Thực hiện Thông tư liên tịch số 02/2008/TTLT-BTP-TWHCCBVN ngày 9-6-2008 của Bộ Tư pháp và Trung ương Hội CCB Việt Nam về việc “Hướng dẫn phối hợp xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) và trợ giúp pháp lý (TGPL) đối với CCB”, những năm qua, Sở Tư pháp và Hội CCB tỉnh đã xây dựng kế hoạch phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, PBGDPL, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, hội viên CCB.
Hằng năm, Sở Tư pháp và Hội CCB tỉnh xây dựng kế hoạch PBGDPL phù hợp với tình hình, nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị, đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan Tư pháp và Hội CCB các huyện, thành phố căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương và nhu cầu PBGDPL của CCB, cựu quân nhân (CQN) tiến hành xây dựng, triển khai kế hoạch PBGDPL cho cán bộ, hội viên. Cơ quan Tư pháp và Hội CCB các cấp thường xuyên đổi mới cách thức tuyên truyền, PBGDPL phù hợp với đặc điểm đối tượng, địa bàn để đưa pháp luật đến với cán bộ, hội viên CCB như: thông qua việc tổ chức lớp phổ biến pháp luật hay các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, các lớp tập huấn, sinh hoạt chi hội và một số hoạt động khác. Trong các cuộc hội nghị, hội thảo, tọa đàm… của các cấp Hội CCB đều lồng ghép những nội dung liên quan đến pháp luật để CCB được thảo luận, trao đổi, đối thoại và được giải đáp những thắc mắc liên quan đến pháp luật do CCB yêu cầu. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, PBGDPL, Sở Tư pháp đã phối hợp với Hội CCB tỉnh tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng tuyên truyền PBGDPL cho đội ngũ cán bộ chuyên trách Hội CCB tỉnh, huyện, thành phố và báo cáo viên của Hội CCB tỉnh. Nội dung phổ biến tập trung vào các văn bản, chính sách pháp luật mới, những văn bản liên quan đến chính sách, quyền lợi của cán bộ, hội viên CCB, giúp cho đội ngũ cán bộ, hội viên CCB nâng cao kiến thức, hiểu biết pháp luật, cũng như kỹ năng PBGDPL và cập nhật thông tin chính sách pháp luật. Phòng Tư pháp phối hợp với Hội CCB các huyện, thành phố tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho CCB, CQN thông qua các buổi sinh hoạt của các chi hội, CLB CQN. Đặc biệt, cơ quan Tư pháp và Hội CCB đã chú trọng xây dựng mô hình CLB “CCB với pháp luật”, bố trí hội viên CCB, CQN tham gia các tổ hòa giải ở cơ sở. Đến nay, tại 3.773 tổ hòa giải trong tỉnh đều có hội viên CCB tham gia, với 3.309 hoà giải viên, chiếm 14,5% tổng số hoà giải viên trong tỉnh. Cùng với mô hình CLB “CCB với pháp luật”, nhiều hình thức PBGDPL mới đã được triển khai như: tổ chức cho gia đình hội viên CCB ký cam kết không vi phạm pháp luật; tổ chức điều tra, thăm dò dư luận xã hội đối với cán bộ, hội viên CCB, CQN nhằm nắm bắt nhu cầu tìm hiểu về pháp luật để từ đó xác định nội dung, biện pháp tuyên truyền phù hợp; thông qua các đợt lấy ý kiến cán bộ, hội viên CCB, CQN về nội dung các dự án luật, dự án các văn bản quy phạm pháp luật… cũng tạo thuận lợi cho CCB, CQN có điều kiện tiếp cận các kiến thức pháp luật ngay từ giai đoạn soạn thảo. Từ năm 2008 đến nay, ngành Tư pháp và Hội CCB các cấp trong tỉnh đã tổ chức hơn 2.000 buổi tuyên truyền pháp luật cho trên 100 nghìn lượt hội viên CCB.
Cùng với tuyên truyền PBGDPL, hoạt động TGPL cũng được ngành Tư pháp và Hội CCB các cấp trong tỉnh phối hợp thực hiện nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của CCB theo quy định của pháp luật. Các cấp Hội đã làm tốt công tác tuyên truyền cho cán bộ và hội viên CCB về vai trò, vị trí, ý nghĩa của công tác TGPL. Hội CCB các cấp đã chủ động thực hiện và tích cực phối hợp với các cơ quan Tư pháp cùng cấp, Trung tâm và Chi nhánh TGPL Nhà nước ở địa phương xây dựng kế hoạch phối hợp thực hiện công tác TGPL đối với CCB, CQN thông qua các đợt TGPL lưu động và sinh hoạt CLB TGPL ở địa phương. Trong đó, nội dung TGPL cho CCB, CQN tập trung vào các lĩnh vực liên quan đến pháp luật thiết thực, phù hợp với nhiệm vụ chính trị, đặc điểm từng địa phương như: thực hiện các chế độ, chính sách đối với người có công; quy định quản lý và giải quyết tranh chấp về đất đai và các việc về tranh chấp dân sự khác, khiếu nại - tố cáo, hôn nhân và gia đình... Qua đó, giúp cán bộ, hội viên Hội CCB, CQN tự giải quyết những vướng mắc trong cuộc sống; hiểu rõ và thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ khi tham gia khiếu nại, tố cáo; giải tỏa những bức xúc và nhiều vụ việc, mâu thuẫn trong nội bộ gia đình, nội bộ nhân dân, trong tổ chức Hội và địa bàn dân cư; hạn chế những vụ việc dẫn đến khiếu kiện đông người, vượt cấp ở địa phương. Hoạt động TGPL cũng giúp CCB, CQN hiểu rõ và thực hiện nghiêm chỉnh các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Điều lệ Hội có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của CCB, CQN, từ đó bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Từ năm 2009 đến nay, Hội CCB các huyện, thành phố đã phối hợp với Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh thực hiện hàng trăm cuộc TGPL lưu động tại cơ sở và cung cấp thông tin pháp luật cho 22.712 người, TGPL miễn phí trực tiếp được 2.304 vụ việc cho các đối tượng là CCB, CQN.
Để nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác tuyên truyền, PBGDPL và TGPL cho CCB, CQN, thời gian tới, Sở Tư pháp và Hội CCB tỉnh tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên CCB, CQN về tầm quan trọng và vai trò của công tác PBGDPL, TGPL. Nâng cao trách nhiệm cho cán bộ CCB và cán bộ Tư pháp trong công tác PBGDPL, TGPL cho CCB, CQN. Tăng cường đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, cộng tác viên TGPL, đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ báo cáo viên pháp luật thuộc tổ chức Hội CCB. Phát huy đồng bộ các biện pháp, hình thức PBGDPL cho CCB, CQN. Đối với hoạt động TGPL, tăng cường việc khảo sát nhu cầu tìm hiểu pháp luật của hội viên CCB, CQN để đẩy mạnh công tác TGPL và tư vấn pháp luật./.
Trần Văn Trọng