Những năm qua, phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt” được gắn với các cuộc vận động: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”... trong các trường học, đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về tư tưởng và hành động trong đổi mới quản lý, đổi mới phương pháp dạy và học của giáo viên, học sinh.
Cô giáo Phạm Thị Hải Đường, giáo viên Trường THCS Mỹ Hưng (Mỹ Lộc) trong giờ lên lớp. |
Thi đua “Dạy tốt - Học tốt” từ lâu đã là một trong những động lực nâng cao chất lượng giáo dục ở các nhà trường. Hằng năm, phong trào thi đua được triển khai gắn với nhiệm vụ cụ thể của ngành, trong đó tập trung vào việc đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, rèn luyện chuẩn mực, phong cách nhà giáo của thầy và phương pháp học tập của trò, hướng tới “tốt” về chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức và đạo đức, tác phong, lối sống với mục tiêu: “Mỗi giáo viên là một bông hoa dạy tốt, mỗi học sinh là một bông hoa học tốt”. Đến nay, các trường học trong tỉnh đều triển khai phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt” với những nội dung hoạt động phong phú, sôi nổi và hiệu quả, gắn với điều kiện thực tế của nhà trường. Ở Trường Tiểu học Xuân Ngọc (Xuân Trường), phong trào thi đua “Hai tốt” được coi là một trong những nội dung thiết thực nhằm thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đối với các thầy, cô giáo, đó là việc tích cực trau dồi phẩm chất đạo đức, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng sư phạm, đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp, thiết thực với học sinh, từ đó giúp học sinh tiếp thu bài giảng tốt hơn. Từ năm 2006, nhà trường đã lắp đặt hệ thống máy tính để dạy học cho học sinh từ lớp 3 đến lớp 5. Ban đầu, với 16 máy tính được Phòng GD và ĐT và địa phương đầu tư, nhà trường đã tổ chức các lớp học bồi dưỡng tin học văn phòng và thiết kế bài giảng điện tử cho tất cả cán bộ, giáo viên trong trường, góp phần đưa công nghệ thông tin vào ứng dụng thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học. Học sinh các lớp 3, 4, 5 được học Tin học 2 buổi/tuần nên đều biết sử dụng thành thạo máy vi tính. Những năm qua nhà trường trở thành nhân tố tích cực của huyện tham gia các cuộc thi Tin học tuổi thơ, giải Toán qua mạng internet cấp huyện, cấp tỉnh, cấp quốc gia. Thầy giáo Nguyễn Văn Toản, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường thường xuyên trau dồi phẩm chất đạo đức, nỗ lực khắc phục khó khăn tự học, nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giảng dạy. Đến nay 100% cán bộ, giáo viên đều có chứng chỉ B Tin học và ứng dụng thành thạo Tin học trong soạn giảng và dạy học. Với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các bài giảng, sự nghiên cứu, tìm tòi công phu của giáo viên nên các tiết hội giảng cấp huyện, cấp tỉnh của trường đều đạt loại giỏi. Bên cạnh việc sử dụng công nghệ thông tin, trong mỗi tiết dạy, giáo viên đều tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho học sinh để các em yêu thích môn học, tiết học, tăng khả năng tiếp thu bài. Đối với học sinh, hưởng ứng phong trào “Hai tốt” là việc ra sức thi đua giành nhiều điểm tốt, giờ học tốt... Nhiều năm liền, đội tuyển học sinh giỏi của nhà trường tham dự các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh đều đoạt giải cao, trong đó nhiều năm, 100% học sinh dự thi đều đoạt giải… Ở Trường THCS Mỹ Hưng (Mỹ Lộc), để phong trào thi đua “Hai tốt” mang lại hiệu quả thiết thực và ngày càng đi vào chiều sâu, nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động như phát động các đợt thi đua ngắn để thường xuyên tác động tới ý thức đổi mới phương pháp dạy học của giáo viên, thi làm đồ dùng dạy học, phát động phong trào sáng tạo, tìm tòi đổi mới phương pháp dạy và học một cách hiệu quả. Đối với học sinh, phong trào thi đua tập trung vào việc rèn luyện, trau dồi văn hoá, đạo đức, thi đua giành được nhiều điểm tốt… Phong trào “Hai tốt” đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chất lượng giáo dục trong nhà trường, đồng thời xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến trong giáo viên, học sinh… Năm học 2012-2013 nhà trường có 81,6% số giáo viên được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp trường. Tỷ lệ học sinh có học lực khá, giỏi đạt 74,8% và có trên 92% học sinh thi đỗ vào các trường THPT công lập. Hằng năm, để đẩy mạnh phong trào thi đua “Hai tốt” ban giám hiệu nhà trường đã phát động từ 4 đến 5 đợt thi đua nâng cao chất lượng bồi dưỡng học sinh giỏi, thiết kế đồ dùng dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin trong cán bộ, giáo viên và công đoàn trường; phát động mỗi cán bộ, giáo viên có ít nhất từ một đến hai sáng kiến kinh nghiệm hiệu quả áp dụng trong giảng dạy. Đồng thời, triển khai các biện pháp nhằm thực hiện nghiêm túc quy chế chuyên môn, dạy kiến thức cơ bản và phương pháp học tập hiệu quả ở từng bộ môn; thường xuyên tổ chức dự giờ, thanh tra chuyên môn, tổ chức sinh hoạt tổ, nhóm…, góp phần nâng cao chất lượng giờ lên lớp. Nhờ thực hiện phong trào “Hai tốt” có hiệu quả, nhiều năm liền nhà trường giữ vững danh hiệu Trường tiên tiến xuất sắc của huyện và tỉnh. Trong dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11) năm nay, ngành GD và ĐT tiếp tục phát động đợt thi đua “Dạy tốt - Học tốt”. Cùng với phong trào thi đua “Dạy tốt” của giáo viên, học sinh các nhà trường cũng hăng hái thi đua “Học tốt”, phấn đấu đạt kết quả cao trong học tập và rèn luyện đạo đức. Nhiều cuộc thi chọn học sinh giỏi các lĩnh vực VHVN, TDTT, giải toán trên máy tính… được tổ chức thường xuyên đã tạo động lực thi đua cho học sinh. Trong 5 năm gần đây, cán bộ, giáo viên toàn ngành đã có 16.790 sáng kiến dự thi các cấp, trong đó có 612 sáng kiến được Sở GD và ĐT cấp giấy chứng nhận, 85 sáng kiến “Cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất” được Sở KH và CN cấp giấy chứng nhận, 15 sáng kiến được trao giải tại Hội thi sáng tạo tỉnh Nam Định. Trong năm học vừa qua, đã có hơn 6.000 thiết bị giáo dục tự làm của cán bộ, giáo viên tham gia ở các hội thi thiết bị giáo dục tự làm cấp huyện và các đơn vị trực thuộc Sở GD và ĐT.
Phong trào thi đua “Hai tốt” được tổ chức liên tục, sâu rộng đã thực sự mang đến những bông hoa dạy tốt, học tốt trong ngành GD và ĐT góp phần tô thắm truyền thống đất học Nam Định./.
Bài và ảnh: Thảo Linh