Sau 1 năm được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, phát huy truyền thống văn hiến, yêu nước, cách mạng của quê hương, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thành phố Nam Định đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước chung sức, chung lòng, nguyện thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị (khoá IX) về định hướng phát triển thành phố và Quyết định số 109 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án quy hoạch, xây dựng Thành phố Nam Định đến năm 2020 trở thành trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng bằng chính sức lực và trí tuệ của đất và người Thiên Trường xưa - Nam Định nay.
Vóc dáng Thành Nam
Phút tĩnh tại bên hồ Vỵ Xuyên, chúng tôi có dịp trò chuyện với nhà văn Nguyễn Khắc Phục, sinh năm 1947, quê gốc ở Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) về truyền thống văn hiến của đất và người Thành Nam. Hơn 40 năm hoạt động trong lĩnh vực sáng tác văn học - nghệ thuật, Nguyễn Khắc Phục được coi là “Vua kịch bản”. Tên tuổi và những sáng tác của ông được đồng nghiệp và công chúng đón nhận với nhiều kịch bản ở các thể loại sân khấu, phim truyền hình, phim truyện nhựa, tiểu thuyết, truyện ngắn và kịch bản lễ hội. Ông chính là tác giả kịch bản chương trình nghệ thuật kỷ niệm “750 năm Thiên Trường - Nam Định” góp phần quảng bá về con người, quê hương Thành Nam. Tâm sự với chúng tôi, nhà văn Nguyễn Khắc Phục bày tỏ: Trong sự nghiệp cầm bút cuối đời, ông sẽ tập trung thời gian và tâm sức để viết một áng hùng ca về Thiên Trường - Nam Định. Trải nghiệm rồi chiêm nghiệm, theo ông, phong cách văn hoá và truyền thống văn hiến của đất và người Thành Nam có “cá tính” từ mạch nguồn văn hoá riêng, khó trộn lẫn. Trải qua biết bao biến thiên, thăng trầm của lịch sử, đất và người Thành Nam hôm nay đang vươn mình nhưng vẫn không mất đi vẻ đẹp cổ kính, thơ mộng. Bên những khu phố cổ là những ngôi nhà cao tầng hiện đại; cái cũ, cái mới đan xen kết tạo nên bộ mặt Thành Nam một vẻ đẹp riêng biệt. Vẫn còn đó những con phố tường mái rêu phong, những tên làng, tên phố đã đi vào sử sách, đồng hành cùng thời gian như: Bến Ngự, Hàng Tiện, Hàng Đồng, Bến Thóc, Hàng Sắt, Máy Dệt, Máy Tơ, Cột Cờ, Chùa Vọng Cung… Bởi vậy, khách phương xa, dù một lần đến thăm Thành phố Dệt Anh hùng, sau mỗi cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với nếp sống, nếp nghĩ của mỗi người dân sẽ có được những cảm xúc, ấn tượng riêng cho mình.
Cũng như mỗi người con quê hương, với tôi, về với Thành Nam, phút tĩnh tại… tự tình với lòng mà ngẫm: “Đàn chim ra ràng chân trời đùn mây bão. Ra Bắc, vào Nam ngược xuôi trăm ngả. Không nguôi nhớ về Thành phố Dệt - quê ta. Đất mẹ vẫn ngóng chờ, dẫu mình xa…!”. Tuổi thơ tôi gắn liền với những hình ảnh và kỷ niệm về Thành Nam - cả thành phố ngày cũng như đêm luôn hối hả tiếng còi tầm vào ca, tiếng máy, tiếng thoi quyện hoà. Có biết bao câu thơ, khúc nhạc, lời văn viết về Thành phố Dệt Anh hùng với đầy cung bậc cảm xúc, say đắm lòng người. Thân thuộc và đáng yêu là hình ảnh người thợ dệt với mảnh yếm xanh thắt đáy và chiếc mũ vải trùm tóc bông bụi bám li ti. Vốn là nơi “đất lành chim đậu”, quy tụ nhiều cư dân từ các miền về sinh sống và lập nghiệp. Thành Nam xưa được mệnh danh là “kẻ chợ”, là một trung tâm thương nghiệp, có nền thủ công mỹ nghệ đa dạng, giao thông đường bộ, đường thuỷ thuận lợi với các phố phường nổi tiếng nghề thủ công nghiệp, buôn bán sôi động chẳng kém Thăng Long, phố Hiến. Nhiều con phố được đặt tên theo các phường nghề, cho thấy sự phát triển về kinh tế - xã hội, xứng với vị thế trung tâm của vùng Nam đồng bằng sông Hồng: “Thành Nam cảnh trí an bài. Phố phường trên bộ, vạn chài dưới sông”. Nhận thấy vị trí “địa lợi” của Thành Nam, sau khi xâm chiếm, thực dân Pháp đã xây dựng Nam Định trở thành thành phố trung tâm công nghiệp lớn thứ 3 của miền Bắc (sau Hà Nội, Hải Phòng). Các sản phẩm dệt may, tơ tằm, đặc biệt là “Sa tanh Nam Định” trở thành thương hiệu nổi tiếng trong nước và nước ngoài.
Một góc Thành Nam. |
Với những ưu thế về nhân lực, vật lực, kinh tế trù phú; với vị trí thuận lợi cả trong phòng ngự, bảo toàn lực lượng cũng như phát động tiến công chiến lược, Thiên Trường xưa đã trở thành vùng đất có vị trí trọng yếu, then chốt trong thế trận quân sự của đất nước và trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm dưới thời nhà Trần. Ở thời đại Hồ Chí Minh, phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng, Đảng bộ, quân và dân Thành Nam một lòng đi theo Đảng và Bác Hồ kính yêu, có những đóng góp xứng đáng trong các cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Từ những năm đầu thế kỷ XX, phong trào đấu tranh của đội ngũ công nhân Nam Định phát triển sâu rộng, gây tiếng vang trong cả nước. Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng bộ, quân và dân thành phố đã anh dũng, kiên cường, thực hiện thắng lợi 86 ngày đêm bao vây, tấn công, tiêu diệt địch, đánh bại âm mưu “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp; kết hợp đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị đứng lên giải phóng thành phố sớm nhất trong các thành phố ở miền Bắc (1-7-1954). Bước vào kháng chiến chống Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, quân và dân thành phố vừa chiến đấu, vừa sản xuất với khẩu hiệu: “Tay thoi, tay súng”, “tay cày, tay súng”, “giặc đến thì chiến đấu, giặc đi thì sản xuất” hoàn thành cao nhất việc chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến. Tổng kết hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, có gần 3 nghìn người con của thành phố đã anh dũng hy sinh trên các mặt trận; có 63 bà mẹ được tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”, trên 24 nghìn người được tặng Huân, Huy chương kháng chiến; nhiều tập thể và cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng. Năm 1978, Đảng bộ, quân và dân Thành phố Nam Định vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Đồng hành cùng lịch sử dân tộc, Thành phố Nam Định, thủ phủ của Thiên Trường xưa và tỉnh Nam Định nay, luôn giữ một vị trí chiến lược và có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển chung của toàn tỉnh; là mạch nguồn xuyên suốt, giữ được vai trò trung tâm văn hóa, kinh tế của khu vực, một vùng địa linh, nhân kiệt, góp phần hội tụ, hình thành và tỏa sáng nhiều giá trị nhân văn của dân tộc.
Nhịp sống mới Thành Nam
Với vị trí quan trọng và thuận lợi của thành phố, Nghị quyết số 54 ngày 14-9-2005 của Bộ Chính trị (khoá IX) về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng vùng đồng bằng sông Hồng đã xác định Thành phố Nam Định là hạt nhân, trung tâm và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 109 ngày 19-5-2006 phê duyệt Đề án quy hoạch tổng thể phát triển Thành phố Nam Định trở thành trung tâm kinh tế, văn hoá xã hội của vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Sau 1 năm được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã đoàn kết, quyết tâm xây dựng và phát triển thành phố theo định hướng và quy hoạch được duyệt, đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Đồng chí Phạm Đình Nghị, Chủ tịch UBND thành phố cho biết: Thời gian qua, được sự quan tâm, đầu tư của Trung ương, sự lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư trực tiếp của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp của các sở, ban, ngành của tỉnh cùng với sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố, nhiều công trình, dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị đã được xây dựng góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, từng bước xây dựng thành phố trở thành trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Tốc độ phát triển kinh tế trên địa bàn thành phố duy trì mức tăng trưởng cao, đạt bình quân 15%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. 7 tháng đầu năm 2013, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố ước đạt 1.262 tỷ đồng, tăng 24,2% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 7.247 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu do thành phố quản lý đạt trên 8 triệu USD. Tại CCN An Xá có 49 doanh nghiệp đang sản xuất; tổng doanh thu 7 tháng đầu năm 2013 ước đạt 612 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 2.800 lao động.
Điểm nhấn lớn nhất trong bức tranh khởi sắc của thành phố là sự phát triển của hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng thương mại, dịch vụ du lịch. Thời gian qua, thành phố tập trung nâng cấp, mở rộng khu vực nội thành với 2 khu đô thị (Hoà Vượng, Thống Nhất) và 5 khu tái định cư với tổng diện tích gần 300ha; đầu tư nâng cấp hè, cống, áp phan 20 tuyến đường nội thành với tổng chiều dài 40km; hoàn thành nâng cấp 2 tuyến Quốc lộ 10 và 21 đạt tiêu chuẩn cấp 3 đồng bằng. Đặc biệt, dự án nâng cấp đô thị Nam Định có tổng mức đầu tư 48,9 triệu USD có tác động trực tiếp đến diện mạo đô thị thành phố, đến nay đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, hoàn thiện và đưa vào sử dụng nhiều công trình, hạng mục như: Dự án mở rộng, cải tạo và nâng cấp Công viên Vỵ Xuyên; Bảo tàng Nam Định; Khu liên hợp Dệt tại lô B (KCN Hoà Xá) của Cty TNHH Youngone; Trung tâm Thương mại Micom Plaza; Dự án di chuyển và đầu tư mở rộng xưởng sản xuất của Cty CP May Sông Hồng; Dự án đầu tư xây dựng Trường THCS Trần Đăng Ninh thành trường đạt chuẩn quốc gia. Tuyến đường Nam Định - Mỹ Lộc được đầu tư xây dựng theo hình thức BOT nằm trong dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định - Phủ Lý với tổng mức đầu tư trên 502 tỷ đồng. Công trình hệ thống kênh bao thoát nước phía bắc thành phố, trạm bơm Quán Chuột là công trình trọng điểm, phục vụ tiêu thoát nước lưu vực phía bắc thành phố với tổng đầu tư 258 tỷ đồng. Chào mừng kỷ niệm 59 năm giải phóng, Thành phố Nam Định đã hoàn thành và đưa vào sử dụng đường Bùi Huy Đáp, Tô Hiến Thành, Nguyễn Văn Trỗi, Ngô Quyền... Thảm bê tông nhựa các tuyến đường khu tái định cư tây Đông Mạc, kè hồ Truyền Thống, cơ khí, xây dựng thêm 2 trường mầm non khu Đồng Quýt và Phạm Ngũ Lão…
Trong thời gian tới, căn cứ điều kiện thực tiễn, Đảng bộ thành phố đề ra 3 nhiệm vụ trọng tâm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo gồm: Đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị; đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường công tác quốc phòng, an ninh, tư pháp với những giải pháp thực hiện cụ thể. Thành phố phấn đấu đến năm 2015, tổng sản phẩm GDP trên địa bàn tăng bình quân 13,5-14,5%/năm trở lên, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 24-25%/năm. Tổng giá trị xuất khẩu đến năm 2015 đạt 200-250 triệu USD; các ngành dịch vụ tăng 26-27%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt từ 40-45 triệu đồng/năm; thu ngân sách tăng bình quân 22-25%/năm. Thành phố đẩy mạnh thực hiện chương trình giảm nghèo, hằng năm giảm 15-20% số hộ nghèo; mỗi năm giải quyết việc làm cho 4.000-5.000 lao động, phấn đấu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2015 đạt 80%. Để thực hiện những mục tiêu đề ra, các giải pháp cơ bản là: Tổ chức thực hiện tốt quy hoạch đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Phối hợp với các địa phương tiếp giáp thành phố trong quản lý đất đai quy hoạch để dành quỹ đất cho việc mở rộng thành phố theo hướng hiện đại, văn minh. Tiếp tục chỉnh trang kết cấu hạ tầng đô thị, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước. Xây dựng thành phố sạch, đẹp, văn minh với hệ thống dịch vụ ngày càng hoàn chỉnh là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội thành phố.
Thành phố Nam Định đang từng ngày đổi thay, vững vàng trên đường phát triển./.
Bài và ảnh: Việt Thắng