“Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) theo chuỗi” là quản lý mọi công đoạn từ sản xuất, đến lưu thông, sơ chế, chế biến thực phẩm, đóng gói để chuyển đến tay người tiêu dùng theo một chuỗi “từ trang trại đến bàn ăn”. Việc quản lý thực phẩm theo chuỗi là một giải pháp mang tính bền vững nhằm quản lý tốt chất lượng ATTP, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Tại tỉnh ta, các ngành đã triển khai thành công một số mô hình thí điểm về chuỗi thực phẩm an toàn. Sở NN và PTNT đang từng bước xiết chặt công tác quản lý VSATTP đối với các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản; đầu tư mua sắm, bổ sung, trang bị một số dụng cụ, hóa chất, thiết bị kiểm tra nhanh, phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra tại cơ sở; đồng thời tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về đảm bảo chất lượng vệ sinh thực phẩm, nông sản cho các chủ thể tham gia chuỗi sản xuất bao gồm: nông dân; ngư dân; chủ trang trại, cơ sở chế biến, thu mua, kinh doanh nguyên liệu… Sản xuất nông nghiệp của tỉnh cũng đang hình thành các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung như: xây dựng 1 vùng sản xuất rau an toàn ở xã Xuân Ninh (Xuân Trường), 1 vùng nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh đảm bảo các quy định về VSATTP theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Giao Phong (Giao Thuỷ) và 3 cơ sở chế biến thủy sản thực hành quy trình quản lý chất lượng và quy phạm vệ sinh tốt (GMP, SSOP). Các cơ sở trên đang từng bước thực hiện sản xuất, sơ chế, chế biến và cung cấp cho thị trường những sản phẩm an toàn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Với vai trò thực hiện việc kiểm soát ATTP theo chuỗi, Sở Công thương đã chỉ đạo kiểm soát hoạt động kinh doanh và tiêu thụ hàng hóa ở cả nguyên liệu và quá trình chế biến, lưu thông trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ xây dựng thương hiệu và tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm đảm bảo chất lượng VSATTP, góp phần phát triển chuỗi sản xuất nông sản thực phẩm trên địa bàn; xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nông sản, thực phẩm sản xuất theo chuỗi. Ngành đã xây dựng thành công 2 mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, gồm mô hình tiêu thụ cà chua nhót, cà chua nhỡ giữa HTXDVNN Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng) với Cty Bao bì kim loại xuất khẩu CFC và mô hình liên kết sản xuất gạo chất lượng cao giữa Cty Lương thực Nam Định với Thị trấn Ngô Đồng (Giao Thủy); tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm giữa các hiệp hội chế biến, trang trại nuôi thủy hải sản, HTXDVNN với các doanh nghiệp, nhà sản xuất trong và ngoài tỉnh. BCĐ liên ngành VSATTP tỉnh có các văn bản chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, đề án về công tác bảo đảm VSATTP và chỉ đạo các ngành, các địa phương thực hiện quản lý theo chuỗi. Sở Y tế đã xây dựng được 2 mô hình điểm về kiểm soát thức ăn đường phố tại phường Quang Trung và phường Thống Nhất (TP Nam Định) và đang từng bước quản lý theo chuỗi mặt hàng thực phẩm chức năng tại các nhà thuốc; thực hiện việc kiểm soát ATTP tại các nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể… Tuy nhiên, quá trình triển khai các mô hình thí điểm về quản lý chuỗi thực phẩm an toàn cũng nảy sinh không ít khó khăn. Phần lớn quy mô các mô hình này còn nhỏ nên chưa tác động nhiều đến cộng đồng. Nhận thức của người sản xuất, người tiêu dùng và doanh nghiệp đối với chuỗi thực phẩm an toàn còn nhiều hạn chế. Việc quy hoạch các vùng trồng trọt, các trang trại chăn nuôi tập trung, khu giết mổ, chợ an toàn trên địa bàn tỉnh chưa thực hiện được; một số vùng nuôi thủy sản của tỉnh đã thực hiện được việc sản xuất thực phẩm sạch nhưng chủ yếu để phục vụ xuất khẩu; phần lớn mô hình sản xuất nông nghiệp của người dân quy mô nhỏ, phát triển tự phát “mạnh ai nấy làm” nên rất khó để tập hợp, thực hành quy định về quản lý chất lượng, từ đó không có khả năng cung ứng ổn định với số lượng lớn các sản phẩm bảo đảm chất lượng và VSATTP. Bên cạnh đó, việc đầu tư các mô hình sản xuất sạch làm tăng giá thành sản phẩm, trong khi các sản phẩm chưa sạch có giá rẻ hơn không bị kiểm soát nên có sức cạnh tranh hơn trên thị trường. Do vậy người sản xuất đang dần từ bỏ các mô hình sản xuất sạch vì phải đầu tư nhiều nhưng lợi ích kinh tế thu được chưa tương xứng. Mặt khác, công tác quản lý hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV), thức ăn chăn nuôi trong sản xuất nông nghiệp chưa được chặt chẽ. Lực lượng quản lý thị trường còn mỏng so với yêu cầu công việc nên quá trình kiểm soát về ATTP theo chuỗi còn hạn chế. Công tác quản lý theo chuỗi cần phải có sự vào cuộc đồng bộ của các đơn vị quản lý ở từng công đoạn khác nhau trong chuỗi để công tác quản lý, kiểm soát ATTP được thống nhất. Đối với hàng hóa vi phạm liên quan đến chất lượng phải yêu cầu giám định mẫu gặp nhiều khó khăn do công tác xét nghiệm ở tỉnh còn hạn chế, việc gửi mẫu đi Trung ương và chờ kết quả mất nhiều thời gian ảnh hưởng tới việc ra quyết định xử phạt vi phạm. Cùng với đó, cơ chế, chính sách để khuyến khích phát triển chuỗi thực phẩm an toàn chưa hoàn thiện. Đặc biệt sự hạn chế trong nhận thức của người tiêu dùng, người sản xuất và doanh nghiệp đối với chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn dẫn đến việc thực phẩm không an toàn, kém chất lượng vẫn có “cơ hội” lưu thông trên thị trường.
Một quầy bán rau củ tại chợ Kênh (TP Nam Định). |
Thực hiện Chiến lược quốc gia ATVSTP giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2030, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2015: 100% cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm quy mô công nghiệp, tập trung được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP; tỷ lệ cơ sở sản xuất, bảo quản, sơ chế, chế biến thực phẩm quy mô tập trung áp dụng các bộ tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng ATTP như GMP (Thực hành sản xuất tốt), HACCP (Phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn), ISO 9001, ISO 22000… đạt 30%; 40% cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 80% bếp ăn tập thể được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP; 100% siêu thị được kiểm soát ATTP; 50% chợ trong quy hoạch và được kiểm soát ATTP (không bao gồm chợ tự phát); giảm 25% số vụ ngộ độc thực phẩm cấp tính từ 30 người mắc trở lên được ghi nhận so với trung bình giai đoạn 2006-2010; tỷ lệ mắc ngộ độc thực phẩm cấp tính dưới 8 người/100.000 dân... Để thực hiện thành công các chỉ tiêu trên, cần xây dựng chuỗi quản lý thực phẩm an toàn với lộ trình phù hợp. Trong đó, những người trồng trọt, chăn nuôi, các nhà sản xuất, chế biến, kinh doanh phải tuân thủ các quy định về VSATTP trong sản xuất và lưu hành sản phẩm đúng theo tiêu chuẩn chất lượng đã công bố hoặc đã được chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy. Người tiêu dùng cần quan tâm nhiều hơn đến chất lượng lương thực, thực phẩm để tạo “sức ép” cho nhà sản xuất, đồng thời hiểu rõ quyền lợi, nghĩa vụ của mình trong thực hiện các quy định về bảo đảm VSATTP, biết cách chọn mua, bảo quản, chế biến thực phẩm an toàn và đấu tranh với các hành vi vi phạm về VSATTP, thực hiện khai báo khi bị NĐTP. Các ngành chức năng cần tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn người sản xuất, kinh doanh tuân thủ các quy định về sử dụng thuốc BVTV trong trồng trọt; thuốc thú y, thuốc kháng sinh trong chăn nuôi; chất bảo quản, phụ gia... và đảm bảo các điều kiện VSATTP trong sản xuất, kinh doanh. Tăng cường tuyên truyền, vận động người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm chất lượng, an toàn, không mua thực phẩm không rõ nguồn gốc. Quy hoạch các vùng trồng trọt, chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa đảm bảo chất lượng ATTP. Tăng cường lấy mẫu kiểm định giám sát chất lượng nông, lâm, thủy sản về số lượng mẫu và chất lượng kiểm nghiệm. Thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ, có hệ thống, theo chuỗi để xác định khâu xung yếu dễ gây mất ATTP nhằm có biện pháp khắc phục./.
Bài và ảnh: Minh Thuận