Xây dựng mối quan hệ hài hòa trong các doanh nghiệp

07:10, 17/10/2013

Những năm qua, việc xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp được LĐLĐ tỉnh xác định là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài góp phần đảm bảo cho các doanh nghiệp phát triển bền vững, đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương và đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, tạo việc làm, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động.

Quán triệt Chỉ thị 22-CT/TW ngày 5-6-2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Kế hoạch số 1233/KH-TLĐ ngày 17-7-2008 của Tổng LĐLĐ Việt Nam về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã xây dựng kế hoạch, triển khai đến LĐLĐ các huyện, thành phố, công đoàn ngành và các công đoàn cơ sở trực thuộc. Việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 22 được gắn với kế hoạch học tập Nghị quyết 20-NQ/TW về xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ CNH-HĐH đất nước; lồng ghép với việc thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, củng cố xây dựng tổ chức công đoàn cơ sở vững mạnh... Theo đó, các cấp công đoàn trong tỉnh đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện đầy đủ các chuyên đề đến 100% cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ. Một số địa phương, công đoàn đã chủ động phối hợp với chính quyền đồng cấp tổ chức tuyên truyền, quán triệt Chỉ thị 22 tới các phòng, ban liên quan, giám đốc, chủ tịch công đoàn các doanh nghiệp và người lao động trên địa bàn; lồng ghép tuyên truyền, phổ biến pháp luật vào các hội nghị tập huấn chuyên đề về các kỹ năng đàm phán, thương lượng tập thể, đối thoại xã hội, giải quyết tranh chấp lao động ở các cấp công đoàn. Bên cạnh đó, LĐLĐ tỉnh tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng chủ động tham gia xây dựng, hoàn thiện các văn bản về chính sách kinh tế - xã hội của địa phương; tham gia nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động, Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Công đoàn và các văn bản pháp luật hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách có liên quan đến quyền lợi người lao động như: việc thực hiện quy chế dân chủ ở nơi làm việc, xây dựng nội quy lao động, thang bảng lương, quy chế trả lương, thưởng; các quy định về ATVSLĐ, phòng, chống cháy nổ... theo quy định của pháp luật và phù hợp với điều kiện thực tế của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp với mục tiêu hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người lao động. Trên cơ sở đó, các công đoàn cơ sở tích cực tham gia với chuyên môn thực hiện công khai, minh bạch những quy chế, quy định nội bộ có liên quan đến hoạt động của đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp, tạo điều kiện cho cán bộ, công nhân lao động đóng góp ý kiến xây dựng các nội quy, quy chế. Đặc biệt, hầu hết các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn khi xây dựng nội quy lao động, thang bảng lương, quy chế trả lương, thưởng, các quy định về ATVSLĐ và phòng, chống cháy, nổ đã tham khảo ý kiến của ban chấp hành công đoàn cơ sở trước khi đăng ký với cơ quan Nhà nước và tổ chức triển khai thực hiện. Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh và các cấp công đoàn trong tỉnh thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát các đơn vị trong việc thực hiện các chế độ theo quy định của pháp luật liên quan đến người lao động. Từ năm 2008 đến nay, các cấp công đoàn tỉnh đã phối hợp kiểm tra, giám sát 465 đơn vị, tự kiểm tra 64 đơn vị; riêng LĐLĐ tỉnh mỗi năm tổ chức kiểm tra 10-15 doanh nghiệp và phối hợp với các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra từ 25 đến 30 doanh nghiệp; phối hợp kiểm tra công tác ATVSLĐ tại 432 đơn vị, tự kiểm tra 272 đơn vị; kiểm tra 5.730 cuộc về việc thực hiện Điều lệ, Nghị quyết công đoàn, công tác quản lý tài chính, tài sản. Do vậy quyền lợi của người lao động được bảo đảm theo đúng quy định của Nhà nước, đời sống vật chất, tinh thần của người lao động được cải thiện. Đến nay, đã có 243 doanh nghiệp có quy chế dân chủ cơ sở và nội quy, quy chế doanh nghiệp; chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2013 đã có 227/321 doanh nghiệp (chiếm 70,7%) tổ chức hội nghị người lao động thường niên; 225 doanh nghiệp ký thỏa ước lao động tập thể. Tình hình cải thiện tiền lương, thu nhập, điều kiện làm việc của người lao động được các doanh nghiệp quan tâm thực hiện và có sự điều chỉnh kịp thời khi Nhà nước thay đổi mức lương tối thiểu; đồng thời doanh nghiệp cũng xây dựng mức khen thưởng phù hợp để động viên người lao động. Thời gian qua, LĐLĐ huyện Mỹ Lộc đã tập trung giám sát chặt chẽ việc ký kết hợp đồng lao động giữa chủ doanh nghiệp và người lao động tại doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Đến nay trong tổng số 1.288 lao động được ký kết hợp đồng có 883 công nhân lao động ký kết hợp đồng lao động từ tháng 12 trở lên (đạt 100%) được đóng BHXH, BHYT, BHTN theo quy định của pháp luật. Tại Cty Thời trang thể thao chuyên nghiệp Giao Thủy cũng tổ chức hội nghị người lao động, tổ chức các phong trào văn hóa, văn nghệ TDTT, phong trào thi đua có thưởng cho người lao động; ký kết hợp đồng lao động, đóng các loại bảo hiểm, làm tốt công tác bảo hộ lao động, công tác chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động... Nhờ vậy, những năm qua, Cty không xảy ra tình trạng đình công, tranh chấp lao động tạo môi trường làm việc hài hòa giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất ổn định và tiếp tục phát triển. Các doanh nghiệp trong các KCN của tỉnh cũng đã chú trọng đến bữa ăn ca của công nhân với mức hỗ trợ từ 60 đến 100% tiền ăn; bữa ăn ca đảm bảo ATVSTP, đủ chất dinh dưỡng; tham gia đóng nộp BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động với tỷ lệ bình quân là 87%; tích cực cải thiện điều kiện làm việc với hệ thống chống ồn, thông gió, làm mát, hút bụi và đầu tư trồng cây xanh tạo cảnh quan, môi trường làm việc sạch đẹp, thông thoáng nhằm đảm bảo sức khỏe cho người lao động... Do vậy, những năm gần đây, quan hệ lao động ở các doanh nghiệp khá ổn định, không phát sinh tranh chấp lao động, đình công.

Nhằm phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, LĐLĐ tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo LĐLĐ các huyện, thành phố tập trung đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị 22; các cấp công đoàn tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động theo hướng bám sát cơ sở, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho công nhân lao động, đặc biệt là người lao động ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; phối hợp với các cơ quan quản lý lao động và các phòng, ban chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện pháp luật liên quan đến người lao động trong các doanh nghiệp; kịp thời phát hiện, kiến nghị xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm pháp luật về BHXH; tăng cường đối thoại trực tiếp giữa chính quyền, cơ quan quản lý Nhà nước với người lao động và người sử dụng lao động nhằm kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh tại cơ sở, xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định, tiến bộ trong các doanh nghiệp, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động./.

Hoàng Dung
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com