Đầu năm học này, anh H.T.T - đồng nghiệp của tôi phải lên facebook “cầu cứu” bạn bè "ai hay uống nước ngọt thì ủng hộ để anh thu thập đủ 16 cái nút chai cho con mang đến lớp nộp cho cô giáo để học môn Tiếng Việt 1 theo công nghệ giáo dục". Khó khăn trong việc tìm nút chai cuối cùng rồi cũng được mọi người giúp đỡ giải quyết. Thế nhưng đi học thêm vài tuần lại phát sinh khó khăn mới. Ấy là về nhà, muốn giúp con học bài cũng không được, vì con toàn chê “bố dạy sai, không giống cô giáo con”. Rồi nó còn “dạy lại” anh: 3 chữ R, GI, D bố đều phải đọc là “dờ”, 3 chữ C, K, Q đều đọc là “cờ”. Bức xúc vì mình đã là cử nhân, trình độ đại học mà không dạy nổi đứa con lớp 1, anh đi giãi bày với mấy người cũng có con vào lớp 1 thì nhận được những nỗi ấm ức tương tự. Chị T.M.T bảo: “Tôi tốt nghiệp Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Khoa Ngôn ngữ học, vậy mà đi họp phụ huynh, cô giáo dặn về nhà không được dạy con, kẻo sai so với chương trình ở lớp”. Phụ huynh đã khó, các thầy, cô dạy lớp 1 còn khổ hơn. Chị T.T.H - giáo viên Trường Tiểu học N.T cho biết, đi dạy được một tuần theo công nghệ giáo dục, chị đã bị khản hết cả tiếng vì mỗi tiếng với phải dạy học sinh tới 4 lần theo các cấp độ: đọc to, đọc vừa, đọc nhỏ, đọc thầm. Học sinh có vẻ hứng thú vì vừa được học vừa được chơi, nhưng lại gặp rất nhiều khó khăn khi viết. Trước đây, học sinh phải thuộc bảng chữ cái, đánh vần từng âm để ghép thành tiếng. Chẳng hạn tiếng “hủy” phải đánh vần lần lượt: “u-y-uy”, “h-uy-huy” - “hỏi” = “hủy”. Nay, các em đọc thẳng luôn là “huy” - “hỏi” - “hủy”. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều học sinh đọc phát âm được tiếng nhưng không viết được chữ…
Ảnh: Internet |
Theo ý kiến của nhiều giáo viên chương trình này còn nhiều bất cập, quá sức với học sinh lớp 1. Ngay bài đầu tiên, nhiều học sinh chưa biết chữ cái nhưng đã phải viết như dạng chính tả. Trong quá trình học, các em còn phải phân biệt được tiếng có âm đầu; tiếng có âm chính; tiếng có âm đệm, âm chính; tiếng có âm đệm, âm cuối… Trước đây, học hết 8 tuần, các em thuộc bảng chữ cái và có thể ghép vần thành âm, tiếng. Nay, hết 6 tuần, học sinh đã phải đọc những bài dài tới 30 tiếng, các em biết tiếng luôn nhưng chỉ là đọc vẹt theo thầy, cô nên không viết được chữ. Với những lớp có học sinh yếu, giáo viên rất vất vả và nguy cơ các em “mù chữ” luôn nếu chẳng may bị ốm phải nghỉ một vài buổi học. Chưa kể đến việc khi giáo viên giao bài về nhà tập đọc, học sinh thấy bài quá dài, không có bạn bè đọc cùng cho khí thế nên “ngại” không muốn đọc, do đó ngày càng yếu kém, dễ nảy sinh cảm giác sợ học. Chưa hết, qua tìm hiểu từ phụ huynh được biết, với những cháu ngay lập tức hiểu, đọc được tiếng và viết được chữ đều đã được bố mẹ cho học chữ trước khi vào lớp 1. Nhiều cháu do vậy không chỉ nhận mặt chữ cái mà đã có thể ghép vần và đọc được cả tiếng, câu. Trong khi đó, mới đây, ngày 28-6-2013, Bộ GD và ĐT đã có Chỉ thị yêu cầu các Sở GD và ĐT tăng cường chỉ đạo đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền để cha mẹ học sinh và xã hội nhận thức đúng đắn về tác hại của việc dạy trước chương trình lớp 1, không cho trẻ học trước chương trình lớp 1, nghiêm cấm giáo viên tổ chức hoặc tham gia dạy học trước chương trình lớp 1. Ngoài ra, vì là phương pháp mới, cô giáo khuyến cáo phụ huynh không nên dạy con ở nhà (và thực tế là không thể dạy) thì với các trường hợp học sinh kém, không theo kịp các bạn khác trong lớp cũng là một vấn đề không nhỏ. Phụ huynh sẽ tìm mọi cách cho con đi học thêm và với giáo viên, vì thành tích chung của cả lớp sẽ phải tổ chức bồi dưỡng, kèm cặp thêm cho các học sinh kém. Như vậy sẽ không ngăn chặn, khắc phục được tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan.
Bộ sách dạy Tiếng Việt 1 theo công nghệ giáo dục ra đời năm 1978, chỉ áp dụng thử nghiệm ở một số tỉnh. Sau không ít thăng trầm, đến năm học 2012-2013, Bộ trưởng Bộ GD và ĐT quyết định cho phép mở rộng phạm vi áp dụng môn Tiếng Việt công nghệ giáo dục. Theo đó, 19 tỉnh được lựa chọn triển khai dạy Tiếng Việt theo tài liệu công nghệ giáo dục, trong đó có tỉnh ta. Sang năm học 2013-2014, có 37 tỉnh, thành phố sử dụng bộ sách Tiếng Việt 1 này nhưng chủ yếu là các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa. Thành phố Hà Nội lại không lựa chọn tài liệu này dù nó được xem là khoa học và hiện đại. Theo lời GS Hồ Ngọc Đại tác giả của bộ sách, ưu điểm của việc học Tiếng Việt 1 theo công nghệ giáo dục là học sinh được tạo cảm giác thoải mái trong tiếp thu bài, tham gia hoạt động học tập một cách chủ động, tự tin; biết cách phân tích ngữ âm, đọc thông viết thạo, nắm chắc các quy tắc chính tả; giúp phát triển tư duy cho trẻ rất tốt, học đến đâu chắc đến đó; không bị nhầm lẫn viết sai chính tả, không tái mù chữ… Đối với giáo viên thì giúp các thầy, cô nâng cao trình độ và năng lực, nghiệp vụ sư phạm. Tuy nhiên với một thời gian ngắn vào năm học, đã bộc lộ nhiều bất cập đối với học sinh và giáo viên. Ngành GD và ĐT cần quan tâm cân nhắc khi áp dụng đại trà việc dạy Tiếng Việt 1 theo công nghệ giáo dục, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra. Nên chăng để các trường tự lựa chọn chương trình dạy phù hợp với điều kiện đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị…
Hồng Lam