Trên địa bàn tỉnh hiện có 10 trung tâm y tế huyện, thành phố. Hệ thống trung tâm y tế huyện có chức năng xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các hoạt động chuyên môn kỹ thuật về y tế dự phòng; phòng, chống HIV/AIDS; phòng, chống bệnh xã hội, ATVSTP, chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe môi trường, sức khỏe trường học, dinh dưỡng cộng đồng, truyền thông giáo dục sức khỏe… trên cơ sở kế hoạch của tỉnh và tình hình thực tế của địa phương.
Một buổi tập huấn về An toàn tiêm chủng cho cán bộ y tế cơ sở tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh. |
Hiện, hệ thống giám sát dịch bệnh của tỉnh đã phủ khắp từ tỉnh đến các thôn, xóm. Mạng lưới y tế dự phòng tuyến huyện được phủ rộng giúp công tác giám sát dịch bệnh, thực hiện các chương trình mục tiêu y tế quốc gia trong phòng, chống dịch bệnh, tuyên truyền nâng cao ý thức người dân được thực hiện hiệu quả. Tỷ lệ trẻ em dưới một tuổi được tiêm đủ loại vắc xin theo quy định luôn đạt từ 98% trở lên. Các trung tâm y tế huyện tổ chức vận động nhân dân diệt bọ gậy, phun thuốc diệt muỗi tại cộng đồng, thu gom phế thải, giữ gìn vệ sinh môi trường để phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt, công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh với sự đầu tư của Nhà nước, của tỉnh và sự hỗ trợ tích cực từ các tổ chức quốc tế. Hiện tại, toàn tỉnh có 8 phòng khám ngoại trú, điều trị thuốc kháng vi rút, trong đó 6 phòng khám đặt tại Trung tâm Y tế các huyện: Giao Thủy, Hải Hậu, Xuân Trường, Ý Yên, Nghĩa Hưng. Đặc biệt, tỉnh đã triển khai các cơ sở điều trị methadone tại Trung tâm Y tế 4 huyện, thành phố, góp phần tích cực vào việc hạn chế lây truyền HIV ở đối tượng tiêm chích ma tuý. Hằng năm, trung tâm y tế các huyện đều chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh và sẵn sàng tiếp nhận, điều trị, cấp cứu bệnh nhân mắc các bệnh có thể gây thành dịch trên địa bàn. Từ năm 2010 đến nay, khi dịch cúm A/H5N1, cúm A/H1N1, sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng diễn biến phức tạp, được sự chỉ đạo của Sở Y tế, trung tâm y tế các huyện đã chủ động phối hợp với các bệnh viện đa khoa tuyến huyện tổ chức tập huấn các lớp cấp cứu, điều trị và phòng, chống các bệnh trên cho đội ngũ y, bác sĩ; tổ chức tiếp nhận vật tư, hóa chất từ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, cấp phát về các trạm y tế xã và các trường học trên địa bàn để thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh. Nhờ đẩy mạnh nhiều biện pháp nên nhiều năm liền, trên địa bàn tỉnh không có dịch bệnh lớn xảy ra. Các ca bệnh, dịch bệnh nhỏ đều được khống chế, dập tắt kịp thời. Các trường hợp mắc bệnh đều được điều trị, xử lý tốt nên thể trạng bệnh nhẹ, phục hồi sức khoẻ nhanh.
Tuy nhiên, khó khăn hiện tại của các trung tâm y tế tuyến huyện, thành phố là được sự đầu tư của Trung ương và kinh phí địa phương nâng cấp cơ sở hạ tầng khá khang trang, nhưng thiếu trang thiết bị. Về nguồn nhân lực, cán bộ các trung tâm y tế còn thiếu về số lượng, chủng loại cán bộ theo quy định của Thông tư 08/TTLT-BYT-BNV về Hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế Nhà nước. Đối với trung tâm y tế huyện, thành phố, nếu tính quy mô dân số theo quy định của Thông tư 08 thì mỗi trung tâm y tế huyện, thành phố sẽ phải đảm bảo biên chế từ 36-40 cán bộ, nhưng trên thực tế trung bình 1 trung tâm y tế huyện, thành phố hiện mới chỉ được giao 25 biên chế, thiếu khoảng 1/3 nguồn nhân lực trong khi hoạt động về y tế dự phòng chiếm tới 50-60% hoạt động về y tế tại cơ sở. Bên cạnh đó, tỷ lệ bác sĩ của các trung tâm y tế trên đầu dân ở tỉnh ta còn thấp so với chỉ số trung bình toàn quốc và khu vực. Ngoài Trung tâm Y tế Thành phố Nam Định có đủ bác sĩ so với nhu cầu, 9 trung tâm y tế tuyến huyện đều thiếu bác sĩ theo quy định của Thông tư 08. Cụ thể, các Trung tâm Y tế huyện: Nghĩa Hưng mới có 4 bác sĩ, Xuân Trường có 3 bác sĩ, Giao Thủy có 3 bác sĩ, Hải Hậu có 3 bác sĩ, Nam Trực có 3 bác sĩ, Trực Ninh có 4 bác sĩ, Vụ Bản có 2 bác sĩ, Ý Yên có 4 bác sĩ, Mỹ Lộc có 2 bác sĩ. Nguồn nhân lực bác sĩ thiếu, kế hoạch đào tạo nhân lực chưa đảm bảo tính kế thừa, trẻ hoá (hầu hết các bác sĩ đều trên 40 tuổi). Không những thế, 50% số bác sĩ tại các trung tâm y tế tuyến huyện chưa được đào tạo cơ bản, do đó việc bổ sung nhân lực cho trung tâm y tế huyện chưa đảm bảo cả về cơ cấu, chủng loại và chất lượng nên khó đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân, trong bối cảnh đặc thù mới của công tác y tế như: mô hình bệnh tật thay đổi, các bệnh tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường, tình trạng tai nạn thương tích có xu hướng gia tăng; một số bệnh truyền nhiễm có xu hướng quay trở lại và những bệnh lạ xuất hiện, diễn biến phức tạp, khó lường…
Trước những khó khăn, thách thức đó, ngành Y tế tỉnh cần tập trung đầu tư cho công tác y tế dự phòng, đặc biệt là chủ động về nguồn nhân lực, phương tiện, cơ sở vật chất, trang thiết bị… để phát triển mạng lưới y tế dự phòng có đủ khả năng giám sát, khống chế các dịch bệnh. Cùng với sự nỗ lực của ngành Y tế, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 06-CT/TW về “Củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở”, trong đó đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất đồng bộ cho trung tâm y tế huyện; đặc biệt là trung tâm y tế các huyện ven biển để thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020; có chính sách đào tạo bác sĩ là con em các địa phương, nhằm tạo nguồn nhân lực tại chỗ, khắc phục sự thiếu hụt bác sĩ tại các trung tâm y tế huyện hiện nay. Trước mắt cần quan tâm đầu tư mua sắm, bổ sung trang thiết bị y tế chuyên dùng cho các trung tâm y tế huyện, thành phố, trong đó chú trọng trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh./.
Bài và ảnh: Minh Thuận