Thực hiện Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 4-3-2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản (BĐGTS), UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về vị trí, vai trò của hoạt động BĐGTS trong phát triển kinh tế và đời sống xã hội, từng bước đưa hoạt động này vào nền nếp.
Đấu giá viên Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản (Sở Tư pháp) nghiên cứu hồ sơ tài sản bán đấu giá. |
Là cơ quan trực tiếp giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về BĐGTS, Sở Tư pháp đã phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thi hành pháp luật BĐGTS của các ngành, các địa phương. Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tư pháp đã tổ chức hội nghị triển khai Nghị định 17/2010/NĐ-CP với các cơ quan chức năng: Văn phòng UBND tỉnh, Sở TN và MT, Sở Tài chính, đại diện UBND, Phòng Tư pháp, Phòng TN và MT, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất các huyện, thành phố; tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho tổ chức BĐGTS chuyên nghiệp và hội đồng BĐGTS cấp huyện; đồng thời duy trì công tác thanh tra, kiểm tra tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp, Hội đồng BĐGTS cấp huyện, thành phố đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về BĐGTS. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp thường xuyên hướng dẫn, chỉ đạo Phòng Tư pháp các huyện, thành phố chủ động tham mưu, giúp chủ tịch UBND cùng cấp quản lý Nhà nước về lĩnh vực BĐGTS ở địa phương theo quy định của pháp luật. UBND các huyện, thành phố đã tiến hành củng cố, kiện toàn hội đồng BĐGTS cấp huyện để tổ chức hoạt động bán đấu giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu theo quy định của pháp luật đúng trình tự, thủ tục. Trong quá trình thực hiện BĐGTS, các huyện, thành phố đều liên hệ với Trung tâm Dịch vụ BĐGTS tỉnh để cử đấu giá viên điều hành cuộc bán đấu giá; thực hiện chế độ báo cáo định kỳ 6 tháng và hằng năm về tổ chức và hoạt động của hội đồng BĐGTS với UBND tỉnh theo quy định. Trên địa bàn tỉnh, hiện mới có 1 tổ chức BĐGTS chuyên nghiệp là Trung tâm Dịch vụ BĐGTS (Sở Tư pháp). Trong quá trình hoạt động, Trung tâm chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật, luôn tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện hoạt động đấu giá tài sản. Việc đấu giá tài sản được thực hiện theo đúng nguyên tắc: công khai, liên tục, khách quan, bình đẳng, trung thực bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia. Các cuộc BĐGTS đều do đấu giá viên điều hành theo đúng trình tự, thủ tục, đảm bảo trật tự, an toàn. Kết quả BĐGTS đã mang lại hiệu quả tích cực. Nhiều cuộc bán đấu giá được tổ chức thành công, góp phần tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương. Qua 3 năm thực hiện Nghị định 17 của Chính phủ, Trung tâm Dịch vụ BĐGTS đã ký 191 hợp đồng, trong đó đã thực hiện xong 144 hợp đồng. Tổng giá trị tài sản tính theo giá khởi điểm trên 97 tỷ 317 triệu đồng; tổng giá trị tài sản đã bán đấu giá thành: 99 tỷ 943 triệu đồng. Tổng số phí đã thu là trên 1 tỷ 106 triệu đồng; nộp ngân sách hơn 331 triệu đồng. Ngoài ra, tại các huyện, thành phố trong tỉnh đã thành lập hội đồng bán đấu giá đất trong trường hợp đặc biệt và đã đem lại kết quả thiết thực. Tổng giá trị tài sản tính theo giá khởi điểm là 526 tỷ đồng; tổng giá trị tài sản đã bán đấu giá thành là 662 tỷ đồng; giá trị chênh lệnh so với giá khởi điểm là 136 tỷ 103 triệu đồng. Về kết quả BĐGTS là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính ở các huyện, tổng giá trị tài sản tính theo giá khởi điểm hơn 3,5 tỷ đồng; tổng giá trị tài sản đã bán đấu giá thành là 3,65 tỷ đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động BĐGTS ở tỉnh ta vẫn còn những hạn chế, bất cập như: các văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định 17/2010/NĐ-CP chưa đầy đủ và đồng bộ nên việc triển khai và thực hiện trong thực tế gặp nhiều khó khăn. Việc BĐGTS đảm bảo thi hành án trong thực tế rất khó thực hiện. Một số tài sản đang trong quá trình thực hiện buộc phải dừng lại vì nhiều lý do; hoặc việc BĐGTS đã thực hiện xong nhưng việc bàn giao tài sản cho người mua đấu giá thường chậm, kéo dài, gây tâm lý e ngại đối với người có nhu cầu mua. Để khắc phục những tồn tại trên, phát huy hiệu quả thực hiện Nghị định 17 của Chính phủ về công tác BĐGTS, UBND tỉnh cần sớm ban hành Quy chế bán đấu giá quyền sử dụng đất để hoạt động này được thống nhất trên địa bàn toàn tỉnh. Các cơ quan có thẩm quyền xử lý tài sản cần phối hợp chặt chẽ với các tổ chức BĐGTS để cùng tìm ra biện pháp giải quyết tháo gỡ khó khăn, đảm bảo hiệu quả trong công tác BĐGTS. Tăng cường công tác tuyên truyền Nghị định số 17/2010/NĐ-CP, các văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định và các văn bản pháp luật có liên quan về công tác BĐGTS tới nhân dân. Bộ Tư pháp cần tăng cường tập huấn nâng cao kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng, kinh nghiệm xử lý, điều hành các phiên đấu giá cho các đấu giá viên, đồng thời tham mưu với Chính phủ sớm hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan, nhằm tạo hành lang pháp lý để hoạt động BĐGTS ngày càng có hiệu quả./.
Bài và ảnh: Văn Trọng