"Về nhà hỏi trẻ"...

08:10, 04/10/2013

Một tuần đi công tác, chị Huệ phải gửi con cho bà ngoại. Vừa đến nhà bà ngoại đón con, chị Huệ nghe bà bảo: con gặp cô giáo hỏi xem thế nào, con bé bảo bị cô giáo đánh, mà đánh như thế thì ác quá. Chị Huệ ngạc nhiên: cháu bị đánh bao giờ hả mẹ. Lúc trước ngày nào đi học về con cũng hỏi chuyện, cháu đều bảo cô giáo không đánh mà. Bà kể, bà nghe mấy người hàng xóm truyền "kinh nghiệm": nếu hỏi thẳng thì chúng không nói đâu, vì cô giáo đã dặn rồi. Bà mang búp bê ra, cùng cháu chơi trò đi học, bà và cháu đóng vai cô giáo, búp bê thì mỗi con đóng vai một bạn. Cách làm quả thật hiệu quả. Cháu "tường thuật" lại hết những chuyện ở trên lớp. Từ chuyện cô giáo dạy học, rồi cô mắng, bạn nào nghịch trò gì. Bà sững sờ với những câu mắng: thằng điên này, nghịch thế à; ăn gì mà ngu thế không biết... Bất ngờ nhất là khi cháu bị cô giáo phạt vì tội mải chơi, tè dầm ướt hết cả đồ chơi. Cô cầm thước bắt con ngồi đặt chân lên bàn để cô đánh vào gan bàn chân. Bà vội dừng chơi hỏi cháu: bạn nào bị cô đánh như thế? Cháu bảo ai hư nhiều cũng bị phạt như thế(!?) Thế con có hư bị phạt như thế không? Thấy cháu ngập ngừng, e dè, bà phải thí: bà không mách với mẹ đâu. Một lúc sau con mới gật đầu rồi kể vô số lần bị cô đánh vì mắc lỗi, rồi dặn bà, cô giáo bảo không được mách bố mẹ, nếu không cô không cho đến lớp.

Hết sức lo lắng, chị Huệ mang câu chuyện đến kể với chị em cơ quan. Thì ra nhiều người cũng rơi vào tình trạng như chị. Một chị kể: đón con ở trường mầm non về, cứ cầm đến tay là con kêu đau, nhìn thì không thấy vết bầm tím. Hỏi mãi con bảo cô giáo đánh, nhưng cô dặn không được nói vì đấy là lỗi tại con hư, nếu nói cô sẽ phạt đau hơn. Cô đánh bằng cái thước "không to như thước của mẹ nhưng mà đau lắm". Cũng nhiều người đã phải áp dụng "mẹo" như của mẹ chị Huệ để biết ở lớp con được chăm sóc như thế nào. Đáng ngại nhất là chuyện con bị dồn ép chuyện đi vệ sinh theo giờ, hạn chế đi "tè", đi đại tiện thì "được rèn luyện" không đi ở lớp, "để dành" về nhà (?!). Khát nước con cũng không dám uống nhiều... Chị Khanh cùng phòng kể, sau nhiều lần nghe con nói, chị đã dè dặt nói chuyện với cô giáo nhưng chị nhận được sự tiếp thu "chừng mực" kiểu: em sẽ lưu ý lúc các cháu chơi, còn chuyện cô đánh các cháu thì ban giám hiệu nhắc rất nghiêm và kiên quyết lắm, không có đâu chị ạ. Chị Khanh bảo: vừa thương con, vừa lo nhất là con nhiễm tính nói dối và đối phó với người lớn. Trẻ con như tờ giấy trắng, người lớn "viết" gì lên đó cũng đều ghi dấu ấn sâu sắc. Chị không phản ứng gay gắt chuyện cô giáo nghiêm khắc bằng "roi vọt" khi cần thiết trong quản lý, giáo dục trẻ, nhất là với những trường hợp trẻ đa tính cách, hiếu động; nhưng chị rất bất bình với kiểu "đánh kín đáo" để phụ huynh không phát hiện được, đó là cách rất phản giáo dục. Đáng chú ý là nhiều trường hợp xảy ra các trường hợp trẻ bị đánh ở lớp mầm non, khi gia đình biết và hỏi, nhiều giáo viên thường đổ cho trẻ nói dối, bịa chuyện...

Người xưa có câu "đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ", vì trẻ con như búp trên cành, ngây thơ, trong trắng và không biết nói dối. Những trường hợp đe nẹt, hăm dọa trẻ để che giấu các việc làm đó dù có thể ngăn được trẻ "làm lộ" ra lúc này, nhưng sẽ không thể giấu được mãi. Vẫn biết tình trạng quá tải sĩ số ở một số trường mầm non khiến áp lực công việc khá căng thẳng đối với các giáo viên mầm non, có lúc không giữ được bình tĩnh. Tuy nhiên, nếu thực sự yêu trẻ như con mình các cô sẽ có được nghị lực và sức mạnh để vượt qua áp lực công việc, để mọi trẻ em "khi đến trường, cô giáo như mẹ hiền"./.

Vân Anh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com