Trong những năm qua, công tác giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật đã được ngành GD và ĐT, cấp ủy, chính quyền các địa phương, các tổ chức xã hội trong tỉnh đặc biệt quan tâm, giúp các em có điều kiện được đến trường học tập, giáo dục kỹ năng sống, từng bước xóa bỏ mặc cảm, tự tin hòa nhập cộng đồng.
Chị Trần Thị Hậu ở phường Trần Đăng Ninh (TP Nam Định), có hai con trai chậm phát triển trí tuệ từ nhỏ, nay cả hai đã trưởng thành và đang được học nghề tại Trung tâm Dạy nghề cho trẻ khuyết tật Nam Định. Chị cho biết: Trước đây, mặc dù các cháu đã đến tuổi đi học nhưng vì sợ các bạn trêu chọc khiến các cháu mặc cảm, tự ti nên gia đình không cho các cháu đến trường. Được sự động viên của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể ở khu dân cư, chị cho các cháu vào học tại Trường Tiểu học Lê Hồng Sơn. Mặc dù, các cháu đi học muộn so với lứa tuổi, lại không nhanh nhẹn trong tiếp thu bài vở nhưng với sự quan tâm của các thầy, cô giáo, các cháu đã biết đọc, biết viết, biết làm toán và thích tham gia các hoạt động trong lớp và trường học.
Các cô giáo ở Trung tâm Cứu trợ trẻ em tàn tật Thành phố Nam Định hướng dẫn học sinh học bài. |
Theo thống kê của Sở GD và ĐT, năm học 2012-2013, toàn tỉnh đã huy động được 1.922 trẻ khuyết tật ra học tại các trường tiểu học, đạt 83% số trẻ khuyết tật trong độ tuổi, trong đó có 227 trẻ 6 tuổi ra lớp 1. Những địa phương huy động được số trẻ khuyết tật ra lớp đạt tỷ lệ cao là: Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Nam Trực, Trực Ninh, Xuân Trường, Hải Hậu. Các em ở các dạng khuyết tật: vận động, khiếm thính, hạn chế thị lực, trí tuệ chậm phát triển. Trong số đó nhiều em hoàn cảnh gia đình khó khăn, thuộc hộ nghèo. Để giúp các em có điều kiện đến trường, những năm qua cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương và ban giám hiệu các nhà trường, các tổ chức xã hội đã quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ sách vở, đồ dùng học tập, ăn trưa, tặng quà nhân các ngày lễ lớn, dịp Tết Trung thu, ngày Quốc tế thiếu nhi nhằm động viên các em khắc phục khó khăn, vượt qua mặc cảm, vươn lên trong học tập, rèn luyện để hoà nhập cộng đồng. Ngành GD và ĐT triển khai đào tạo, bồi dưỡng trang bị cho giáo viên tham gia giảng dạy trẻ khuyết tật những kiến thức kỹ năng cơ bản, hỗ trợ về phương tiện giảng dạy, điều chỉnh chương trình phù hợp để giúp các em phát triển tư duy, khả năng của bản thân… Tuy nhiên, khó khăn đặt ra cho giáo viên và nhà trường hiện nay là trẻ khuyết tật được xếp học chung lớp với các học sinh phát triển bình thường trong khi có những hạn chế về thể lực và trí lực nên việc tiếp thu bài giảng khó khăn. Hơn nữa, đội ngũ giáo viên tham gia dạy trẻ khuyết tật chưa được đào tạo phương pháp giáo dục chuyên biệt nên hiệu quả chất lượng giáo dục bị hạn chế. Ở các lớp có trẻ khuyết tật, đòi hỏi giáo viên phải thường xuyên quan tâm đến các biểu hiện, hành vi, khả năng nhận thức của trẻ khuyết tật để có phương pháp giáo dục và đánh giá phù hợp, để trẻ vừa tự tin tiếp nhận kiến thức, vừa tích cực tham gia các hoạt động của trường, lớp. Một khó khăn nữa là việc thiếu trang thiết bị chuyên biệt hỗ trợ trẻ khuyết tật trong quá trình học không chỉ khiến các em vừa khó tiếp thu kiến thức vừa hạn chế trong các hoạt động của từng lớp mà còn ảnh hưởng đến việc giảng dạy chung của giáo viên.
Mục tiêu của giáo dục hoà nhập cho trẻ khuyết tật trong các nhà trường là góp phần hình thành và phát triển nhân cách toàn diện, giúp trẻ khuyết tật tăng tính tự lập, đồng thời chuẩn bị tốt các kỹ năng xã hội, đảm bảo công bằng cho mọi trẻ em được đến trường, làm tiền đề cho trẻ khuyết tật tự khẳng định, hoà nhập xã hội. Để chương trình giáo dục hoà nhập cho trẻ khuyết tật đạt kết quả thiết thực, cần sự quan tâm tích cực hơn nữa của các cấp, các ngành, nhà trường, gia đình và toàn xã hội cùng chung tay thực hiện./.
Bài và ảnh: Thảo Linh