọng tâm của tỉnh về NN và PTNT, xây dựng NTM, phát động phong trào thi đua nghiên cứu triển khai áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào phục vụ sản xuất; chương trình đào tạo bồi dưỡng cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ khuyến nông, khuyến công, xây dựng đội ngũ lao động nông nghiệp có văn hóa, kỹ thuật, nâng cao trình độ nông dân; công tác đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Các phong trào, chương trình được triển khai sâu rộng, bám sát các hoạt động phù hợp với thực tế của các cơ quan, đơn vị nên trong quá trình triển khai thực hiện, cán bộ, CNVCLĐ đã đồng lòng, chung sức để phong trào thi đua liên kết phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn đạt kết quả cao. Các cán bộ kỹ thuật ngành Nông nghiệp, các huyện, thành phố đã tích cực bám sát cơ sở, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho hoạt động sản xuất ở nông thôn. Nhiều tiến bộ kỹ thuật mới về giống cây, giống con, các biện pháp thâm canh tổng hợp được đưa vào áp dụng mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân. Đến nay, toàn tỉnh đã có 150 mô hình cánh đồng mẫu lớn với diện tích hơn 8.000ha, diện tích lúa gieo sạ đạt 16% tổng diện tích gieo cấy; tỷ trọng lúa hàng hóa chất lượng cao tăng từ 20% (trước năm 2010) lên 70% (năm 2013). Chăn nuôi phát triển theo hướng giảm chăn nuôi nhỏ lẻ chuyển sang phương thức chăn nuôi trang trại, gia trại. Cùng với đẩy mạnh các hoạt động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa giống cây, con mới vào sản xuất, cán bộ đoàn viên các ngành chuyên môn đã tích cực tham gia đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ và nâng cao trình độ nhận thức cho nông dân nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần đưa tỷ lệ lao động nông thôn đã qua đào tạo nghề tăng từ 30% (năm 2009) lên 37,5% (năm 2013), giúp cho lao động nông thôn có cơ hội tìm việc làm thường xuyên tăng từ 74,7% (năm 2009) lên 76,5% (năm 2013). Thông qua chương trình phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ và nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa, trình độ thâm canh, sản xuất của nông dân không ngừng được nâng lên, góp phần tăng năng suất, chất lượng và sản lượng nông, lâm, ngư nghiệp, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân, bộ mặt nông thôn không ngừng đổi mới. Phong trào thi đua liên kết phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đã tạo động lực thúc đẩy cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ hăng say lao động, sáng tạo. Qua đó, đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình như: Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, Trung tâm Giống thuỷ đặc sản Nam Định, Chi cục Thú y tỉnh, Cty TNHH Cơ khí Đình Mộc, Cty CP Dây lưới thép Nam Định... Nhiều cá nhân tiêu biểu với những sáng kiến thiết thực, hiệu quả hưởng ứng phong trào như: sáng kiến "Bước đầu thử nghiệm một số giải pháp nâng cao năng suất sinh sản nhân tạo cá lăng chấm" của tác giả Nguyễn Viết Huệ, Trung tâm Giống thủy đặc sản Nam Định; sáng kiến "Giải pháp sử dụng mô hình 3D trong công tác thẩm định thềm giảm sóng, mỏ hàn lắp dựng cấu kiện TETRAPOD" của tác giả Trần Đức Việt, Sở NN và PTNT; sáng kiến “Nuôi cá trắm đen sử dụng thức ăn công nghiệp thay thế thức ăn tươi sống” của tác giả Hoàng Thanh Dương, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh; sáng kiến “Ứng dụng phương pháp nghiên cứu dịch tễ học để xác định một số yếu tố nguy cơ làm phát sinh và lây lan dịch lợn tai xanh” và một số giải pháp phục vụ công tác quản lý như “Giải pháp chỉ đạo phát triển cánh đồng mẫu lớn tại Nam Định”; sáng kiến “Những giải pháp chuyển dịch chuyển cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá ở huyện Ý Yên”... Thông qua các phong trào thi đua, đội ngũ cán bộ, đoàn viên công đoàn đã nâng cao nhận thức về yêu cầu của sự nghiệp CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn, từ đó tăng cường sức mạnh liên kết bền chặt của khối công - nông - trí thức. Kết quả đó đã góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Bộ mặt nông thôn trong tỉnh đã thay đổi rõ rệt, chương trình xây dựng NTM hoàn thành theo tiến độ đề ra.
Để tiếp tục phát huy vai trò của cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ trong phong trào thi đua phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn, LĐLĐ tỉnh và Sở NN và PTNT tiếp tục tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành thành viên nhằm phát huy nội lực của từng ngành để thực hiện thắng lợi mục tiêu đã đề ra. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ ngành NN và PTNT nâng cao nhận thức, phát huy tài năng, trí tuệ, tích cực lao động sáng tạo, thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường tham gia công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển sản xuất NN và PTNT, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân; đẩy mạnh phong trào nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp gắn với phong trào liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nhằm xây dựng NTM gắn với xây dựng tổ chức công đoàn ngày càng vững mạnh, là lực lượng nòng cốt trong phong trào thi đua phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn./.
Hoàng Dung