Mô hình chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng

08:10, 01/10/2013

Nam Định hiện là một trong số ít địa phương trong cả nước có số người cao tuổi (NCT) chiếm tỷ lệ cao (trên 12% tổng dân số) với đặc điểm tuổi thọ bình quân cao nhưng tuổi thọ sống khỏe mạnh thấp. Sự già hóa dân số đã tác động tới tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. NCT phần lớn sống ở nông thôn, không có lương hưu, hầu hết sống phụ thuộc vào con cái ít cơ hội tiếp cận với các dịch vụ y tế. Các thành viên trong gia đình và cộng đồng thiếu kiến thức chăm sóc sức khỏe NCT. Trong khi đó, chính sách an sinh xã hội cho NCT còn hạn chế. Bên cạnh đó, tác động của quá trình đô thị hóa mạnh mẽ ngày càng khiến lớp trẻ có xu hướng muốn ở riêng hoặc bị cuốn vào công việc, thường xuyên đi làm ăn xa, mô hình gia đình truyền thống nhiều thế hệ dần chuyển thành mô hình gia đình hạt nhân. Tình trạng người già neo đơn, không nơi nương tựa ngày càng tăng...

Cán bộ Trạm y tế Mỹ Xá (TP Nam Định) hướng dẫn người cao tuổi chăm sóc sức khoẻ khi thời tiết chuyển mùa.
Cán bộ Trạm y tế Mỹ Xá (TP Nam Định) hướng dẫn người cao tuổi chăm sóc sức khoẻ khi thời tiết chuyển mùa.

Để đảm bảo chăm sóc tốt hơn về vật chất và tinh thần nhằm phát huy vai trò của NCT, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh (Sở Y tế) đã xây dựng kế hoạch triển khai mô hình tư vấn và chăm sóc NCT dựa vào cộng đồng. Từ tháng 9-2012, mô hình được triển khai thí điểm tại 6 xã: Hợp Hưng, Minh Tân (Vụ Bản), Nam Thái, Nam Hồng (Nam Trực), Việt Hùng, Trực Hưng (Trực Ninh). Kinh phí hỗ trợ hoạt động của mô hình là 180 triệu đồng được cấp từ Chương trình mục tiêu quốc gia về dân số - KHHGĐ năm 2012. Việc triển khai mô hình gồm nhiều hoạt động thiết thực như: tổ chức thu thập các thông tin liên quan đến NCT, khảo sát thực trạng và các nhu cầu dịch vụ hỗ trợ tư vấn và chăm sóc NCT ở địa phương; triển khai các hoạt động, mô hình, dự án chăm sóc NCT. Các xã tổ chức hội nghị triển khai mô hình với sự tham gia của chính quyền, các đoàn thể xã hội ở tỉnh, Hội NCT, Trung tâm Dân số - KHHGĐ các huyện; lãnh đạo UBND và cán bộ dân số, đại diện Hội NCT của các xã quán triệt và triển khai các nội dung, kế hoạch hoạt động tư vấn và chăm sóc NCT, tổ chức hội thảo cung cấp thông tin cho cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội ở xã về chính sách, pháp luật liên quan đến NCT; vai trò của NCT trong tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách dân số - KHHGĐ và nâng cao chất lượng cuộc sống; trách nhiệm của cá nhân, gia đình và xã hội trong việc chăm sóc NCT; mục đích, ý nghĩa, các nội dung của mô hình... Ban quản lý mô hình tỉnh căn cứ vào thực tế của từng xã, phối hợp với cấp huyện, xã tổ chức thực hiện khám, tư vấn chăm sóc sức khỏe cho NCT, giúp họ hiểu về tình trạng sức khỏe của mình, đồng thời hỗ trợ một phần kinh phí mua thuốc điều trị các bệnh thông thường cho NCT không có BHYT. Tháng 9-2012, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đã tổ chức khám sức khỏe và tư vấn cho hơn 200 NCT tại xã Trực Hưng về các vấn đề liên quan đến người già như: bệnh tim mạch, cao huyết áp và các bệnh thông thường khác; đồng thời tư vấn về dinh dưỡng và vận động hợp lý đối với NCT. Trong khuôn khổ hoạt động của mô hình năm 2013, 2 xã Hợp Hưng và Minh Tân đã khám và tư vấn sức khỏe cho 200 NCT. Các xã triển khai mô hình còn dựa vào lực lượng cộng tác viên dân số, y tế thôn, đội, cán bộ các ngành, đoàn thể, lựa chọn những người có khả năng và tâm huyết, xây dựng mạng lưới tình nguyện viên hỗ trợ chăm sóc NCT. 100% tình nguyện viên được tập huấn, trang bị các kiến thức, kỹ năng cần thiết để thực hiện nhiệm vụ tư vấn và chăm sóc NCT định kỳ tại gia đình; thường xuyên cập nhật thông tin về chăm sóc NCT vào sổ theo dõi và báo cáo trạm y tế. Tại mỗi xã triển khai mô hình đã thành lập và duy trì hoạt động của 2 CLB “NCT giúp NCT”, sinh hoạt mỗi quý một lần để NCT được tham gia các hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao, vui chơi giải trí với nội dung phù hợp như ngâm thơ, đánh cờ, diễn chèo, tổ tôm điếm…, đồng thời cung cấp kiến thức để NCT tự biết chăm sóc sức khỏe.

Việc triển khai mô hình không chỉ góp phần thực hiện tốt chính sách của Đảng và Nhà nước đối với NCT, phát huy năng lực, trí tuệ, kinh nghiệm của NCT, nhất là những người có uy tín trong cộng đồng, mà còn nhằm tạo sự chuyển biến nhận thức trong từng cá nhân, gia đình và toàn xã hội về trách nhiệm chăm sóc NCT để NCT thực sự được "sống vui, sống khỏe, sống có ích", đóng góp tích cực vào các hoạt động xã hội; hạn chế được những khó khăn, thách thức của giai đoạn “dân số già” đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Từ những kết quả bước đầu, mô hình đang được rà soát, rút kinh nghiệm và xây dựng thành đề án, trình UBND tỉnh phê duyệt để triển khai nhân rộng trên địa bàn tỉnh./.

Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com