Cần thực hiện nghiêm quy định về khai báo khi xảy ra tai nạn lao động

09:11, 26/11/2013

Theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2012, tất cả các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các sự cố nghiêm trọng tại nơi làm việc đều phải được khai báo, điều tra, lập biên bản, thống kê và báo cáo theo định kỳ. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, một số doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm túc quy định về khai báo với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng khi xảy ra tai nạn lao động, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người lao động.

Sở LĐ-TB và XH tổ chức tập huấn nghiệp vụ xây dựng hệ thống quản lý ATVSLĐ trong doanh nghiệp.
Sở LĐ-TB và XH tổ chức tập huấn nghiệp vụ xây dựng hệ thống quản lý ATVSLĐ trong doanh nghiệp.

Theo số liệu tổng hợp của Sở LĐ-TB và XH, 6 tháng đầu năm 2013, toàn tỉnh xảy ra 67 vụ tai nạn lao động làm 1 người chết, 66 người bị thương, trong đó 1 người bị thương nặng. Thiệt hại do tai nạn lao động (chi phí về y tế, bồi thường, trợ cấp và trả lương cho người lao động trong thời gian điều trị) hơn 223 triệu đồng. Những trường hợp bị tai nạn lao động trên đều được hưởng chế độ bồi thường, trợ cấp theo quy định. Bên cạnh những doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện quy định về khai báo với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng khi xảy ra tai nạn lao động vẫn còn một số doanh nghiệp chưa thực hiện tốt quy định này. Chị Nguyễn Thị Kim Phượng, ở xã Yên Tân (Ý Yên), là công nhân may công nghiệp ở Cty Y tại Thành phố Nam Định cho biết: Cách đây 5 tháng, do sơ ý, tôi bị kim máy may xiên vào ngón tay, phải vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh làm tiểu phẫu để lấy phần mũi kim bị gãy ra. Tôi may mắn chỉ bị phần mềm, chứ có chị làm ở bộ phận dập khuy áo còn bị mất cả đốt ngón tay, cả Cty có đến hơn 50 người bị thương ở tay. Dù bị đau nhưng tôi chỉ được nghỉ một ngày và cũng không có bất kỳ chế độ gì. Trên thực tế, phần lớn người lao động khi bị tai nạn lao động nhẹ thường tự đến cơ sở y tế điều trị hoặc người sử dụng lao động cấp thuốc và bồi dưỡng thêm cho người lao động. Những trường hợp như chị Phượng ở hầu hết các doanh nghiệp, nhất là cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ đều không lập biên bản khi xảy ra tai nạn lao động. Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi chính đáng của người lao động. Theo quy định tại Điều 144, Bộ luật Lao động năm 2012 khi người lao động bị tai nạn lao động, người sử dụng lao động phải đồng chi trả chi phí bảo hiểm và những chi phí không nằm trong danh mục do BHYT chi trả đối với người lao động không tham gia BHYT và thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với người lao động không tham gia BHYT; trả đủ tiền lương theo hợp đồng cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị; bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tùy theo mức độ suy giảm khả năng lao động. Để né tránh trách nhiệm bồi thường, trợ cấp đối với người lao động bị tai nạn lao động và sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng, một số người sử dụng lao động đã cố tình “quên” lập biên bản các trường hợp xảy ra tai nạn lao động. Điều 13, Nghị định số 45/2013/NĐ-CP ngày 10-5-2013 của Chính phủ quy định rõ, người sử dụng lao động có trách nhiệm khai báo ngay với Thanh tra Sở LĐ-TB và XH, cơ quan Công an cấp huyện nơi xảy ra tai nạn lao động chết người, tai nạn lao động nặng làm bị thương từ 2 người trở lên và sự cố nghiêm trọng. Người sử dụng lao động có trách nhiệm điều tra tai nạn lao động nhẹ; phải mở sổ thống kê, định kỳ 6 tháng, hằng năm báo cáo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về lao động.

Nhằm tăng cường công tác ATVSLĐ, giảm thiểu tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, đảm bảo các quyền lợi chính đáng của người lao động, từ đầu năm đến nay, tỉnh đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành thanh tra, kiểm tra toàn diện công tác bảo đảm ATVSLĐ tại nhiều đơn vị, doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Qua đó đã phát hiện, chỉ rõ những khuyết điểm, đồng thời nhắc nhở, hướng dẫn các doanh nghiệp khắc phục kịp thời các hạn chế, sơ suất, đảm bảo an toàn sản xuất. Thời gian tới, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền về ATVSLĐ, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác này, ngành LĐ-TB và XH tiếp tục tăng cường tuyên truyền để người lao động, người sử dụng lao động hiểu rõ quyền và trách nhiệm của mình trong công tác ATVSLĐ cũng như thực hiện nghiêm túc quy định về khai báo với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng khi xảy ra tai nạn lao động; thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đối với người bị tai nạn lao động./.

Bài và ảnh: Minh Tân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com