Phát triển du lịch làng nghề

08:10, 29/10/2013

Tỉnh ta có trên 70 làng nghề truyền thống; trong đó nhiều làng nghề đã có hàng trăm năm tồn tại và phát triển được người dân cả nước biết đến như: Làng nghề trồng hoa cây cảnh Vị Khê, xã Điền Xá (Nam Trực); làng nghề chạm khắc gỗ La Xuyên, xã Yên Ninh; làng nghề đúc đồng Tống Xá, xã Yên Xá; làng nghề sơn mài Cát Đằng, xã Yên Tiến (Ý Yên); các làng nghề ươm tơ, dệt đũi Cổ Chất, Cự Trữ (Trực Ninh) và các làng nghề làm muối ven biển thuộc các xã Hải Hòa, Hải Lý (Hải Hậu), Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng), Giao Lâm (Giao Thủy)… Các làng nghề ở tỉnh ta đều có cảnh quan đẹp, nghề truyền thống lâu đời, các sản phẩm độc đáo, tinh xảo…, là tiềm năng lớn phát triển du lịch làng nghề.

Khách du lịch tham quan sản xuất sản phẩm tại làng nghề chạm khắc gỗ La Xuyên, xã Yên Ninh (Ý Yên). Ảnh: Do cơ sở cung cấp
Khách du lịch tham quan sản xuất sản phẩm tại làng nghề chạm khắc gỗ La Xuyên, xã Yên Ninh (Ý Yên). Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Thời gian qua ngành VH, TT và DL, các huyện, thành phố đã đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, thế mạnh của các làng nghề trên các phương tiện thông tin truyền thông; tổ chức các cuộc khảo sát tiềm năng làm du lịch, thiết kế tour du lịch với sự tham gia của các doanh nghiệp dịch vụ lữ hành trong và ngoài tỉnh; các cuộc hội thảo chuyên đề về phát triển du lịch làng nghề, tham gia các Liên hoan làng nghề truyền thống của vùng, khu vực để quảng bá thương hiệu, các sản phẩm, dịch vụ du lịch. Trong tháng 9-2012 tại Thành phố Nam Định, trong khuôn khổ Hội chợ triển lãm làng nghề Việt Nam đã diễn ra hội thảo “Phát triển làng nghề gắn với du lịch” thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp du lịch nhằm đánh giá thực trạng và đưa ra giải pháp phát triển du lịch làng nghề. Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng, cơ sở hạ tầng một số làng nghề từng bước được cải tạo. Phương thức tổ chức lễ hội truyền thống cũng được mở rộng, đa dạng hóa các sản phẩm nhằm thu hút du khách... Lễ hội truyền thống hoa cây cảnh Vị Khê, xã Điền Xá (Nam Trực) trước đây được tổ chức từ ngày 12 đến 16 tháng Giêng, tuy nhiên từ năm 2012 để đáp ứng nhu cầu của du khách đến du xuân, thưởng thức các loại cây thế, cây cảnh lễ hội được kéo dài đến ngày 20 tháng Giêng. Quy mô tổ chức lễ hội cũng được mở rộng với sự tham dự của các CLB sinh vật cảnh trong khu vực đồng bằng sông Hồng, vừa tạo sự đa dạng sản phẩm, vừa tích cực đẩy mạnh giao thương. Một số làng nghề khác trong tỉnh nhờ thay đổi tư duy, cách thức hoạt động gắn với phát triển du lịch cũng bước đầu thu hút được du khách. Làng nghề chạm khắc gỗ La Xuyên, xã Yên Ninh (Ý Yên) trong quá trình đầu tư phát triển sản xuất đã tích cực cải tạo về môi trường, cảnh quan để thu hút du khách tham quan. Chị Phạm Thị Thanh, chủ một cơ sở sản xuất trong làng nghề cho biết: “Thực hiện chủ trương phát triển du lịch làng nghề, đồng thời cũng là dịp để quảng bá sản phẩm, cơ sở đã chủ động sắp xếp lại một số công đoạn sản xuất, bố trí chỗ để xe thuận tiện nên có nhiều đoàn khách tới thăm, tìm hiểu, không ít các cơ sở trong làng nghề đã bán được sản phẩm cho du khách...”. Ở các làng nghề làm muối vào mùa du lịch biển trong những ngày hè cũng tiếp đón nhiều đoàn khách du lịch. Một số doanh nghiệp lữ hành còn liên kết với diêm dân tổ chức cho du khách được tham gia một số công đoạn làm muối để trải nghiệm những khó khăn, vất vả của diêm dân. Tuy nhiên, việc khai thác du lịch làng nghề vẫn chưa xứng với tiềm năng. Trong tổng số 1,8 triệu lượt khách đến tỉnh năm 2012, số lượng du khách đến với các làng nghề còn rất ít. Nguyên nhân do các làng nghề vẫn "chưa thực sự sẵn sàng" để đón khách. Hạ tầng cơ sở, đường giao thông xuống cấp, môi trường ô nhiễm, nhiều nơi không có bãi đỗ xe, không có nơi giới thiệu, trưng bày và bán sản phẩm; nhiều làng nghề chưa có biển chỉ dẫn vị trí, hướng dẫn giao thông, chưa quan tâm, đầu tư sản xuất các sản phẩm mang tính đặc trưng phục vụ du lịch, các sản phẩm dùng làm đồ lưu niệm. Bên cạnh đó, phương pháp, tác phong làm du lịch của người dân thiếu chuyên nghiệp, nhiều nơi không bố trí đội ngũ nghệ nhân làm sản phẩm trình diễn; dịch vụ phục vụ khách tham quan hạn chế...

Phát triển du lịch làng nghề không chỉ mang lại lợi nhuận kinh tế, giải quyết việc làm cho lực lượng lao động nông thôn mà qua đó còn lưu giữ, bảo tồn những giá trị văn hoá của dân tộc. Với địa phương có tiềm năng du lịch làng nghề phong phú như tỉnh ta, việc phát triển du lịch làng nghề có hiệu quả tích cực, tương tác với cả hai ngành kinh tế du lịch và CN-TTCN, đặc biệt hiệu quả với phát triển nông thôn, xây dựng NTM. Do vậy các cơ quan chức năng, các địa phương có làng nghề cần đẩy mạnh tuyên truyền về tiềm năng, thế mạnh, các sản phẩm độc đáo mang tính truyền thống, đồng thời tích cực tham gia, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm du lịch. Cùng với việc tăng cường đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông, bảo đảm vệ sinh môi trường tại các làng nghề..., cần đẩy mạnh tuyên truyền tới cán bộ, nhân dân trong các làng nghề về ý nghĩa phát triển du lịch; tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao khả năng làm du lịch của người dân; có các mô hình tổ chức phù hợp như thành lập Ban quản lý phát triển du lịch để nâng cao vai trò quản lý, đồng thời quy tụ những người am hiểu, có nhiệt huyết hướng dẫn du khách. Trong khâu tổ chức, các làng nghề cần xây dựng, quy hoạch khu sản xuất, khu triển lãm để du khách tham quan, tìm hiểu và có thể tham gia làm một số công đoạn tạo ra sản phẩm… Ngành VH, TT và DL cần chủ trì định hướng, giúp các địa phương có làng nghề khai thác một cách hiệu quả nhất tiềm năng du lịch. Với những giải pháp trên, các làng nghề trong tỉnh sẽ phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống cho người dân./.

Đức Thiện



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com