Những năm qua, nhằm tạo điều kiện cho các hộ nghèo, nạn nhân chất độc da cam phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo bền vững, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, dự án sinh kế mang tính bền vững, giúp các hộ gia đình có điều kiện giảm nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống.
Hội CTĐ tỉnh trao tặng bò sinh sản cho các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin tại huyện Nam Trực. |
Từ năm 2007, chương trình hỗ trợ bò sinh sản đã được các cấp Hội CTĐ trong tỉnh triển khai, thực hiện với dự án “Hỗ trợ sinh kế” cho hộ nghèo. Đến năm 2012 toàn tỉnh đã có 250 hộ nghèo, nạn nhân chất độc da cam được hưởng lợi từ chương trình. Đặc biệt, từ đầu năm 2013, hưởng ứng dự án “Ngân hàng bò” do Trung ương Hội CTĐ Việt Nam phát động, đến nay Hội CTĐ tỉnh đã xây dựng được “Ngân hàng bò” với 65 con bò sinh sản trao cho 55 hộ dân thuộc diện hộ nghèo, nạn nhân chất độc da cam tại các huyện Xuân Trường, Trực Ninh, Nam Trực và Ý Yên, với tổng giá trị 780 triệu đồng; trong đó, Trung ương Hội CTĐ Việt Nam hỗ trợ 371 triệu đồng, còn lại do Hội CTĐ tỉnh vận động các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và cộng đồng ủng hộ. Ngay khi triển khai dự án, cán bộ Hội CTĐ các cấp trong tỉnh đã phối hợp với chính quyền, các đoàn thể ở địa phương, lựa chọn đúng đối tượng cần trợ giúp với tiêu chí hộ nghèo không có phương kế sinh sống, không có nguồn thu nhập ổn định, thường xuyên thiếu lương thực kỳ giáp hạt và có đủ điều kiện về chuồng trại để chăn nuôi, đặc biệt ưu tiên các gia đình có người tàn tật, nạn nhân chất độc da cam, có người già, có người thường xuyên ốm đau, gia đình chính sách, phụ nữ đơn thân... Các đối tượng sau khi địa phương giới thiệu sẽ được thẩm tra, bình bầu công khai tại cơ sở. Nguồn bò giống được Sở NN và PTNT tuyển chọn, kiểm tra kỹ lưỡng chất lượng trước khi trao cho các gia đình. Những con bò giống sinh sản, sau 1 năm có thể đem phối giống và sau 2 năm sẽ sinh bê con. Hội CTĐ tỉnh đã phối hợp với Sở NN và PTNT mở các lớp tập huấn về chăn nuôi bò an toàn, hiệu quả, hướng dẫn kỹ thuật làm chuồng trại, chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh cho bò trong quá trình chăn nuôi... Ông Nguyễn Văn Huỳnh, là nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin ở xã Yên Phong (Ý Yên) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Năm 2013, ông được Cty CP Kỹ thuật nền móng và Công trình ngầm FECOM (Hà Nội) thông qua Hội CTĐ tỉnh trao tặng 10 con bò giống, trị giá 120 triệu đồng. Ông rất mừng vì từ 10 con bò này, gia đình ông đã có việc làm, giúp kinh tế khấm khá hơn và thoát nghèo. Bên cạnh đó, từ năm 2005, được sự hỗ trợ của Hội CTĐ Nhật Bản và Hội CTĐ Đan Mạch, Hội CTĐ tỉnh còn triển khai dự án “Trồng rừng ngập mặn - Giảm thiểu rủi ro thảm họa” và tạo sinh kế cho các hộ dân tại các xã ven biển của 3 huyện Hải Hậu, Giao Thủy và Nghĩa Hưng. Đến nay, các cấp Hội CTĐ trong tỉnh đã trồng mới, trồng dặm, trồng xen được gần 6.000ha rừng ngập mặn, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động và có thêm thu nhập từ đánh bắt thủy, hải sản tại rừng ngập mặn, góp phần cải thiện đời sống kinh tế cho nhân dân các xã ven biển. Ngoài ra, nhiều hộ dân ở các xã Giao An, Giao Xuân, Giao Thiện, Giao Long (Giao Thủy); Nam Điền, Thị trấn Rạng Đông, Nghĩa Phúc (Nghĩa Hưng); Hải Châu, Hải Triều, Hải Lý (Hải Hậu)… còn phát triển nghề nuôi ong lấy mật, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho các hộ gia đình. Cùng với dự án trồng rừng ngập mặn, Hội CTĐ tỉnh đã tổ chức trồng được hơn 40km tre gai và gần 60ha tre bát độ dọc các tuyến đê sông, biển sung yếu tại các huyện, thành phố trong tỉnh. Toàn bộ diện tích tre được giao khoán cho các hộ nghèo trồng, chăm sóc, bảo vệ và hưởng lợi từ thu hoạch măng non và bán tre già theo đúng quy trình do Hội CTĐ ký kết với các gia đình. Qua đó, giúp các địa phương giải quyết được nhiều công lao động ở vùng nông thôn.
Các hoạt động hỗ trợ giảm nghèo với phương châm “Trao cần câu, không trao con cá” của Hội CTĐ tỉnh đã và đang mang lại nhiều ý nghĩa. Việc xây dựng “Ngân hàng bò” tặng các hộ nghèo, nạn nhân chất độc da cam giúp người nghèo có tư liệu sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, vươn lên tự thoát nghèo bền vững. Các dự án tạo sinh kế bền vững Hội CTĐ các cấp trong tỉnh đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động nghèo tại các địa phương trong tỉnh, tạo chuyển biến nhận thức, hành động của cộng đồng trong công tác từ thiện, nhân đạo./.
Bài và ảnh: Văn Thứ