Tìm mô hình hoạt động phù hợp cho cộng tác viên dân số

07:10, 05/10/2013

Cán bộ chuyên trách, cộng tác viên (CTV) dân số là lực lượng phổ biến, tuyên truyền, vận động trực tiếp đến người dân ở cơ sở các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác dân số. Tuy nhiên, ở tỉnh ta hiện nay, mô hình tổ chức hoạt động của lực lượng này chưa ổn định, đội ngũ cán bộ dân số cấp xã chưa được tuyển thành viên chức. Năm 2013, kinh phí từ chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ cho cán bộ dân số chuyên trách cấp xã không có, vì vậy một số cán bộ không muốn tiếp tục làm việc đã xin nghỉ hoặc chuyển sang làm công tác khác. Đặc biệt, đối với đội ngũ CTV dân số, tại Nghị quyết số 14 ngày 7-12-2012, HĐND tỉnh đã quy định mỗi thôn, xóm, tổ dân phố có một CTV dân số, gia đình và trẻ em do chi hội trưởng Phụ nữ kiêm nhiệm. Hiện toàn tỉnh có 3.707 CTV dân số, trong đó có 1.891 người (51%) là nhân viên y tế thôn, đội kiêm nhiệm; 1.067 người (28,8%) là cán bộ Phụ nữ kiêm nhiệm; còn lại 749 người (20,2%) do cán bộ ngành khác kiêm nhiệm. Như vậy theo quy định cần phải thay mới 2.640 (chiếm 71,2%) CTV dân số. Năm 2013, để tập huấn cho đội ngũ CTV mới còn đòi hỏi phải có khoảng 1 tỷ đồng, nhưng hiện chưa có cấp nào bố trí nguồn kinh phí này. Ngoài những khó khăn trên, việc lồng ghép CTV dân số với chi hội trưởng Phụ nữ cũng có những bất cập trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của cán bộ dân số tuyến cơ sở.

Tại huyện Nam Trực, thời gian qua, mới chỉ có một số đơn vị thực hiện chuyển nhiệm vụ CTV dân số cho chi hội trưởng Phụ nữ kiêm nhiệm như: Thị trấn Nam Giang, các xã Bình Minh, Tân Thịnh, Nam Hồng; các xã còn lại đang chờ sự chỉ đạo của UBND huyện. Qua quá trình triển khai việc củng cố, kiện toàn đội ngũ CTV dân số cho thấy, các đơn vị trong huyện đang gặp nhiều khó khăn, bất cập. Trước hết là ở độ tuổi. Đa số chi hội trưởng Phụ nữ đều đã cao tuổi: chỉ có 6 người (1,5%) dưới 30 tuổi, 273 người (67,6%) từ 30-55 tuổi, còn lại 125 người (30,9%) trên 55 tuổi; người cao tuổi nhất đã 71 tuổi ở xã Bình Minh; tuổi cao, sức khỏe yếu gây khó khăn cho hoạt động vận động các đối tượng. Việc tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng về công tác dân số, SKSS, KHHGĐ và cập nhật thông tin biến động báo cáo chuyên ngành cũng gặp rất nhiều khó khăn. Một bất cập nữa là sự chênh lệch giữa số lượng CTV và chi hội trưởng Phụ nữ. Chi hội trưởng Phụ nữ phân theo đơn vị hành chính mỗi thôn, xóm; CTV dân số lại phân theo số hộ và nhân khẩu (150 hộ, tương đương 600 nhân khẩu). Vì vậy, chi hội trưởng Phụ nữ kiêm nhiệm rất khó khăn trong công tác quản lý địa bàn dân cư cũng như các hộ gia đình. Cụ thể như: Thị trấn Nam Giang hiện có 32 CTV tương ứng với 32 địa bàn dân cư, trong khi đó chỉ có 17 chi hội trưởng Phụ nữ tương ứng với 17 thôn, xóm, tổ dân phố. Xã Bình Minh trước khi bàn giao có 22 CTV dân số, 17 chi hội trưởng Phụ nữ. Xã Tân Thịnh có 21 CTV dân số, 29 chi hội trưởng Phụ nữ, khi chuyển đổi công tác có 8 chi hội trưởng Phụ nữ kiêm CTV dân số không có địa bàn dân cư để phụ trách… Về trình độ văn hóa, đa phần chi hội trưởng Phụ nữ có trình độ văn hóa, chuyên môn thấp: tiểu học có 10 người, chiếm 2,5%; THCS có 282 người, chiếm 69,8%; THPT có 112 người, chiếm 27,7%; sơ cấp có 19 người, chiếm 4,7%; trung cấp có 20 người, chiếm 5%; cao đẳng, đại học có 3 người chiếm 0,7%. Ngoài ra, chi hội trưởng Phụ nữ được bầu theo nhiệm kỳ. Vì vậy, theo nhiệm kỳ sẽ có sự thay đổi chi hội trưởng Phụ nữ dẫn đến CTV dân số cũng thay đổi theo, nên hằng năm phải tập huấn cho một số lượng lớn CTV dân số mới (khoảng 80%)… Tại huyện Trực Ninh, sau khi có Quyết định số 10 của UBND tỉnh và sự chỉ đạo của Sở Nội vụ, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn sắp xếp lại đội ngũ CTV theo đúng chỉ đạo của tỉnh. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay một số xã chưa kiện toàn được, vẫn còn giao cho cán bộ một số ngành khác kiêm nhiệm như ở Trung Đông, Phương Định, Trực Tuấn, Trực Thuận.

Những khó khăn trên của 2 huyện Nam Trực, Trực Ninh khi tiến hành thay đổi lực lượng CTV dân số cũng là khó khăn chung của cả 10 huyện, thành phố trong tỉnh. Thực tế này đang gây xáo trộn trong bộ máy tổ chức của ngành dân số, ảnh hưởng không nhỏ đến việc hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch và chất lượng, hiệu quả công tác dân số. Để ổn định bộ máy tổ chức dân số cơ sở, ngành dân số kiến nghị: việc chuyển đổi đội ngũ CTV dân số do chi hội trưởng Phụ nữ kiêm nhiệm thực hiện theo Nghị quyết của HĐND tỉnh nên vận dụng linh hoạt theo điều kiện cụ thể của từng đơn vị xã, phường, thị trấn, thôn, xóm, tổ dân phố. Nên chăng để nhân viên y tế thôn, đội kiêm CTV dân số vì chức năng, nhiệm vụ của y tế thôn, đội có nhiệm vụ tuyên truyền về dân số - KHHGĐ; trình độ văn hóa đều đạt 12/12; trình độ chuyên môn y, dược từ sơ cấp trở lên. Ngành dân số ở các cấp trên đều ghép về y tế, do đó cũng nên thực hiện cả ở tuyến xã để thuận tiện cho việc chỉ đạo và phối hợp với các đơn vị trong ngành. Công tác truyền thông, vị trí làm việc, sinh hoạt, hội họp của công tác dân số đều triển khai ở trạm y tế. Trong chiến lược quốc gia dân số - SKSS đã xác định tập trung cho nhiệm vụ nâng cao chất lượng dân số, đòi hỏi CTV dân số phải có kiến thức về y tế sẽ thuận lợi cho công tác tuyên truyền, vận động CSSKSS… Ngành dân số cũng đề nghị tỉnh và các huyện, thành phố sớm hỗ trợ kinh phí tập huấn cho CTV mới và củng cố toàn bộ sổ quản lý địa bàn theo thôn, xóm để đội ngũ CTV mới hoàn thành tốt các công việc liên quan đến chuyên ngành dân số - KHHGĐ./.

Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com