Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nông nghiệp Nam Định: Với công tác dạy nghề cho nông dân

07:09, 24/09/2013

Về Vụ Bản trong những ngày đầu tháng 9, chúng tôi được chứng kiến sự miệt mài, nghiêm túc của người nông dân trong các lớp dạy nghề do Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nông nghiệp Nam Định tổ chức ở các địa phương trong huyện. Tại xã Minh Thuận cả 3 lớp học nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm thu hút gần trăm học viên tham gia. Giảng viên Bùi Thị Hồng, Trưởng khoa Thú y - chăn nuôi - nuôi trồng thủy sản tâm sự: Vất vả nhưng mà vui vì học viên ham học, ham hiểu biết. Có trực tiếp giảng dạy, hướng dẫn và trao đổi với họ mới thấy họ thiếu kiến thức. Nhiều người chăn nuôi tại gia đình lâu năm nhưng có những vấn đề chỉ biết kinh nghiệm mà không nắm được kỹ thuật chuẩn như nuôi lợn nái đến ngày sinh sản phải cho ăn như thế nào? Nuôi lợn nái có phải tiêm phòng? Nuôi lợn thịt chỉ trong 3 tháng có phải tiêm phòng vắc xin? Còn tại xã Hiển Khánh, 2 lớp dạy nghề cho nông dân cũng được tổ chức cùng lúc. Đồng chí Chủ tịch Hội Nông dân xã vừa là học viên, vừa là người tham gia quản lý lớp học. Trong câu chuyện với chúng tôi, anh Triệu Văn Tấn, xóm Triệu tâm sự: "Giáo viên của trường rất nhiệt tình, trách nhiệm với người học. Nông dân chúng tôi bao đời nay chỉ biết làm theo kinh nghiệm của thế hệ trước truyền lại và tự mình tích luỹ. Từ khi được tham gia khoá học chúng tôi có thêm nhiều kiến thức khoa học phục vụ thiết thực cho sản xuất". Anh Triệu Văn Tấn là người chăn nuôi gà có tiếng ở xã Hiển Khánh và là một học viên trung thành của lớp dạy nghề chăn nuôi đang được tổ chức tại xã. Cách đây vài năm gia đình anh đã được xã cho phép xây dựng trang trại liên kết với doanh nghiệp để nuôi gà. Với 2 dãy chuồng kín hiện đại, mỗi lứa gia đình anh nuôi 20 nghìn con gà thịt, vài năm gần đây anh đã chủ động nuôi để cung cấp cho thị trường. Trước đây các kỹ thuật anh Tấn chỉ làm theo sự hướng dẫn của chuyên gia, "học lỏm" kỹ thuật nên nhiều vấn đề chưa hiểu nhưng không được giảng giải rõ ràng. Anh cho biết, ngay sau lớp học này anh sẽ tổ chức lại sản xuất, 1 khu chuồng anh tiếp tục nuôi gà thịt, còn 1 khu chuồng anh chuyển sang nuôi gà đẻ giống Ai Cập lai 3 máu đang được thị trường ưa chuộng. Cũng như anh Tấn, 60 học viên của xã Hiển Khánh ở 2 lớp học chăn nuôi đang triển khai mở rộng quy mô chăn nuôi an toàn sinh học với những kiến thức, kinh nghiệm được các giảng viên của Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nông nghiệp Nam Định trang bị, từng bước coi chăn nuôi là nghề thu nhập chính cho gia đình mình.

Lớp học chăn nuôi tại hội trường UBND xã Hiển Khánh (Vụ Bản).
Lớp học chăn nuôi tại hội trường UBND xã Hiển Khánh (Vụ Bản).

Không chỉ nông dân các xã Minh Thuận, Hiển Khánh mà đến các lớp dạy nuôi cá nước ngọt ở xã Đại Thắng (Vụ Bản), Trực Mỹ (Trực Ninh); các lớp dạy nuôi gà, lợn tại các xã Yên Tân, Yên Lộc, Yên Nhân, Yên Cường (Ý Yên), Trung Đông, Trực Cường, Liêm Hải, Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh)… chúng tôi đều được nghe các học viên bàn nhau mở rộng chăn nuôi, xây dựng trang trại, gia trại để làm giàu sau khi học. Những nông dân đã được nhận chứng chỉ sơ cấp nghề sau khi học xong vẫn được các giảng viên tư vấn để tổ chức lại chăn nuôi, trao đổi khi gặp vướng mắc trong hành nghề và cả những thông tin, tiến bộ kỹ thuật mới nhất để áp dụng. Đồng chí Nguyễn Văn Thông, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nông nghiệp Nam Định cho biết: "Ngoài đào tạo các hệ chính quy tập trung, từ năm 2010 đến nay nhà trường đã tổ chức nhiều lớp học với các chuyên ngành trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản… cho nông dân theo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Năm 2013, được sự chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở NN và PTNT, trường đã mở 17 lớp với 535 nông dân học các nghề nuôi thủy sản nước ngọt, chăn nuôi lợn, gia cầm. Hiện 4 lớp đã bế giảng với 140 học viên được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề, 13 lớp cuối tháng 9 này sẽ bế giảng…". Là tỉnh được Chính phủ chọn làm điểm về đào tạo nghề cho nông dân, nên ngay trong năm 2010 UBND tỉnh đã giao cho trường mở các lớp mô hình điểm dạy nghề theo chương trình xây dựng NTM tại xã Nam Vân (TP Nam Định), Hải Đường (Hải Hậu), Phương Định (Trực Ninh). Vừa xây dựng chương trình, kế hoạch, nội dung, vừa tổ chức giảng dạy, hướng dẫn thực hành, tự biên soạn tài liệu, giáo trình sao cho phù hợp với trình độ thực tế của người học trong thời gian 3 tháng tương ứng với trình độ sơ cấp nghề. Qua khảo sát, chất lượng học viên sau đào tạo được Tổng cục Dạy nghề đánh giá cao và khẳng định chương trình của trường phù hợp với trình độ thực tế của nông dân và luôn cập nhật những kiến thức, kinh nghiệm, những tiến bộ kỹ thuật mới nhất cung cấp cho người học. Rút kinh nghiệm từ các lớp học năm 2010, năm 2011 nhà trường tiếp tục mở gần chục lớp dạy nghề nông nghiệp cho nông dân các xã xây dựng NTM ở Ý Yên, Vụ Bản, Trực Ninh và Nghĩa Hưng. Năm 2012, trường mở 13 lớp đào tạo cho 445 nông dân và năm 2013 mở tiếp 17 lớp cho 535 lao động nông nghiệp với các nghề nông nghiệp theo đúng đăng ký của người học và của địa phương. 100% giáo viên của trường có trình độ đại học, trong đó gần 50% có trình độ trên đại học chuyên ngành, có kinh nghiệm trong giảng dạy và thực tế luôn cập nhật các tiến bộ kỹ thuật mới cả trong, ngoài nước, đáp ứng các yêu cầu của học viên. Đặc biệt đội ngũ giáo viên chấp nhận khó khăn vất vả, đi sớm, về muộn… để tạo thuận lợi cho học viên là nông dân ở các địa phương. “Đầu vào” học viên không đồng đều nhưng khi học xong ai cũng có vốn kiến thức khá để áp dụng vào thực tế sản xuất để làm giàu bằng chính sức và nghề mình đang làm. Còn các thầy, cô giáo thì có thêm kinh nghiệm thực tiễn phong phú bổ sung cho vốn kiến thức và hoạt động nghiên cứu của nhà trường. Hiện, ban giám hiệu nhà trường đang hoàn thiện chương trình, tài liệu để mỗi năm phấn đấu đào tạo cho từ 500-600 nông dân, góp sức cùng cả tỉnh xây dựng NTM./.

Bài và ảnh: Tất Thắc
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com