Hội Cựu chiến binh Trực Ninh giúp hội viên phát triển kinh tế

07:10, 31/10/2013

Thời gian qua, các cấp Hội CCB huyện Trực Ninh đã tích cực vận động hội viên nêu cao tinh thần dám nghĩ dám làm, mạnh dạn đầu tư sản xuất, đẩy mạnh phong trào thi đua “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, vận động hội viên tích cực học tập, lao động, vươn lên xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

CCB Vũ Hồng Quảng, xóm Trung, xã Liêm Hải làm giàu từ nuôi gà giống.
CCB Vũ Hồng Quảng, xóm Trung, xã Liêm Hải làm giàu từ nuôi gà giống.

Nhằm giúp hội viên phát triển kinh tế, Hội CCB huyện đã chủ động phối hợp với Ngân hàng CSXH, tạo điều kiện cho hội viên vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, giảm nghèo nhanh và bền vững. Để hoạt động ủy thác vay vốn đạt hiệu quả, Hội CCB huyện đã tuyên truyền lồng ghép các chính sách tín dụng ưu đãi, quản lý chặt chẽ nguồn vốn và việc sử dụng vốn đúng mục đích; phối hợp làm tốt công tác bình xét đối tượng cho vay bảo đảm công bằng, chính xác. Đến nay, Hội đã thành lập được 18 tổ tiết kiệm và vay vốn cho 573 hội viên vay với tổng dư nợ 5 tỷ 839 triệu đồng. Ngoài ra, từ nguồn quỹ Hội đã có 374 hội viên được vay vốn với tổng số tiền 1 tỷ 648 triệu đồng. Ngoài việc theo dõi, kiểm tra, giám sát mục đích sử dụng vốn, Hội CCB huyện còn vận động hội viên tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng triển khai các mô hình làm kinh tế phù hợp với điều kiện địa phương. Từ năm 2010 đến nay, Hội đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp huyện tổ chức 30 lớp tập huấn tiến bộ khoa học kỹ thuật, thu hút hơn 1.000 lượt hội viên tham gia; đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến toàn thể hội viên về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Bên cạnh đó, các Hội cơ sở chú trọng triển khai xây dựng những mô hình kinh tế đem lại hiệu quả cao để nhân rộng. Nhờ vậy, nhiều hội viên đã phát triển kinh tế hiệu quả. Tiêu biểu là CCB Vũ Hồng Quảng, xóm Trung, xã Liêm Hải với mô hình nuôi chim bồ câu sinh sản và gà giống. Năm 2010, sau khi được Hội CCB huyện nhận ủy thác cho vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH, ông đã đầu tư nuôi chim bồ câu và gà giống. Cần mẫn, chịu khó học hỏi, lựa chọn vật nuôi phù hợp với điều kiện kinh tế, lao động của gia đình và nhu cầu của thị trường, bước đầu mô hình của ông đã thành công. Ông Quảng cho biết, ban đầu gia đình ông nuôi thử 100 đôi chim bồ câu lai Pháp chủ yếu để bán cho những người dân trong vùng. Chim bồ câu dễ nuôi, sinh trưởng nhanh, thích ứng với điều kiện khí hậu địa phương, không tốn nhiều công chăm sóc, chi phí nuôi thấp, cho hiệu quả kinh tế cao. Mỗi năm, mỗi cặp chim bồ câu có thể đẻ từ 8-9 lứa, trọng lượng khi xuất chuồng đạt từ 500-550g/con. Sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu lãi 8-10 triệu đồng/tháng từ bán bồ câu thịt và bồ câu giống. Hiện nay, gia đình ông duy trì hơn 200 đôi chim bồ câu sinh sản. Ngoài ra, từ năm 2010 đến nay, mỗi năm ông xuất bán được từ 10-12 tấn gà thịt và hơn 50 nghìn con gà giống, trừ chi phí, lợi nhuận đạt từ 150-180 triệu đồng/năm. Kinh tế gia đình ổn định, ông Quảng luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ giống, vốn cho nhiều hội viên CCB các xã lân cận có nhu cầu nuôi chim bồ câu và gà theo mô hình của ông. Năm 2009, CCB Mai Minh Đoan ở xã Trực Mỹ được vay 60 triệu đồng vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH đã đầu tư mua sắm máy móc để mở cơ sở sản xuất gạch, tạo việc làm cho hơn 30 lao động là con em CCB và cựu quân nhân có thu nhập ổn định từ 2 đến 3 triệu đồng/người/tháng. CCB Vũ Thị Ân ở xóm Nhự, xã Phương Định phát triển kinh tế gia đình bằng chính nghề dệt truyền thống của quê hương. Là quân nhân công tác tại Cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng), năm 1982 bà Ân xuất ngũ về địa phương bắt tay vào phát triển kinh tế gia đình bằng nghề dệt truyền thống. Sản xuất, kinh doanh của gia đình phát triển, bà luôn quan tâm giải quyết việc làm cho các CCB, cựu quân nhân địa phương muốn tham gia làm kinh tế nhưng còn khó khăn về vốn, tay nghề... Hiện, bà có khoảng 300 khung dệt vệ tinh làm gia công sản phẩm, tạo việc làm cho khoảng 300 lao động địa phương, trong đó có nhiều lao động là gia đình hội viên, con em CCB và cựu quân nhân với mức thu nhập từ 1,5 đến 2 triệu đồng/người/tháng.

Phát huy bản chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, cán bộ hội viên CCB huyện Trực Ninh luôn nêu cao tinh thần vượt khó, dám nghĩ dám làm, sáng mãi tinh thần “xưa thắng giặc xâm lăng, nay thắng đói nghèo” trong phát triển kinh tế gia đình. Nhờ vậy, đời sống vật chất, tinh thần của hội viên không ngừng được nâng cao. Đến nay, tỷ lệ hộ hội viên khá, giàu đạt trên 65%, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,7%./.

Bài và ảnh: Văn Thứ
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com