Tổ chức hoạt động ngoài giờ lên lớp, góp phần rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh

08:10, 21/10/2013

Trong các trường phổ thông, hoạt động ngoài giờ lên lớp có vai trò quan trọng, giúp học sinh nâng cao hiểu biết về lĩnh vực của đời sống xã hội, tích lũy thêm kinh nghiệm giao tiếp và hoạt động tập thể, đồng thời góp phần giáo dục đạo đức, phát triển năng lực, bồi dưỡng năng khiếu, phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động của học sinh, giúp học sinh phát triển toàn diện.

Hướng dẫn học sinh chọn những cuốn sách phù hợp với lứa tuổi nhằm giáo dục lòng đam mê đọc sách cho các em (Trong ảnh: Học sinh Trường Tiểu học Trực Thành, Trực Ninh đọc sách trong Thư viện trường).
Hướng dẫn học sinh chọn những cuốn sách phù hợp với lứa tuổi nhằm giáo dục lòng đam mê đọc sách cho các em (Trong ảnh: Học sinh Trường Tiểu học Trực Thành, Trực Ninh đọc sách trong Thư viện trường).

Trường THCS Trần Đăng Ninh là trường trọng điểm chất lượng cao của Thành phố Nam Định và của tỉnh. Trong quá trình giáo dục, cùng với đề cao công tác tuyển chọn, phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, nhà trường thường xuyên quan tâm tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp để rèn luyện các kỹ năng giúp học sinh phát triển toàn diện nhân cách, đạo đức, lối sống... Ngoài những hoạt động có tính định kỳ theo quy định, hằng năm nhà trường còn tổ chức một số hoạt động gắn việc học tập với những hoạt động chính trị cụ thể của địa phương, đất nước như: Sinh hoạt của CLB văn hóa với sự tham gia của các lớp khối chọn Văn; dạ hội ngoại ngữ với sự đóng góp của học sinh các lớp chọn tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga; chuyên đề “Hướng về biển đảo thân yêu” gây quỹ góp đá xây dựng Trường Sa nhân Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22-12) nhằm khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước trong học sinh… Đặc biệt, vào dịp Tết cổ truyền dân tộc, nhà trường tổ chức hội chợ “Sáng tạo cùng mùa xuân” để học sinh được thể hiện các kỹ năng, khéo tay làm đồ dùng, đồ chơi từ các nguyên liệu phế thải để bày bán trong trường gây quỹ Đội. Qua hội chợ, đã rèn kỹ năng tổ chức sự kiện, làm việc theo nhóm, tính tập thể và các năng khiếu của học sinh… Các hoạt động ngoài giờ lên lớp trong các nhà trường từ nhiều năm qua đã được ngành GD và ĐT tích cực triển khai thực hiện giúp học sinh tăng cường hoà nhập với các bạn trong trường, trong lớp, bồi dưỡng nhân cách, đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh, tạo sức thu hút học sinh đến trường, giảm tỷ lệ học sinh hư, học sinh bỏ học. Nhiều trường sáng tạo các hình thức tổ chức hoạt động ngoài giờ lên lớp hấp dẫn, phù hợp với điều kiện của trường và học sinh. Các hoạt động sinh hoạt văn hoá văn nghệ, vui chơi giải trí, TDTT, tham gia công tác từ thiện, gây quỹ, tham gia các CLB, đóng góp ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, làm vệ sinh môi trường, tham quan các làng quê, các di tích lịch sử, văn hóa… giúp học sinh bổ sung kiến thức xã hội, có tinh thần trách nhiệm với cộng đồng; khuyến khích học sinh tiếp cận khoa học, sưu tầm những bài toán vui, tham gia các cuộc thi tìm hiểu khoa học, tìm hiểu các danh nhân, các nhà khoa học phục vụ việc học tập tốt hơn... Đặc biệt, từ khi ngành GD và ĐT phát động phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, các nhà trường đã chú trọng tổ chức các hoạt động rèn luyện kỹ năng sống, hoạt động tập thể cho học sinh. Vào dịp khai giảng năm học mới, các trường còn lồng ghép tổ chức các trò chơi dân gian, hát dân ca, tổ chức “lễ tri ân và trưởng thành” cho học sinh cuối cấp, đồng thời rèn luyện đạo đức, kỹ năng ứng xử chuẩn bị việc học tập, lao động ở giai đoạn tiếp theo cho học sinh... Các sự kiện, hoạt động như: Đại hội “Cháu ngoan Bác Hồ”, “Liên hoan đàn và hát dân ca”, “Liên hoan các trò chơi dân gian”, “Tiếng hát hoa phượng hồng”… thu hút nhiều học sinh tham gia; qua đó biểu dương, phát hiện những điển hình, năng khiếu của học sinh để bồi dưỡng phát triển. Hiện, các trường trong tỉnh đều thành lập đội văn nghệ của học sinh, 100% số trường đã đưa trò chơi dân gian vào trường học và tổ chức thường xuyên các hoạt động tập thể cho học sinh, sưu tầm các bài đồng dao, câu đố, trò chơi dân gian, tổ chức các cuộc thi văn nghệ, TDTT, sáng tác thơ ca. Tiêu biểu như các trường: THCS Nam Hồng, Nghĩa Minh, Tiểu học Nam Toàn (Nam Trực)… Đặc biệt nhiều nhà trường đã xây dựng mô hình lớp học chủ động, tích cực, sạch sẽ, ngăn nắp; giáo dục trẻ khuyết tật, trẻ chậm phát triển trí tuệ trong trường tiểu học thông qua hoạt động nhóm và Sao Nhi đồng giáo dục về bảo vệ, xây dựng trường lớp xanh, sạch, đẹp và an toàn. Việc tổ chức cho học sinh tham gia tìm hiểu, chăm sóc và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hoá, cách mạng ở địa phương cũng được ngành quan tâm thực hiện. Toàn ngành đã đảm nhận chăm sóc 490 di tích lịch sử, văn hóa, nghĩa trang liệt sĩ, đền thờ, đài tưởng niệm và 68 gia đình thương binh, liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Thông qua hoạt động này, giúp học sinh hiểu biết và trân trọng những giá trị lịch sử, hun đúc lòng tự hào dân tộc rèn luyện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Từ năm học 2012-2013, thực hiện đổi mới giáo dục ở bậc tiểu học, ngành GD và ĐT chủ trương giảm dần giờ học trong lớp, tăng cường các hoạt động ngoài lớp học để tạo ra các tiết học sinh động, gắn liền với thực tế nhằm tăng cường kỹ năng ứng xử trong cuộc sống cho học sinh. Ngoài ra, ngành GD và ĐT còn khuyến khích phụ huynh cùng tham gia các hoạt động ngoài giờ với học sinh, động viên phụ huynh phối hợp trong hoạt động giáo dục của nhà trường góp phần bảo đảm hiệu quả giáo dục toàn diện./.

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com