Vẫn chuyện lạm thu trong trường học

08:10, 18/10/2013

Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ GD và ĐT, UBND tỉnh, mặc dù Sở GD và ĐT đã chỉ đạo các nhà trường và cơ sở giáo dục thực hiện công khai các khoản thu, sử dụng các khoản thu đúng nguyên tắc quản lý ngân sách và các quy định hiện hành của Nhà nước, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch chi bảo đảm dân chủ, công khai, không để xảy ra tình trạng lạm thu nhưng bước vào năm học mới 2013-2014, vẫn có không ít trường học, cơ sở giáo dục chưa thực hiện minh bạch trong công tác tài chính. Tình trạng lạm thu trong các trường học vẫn diễn ra dưới nhiều hình thức, gây búc xúc trong dư luận xã hội.

Học sinh Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (TP Nam Định) trong giờ học môn Toán.
Học sinh Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (TP Nam Định) trong giờ học môn Toán.

Trong buổi họp phụ huynh học sinh đầu năm học, trường THCS A (TP Nam Định) thông báo kế hoạch thu bắt buộc đối với học sinh gồm các khoản: học phí, phí coi xe, điện, nước, bảo vệ (thu 9 tháng) và tiền bảo hiểm y tế. Đối với một số khoản thu tự nguyện như: quỹ hội trường, quỹ hội lớp, xã hội hóa giáo dục (ủng hộ nhà trường xây dựng cơ sở vật chất) với tổng số tiền 680 nghìn đồng thu theo thỏa thuận. Ngoài ra, còn một số khoản thu khuyến khích, như quỹ khuyến học của trường, của lớp. Đối với các khoản thu bắt buộc, nhiều phụ huynh cho rằng, việc thu luôn 9 tháng là không hợp lý, bởi đầu năm học ngoài khoản thu này, gia đình học sinh phải lo nhiều khoản thu khác như: tiền đồng phục, sách vở, dụng cụ học tập… trong khi nhiều gia đình hoàn cảnh kinh tế còn khó khăn. Chưa kể, việc phải “tự nguyện” đóng góp khoản tiền xây dựng cơ sở vật chất cho nhà trường dưới hình thức xã hội hóa đã khiến nhiều phụ huynh không khỏi thắc mắc, bởi hiện nay, HĐND thành phố đã quyết định bỏ khoản thu tiền đóng góp xây dựng cơ sở vật chất cho các nhà trường (tiền xây dựng), thì việc năm nào phụ huynh cũng phải đóng góp một khoản tiền không nhỏ để xây dựng cơ sở vật chất nhà trường, số tiền ấy sẽ được nhà trường quản lý và sử dụng ra sao(?!) Ngoài các khoản thu bắt buộc theo quy định của ngành và nhà trường còn có một số khoản thu được giáo viên thông báo đến phụ huynh là khuyến khích tự nguyện song không ai dám nói “không” vì e ngại hệ luỵ với con mình. Chẳng hạn như đóng góp quỹ lớp (từ 200-500 nghìn đồng/học sinh/học kỳ) và quỹ trường (180 nghìn đồng/học sinh/học kỳ) - nếu tính tổng số tiền đóng góp của tất cả học sinh trong trường thì đây là khoản tiền không nhỏ(!). Vậy khoản tiền này sẽ được nhà trường sử dụng như thế nào, ngoài việc trích một phần ra mua phần thưởng cho học sinh và giáo viên cuối học kỳ?

Qua tìm hiểu một số trường học trên địa bàn Thành phố Nam Định, từ bậc tiểu học đến THPT đều có chung các khoản thu như trên, với mức tiền chênh lệch nhau không nhiều. Một số trường tiểu học còn có thêm các khoản thu lắp đặt điều hòa, mua sắm ti vi, máy chiếu… (đây là khoản thu từ xã hội hóa tùy theo điều kiện từng lớp). Theo lý giải của ban giám hiệu trường tiểu học T, đây là khoản thu hoàn toàn trên cơ sở tự nguyện của phụ huynh học sinh trong lớp. Tuy nhiên, để trang bị máy điều hòa, ti vi, máy chiếu hay trang trí lớp học… cũng tốn một khoản tiền không nhỏ, trong khi đó, không phải gia đình nào cũng có điều kiện đóng góp, nhưng vì sợ con mình sẽ bị giáo viên “chú ý” nên hầu hết phụ huynh đều “tự nguyện” nộp tiền mua sắm trang thiết bị cho lớp học. Một phụ huynh cho biết, cách đây 2 năm, khi con lớn vào lớp 1, tất cả phụ huynh học sinh của lớp đã phải đóng góp một khoản tiền không nhỏ để mua sắm ti vi, điều hòa trang bị cho lớp học, nhưng khi con chị lên lớp 2 thì lớp đó lại không trang bị điều hòa vì giáo viên chủ nhiệm không có chủ trương này. Năm nay, con thứ 2 của chị vào lớp 1, học đúng phòng cháu lớn đã học nhưng chị vẫn phải đóng góp tiền mua sắm cơ sở vật chất cho lớp học, trong đó có khoản phí mua sắm điều hòa? Không hiểu chiếc điều hòa được lắp đặt 2 năm trước đó đã được quản lý và sử dụng ra sao (?!) Hơn nữa, trong cùng một trường, có lớp phải đóng góp nhiều khoản tiền để trang bị cho lớp học, đã tạo nên sự bất bình đẳng giữa các lớp, tạo tâm lý không tốt cho học sinh, nhất là đối với học sinh tiểu học. Một vấn đề cũng đang gây bức xúc cho phụ huynh học sinh, đó là việc lạm thu từ phong trào “Xây dựng lớp học kiểu mới” ở bậc tiểu học do phụ huynh đảm nhiệm dưới sự hướng dẫn của giáo viên và nhà trường. Mặc dù mô hình lớp học này đã nhận được sự đồng thuận cao từ phía phụ huynh do không chỉ đáp ứng tốt yêu cầu giáo dục hiện nay với mục tiêu hỗ trợ tích cực việc đổi mới phương pháp giảng dạy và học, phát huy sự sáng tạo của giáo viên và học sinh nhằm tạo ra không gian và môi trường học tập thân thiện trong lớp học, tạo điều kiện thuận lợi giúp học sinh chủ động thu nhận và tiếp cận các kiến thức ngoài giờ học; thế nhưng, ở một số trường, lớp, nhà trường hoặc giáo viên chủ nhiệm đã lạm dụng việc này để huy động sự đóng góp của phụ huynh thu các khoản ngoài danh mục để mua ti vi, máy tính, máy chiếu, sơn tường… với số tiền không nhỏ, nhất là những trường ở nông thôn điều kiện kinh tế của người dân còn khó khăn. Vẫn biết việc mua sắm các thiết bị này sẽ phục vụ trực tiếp cho giáo viên và học sinh trên lớp, nhưng vào đầu năm học với nhiều khoản đóng góp thì việc đóng góp kinh phí “Xây dựng lớp học kiểu mới” cần làm theo lộ trình, tránh ảnh hưởng không tốt đến tâm lý phụ huynh và ảnh hưởng đến phong trào đang được đánh giá là góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các trường tiểu học.

Các khoản thu dưới danh nghĩa “xã hội hóa giáo dục” hoặc thu theo hình thức “tự nguyện” sẽ còn gây băn khoăn cho phụ huynh nếu không có sự chỉ đạo sâu sát của các cấp, các ngành. Thực tế cho thấy, hầu hết người dân đều đồng tình, ủng hộ các nhà trường trong việc cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn, ngân sách Nhà nước cấp cho các nhà trường hạn hẹp. Những năm qua, thực hiện chủ trương xã hội hoá giáo dục, các cơ sở giáo dục công lập của tỉnh cũng đã nhận được sự quan tâm, đóng góp của nhiều tổ chức, cá nhân, nhất là phụ huynh học sinh, góp phần nâng cấp cơ sở vật chất, hỗ trợ tổ chức các hoạt động của nhà trường, nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc học sinh trong nhà trường được tốt hơn. Tuy nhiên, khi huy động sự đóng góp của phụ huynh, số tiền thu được phải được công khai, minh bạch và nên phân chia thời gian huy động đóng góp phù hợp. Cần tránh huy động sự đóng góp để mua sắm những thiết bị chưa thật cần thiết như máy chiếu, ti vi, điều hòa… nhất là ở những địa phương đời sống người dân còn nhiều khó khăn./.

Bài và ảnh: Thảo Linh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com