Tăng cường phòng, chống ngộ độc và các bệnh lây truyền qua thực phẩm

07:09, 26/09/2013

Theo Chi cục ATVSTP tỉnh, từ năm 2000 đến nay, trung bình mỗi năm trên địa bàn tỉnh xảy ra trên 8 vụ NĐTP, 264 người mắc và 0,8 người tử vong. Các vụ NĐTP chủ yếu liên quan đến ăn uống tập trung đông người, nguyên nhân do sử dụng thực phẩm bị ô nhiễm.

Nhếch nhác, lộn xộn, nguy cơ cao về mất ATTP là thực trạng chung của nhiều chợ nông thôn (ảnh chụp tại chợ Cổ Lễ, huyện Trực Ninh).
Nhếch nhác, lộn xộn, nguy cơ cao về mất ATTP là thực trạng chung của nhiều chợ nông thôn (ảnh chụp tại chợ Cổ Lễ, huyện Trực Ninh).

Để tăng cường các biện pháp bảo đảm ATTP, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia ATTP giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2030 và các văn bản chỉ đạo các hoạt động nhằm đảm bảo ATTP từ tỉnh đến cơ sở, đồng thời chỉ đạo các ngành hữu quan và các địa phương tham gia quản lý Nhà nước về ATTP. Mục tiêu đề ra là: Đến năm 2015, các quy hoạch tổng thể về ATTP (từ sản xuất đến tiêu dùng) được triển khai quản lý chặt chẽ, có tác động rõ rệt và toàn diện tới việc cải thiện tình trạng ATTP; đến năm 2020, về cơ bản, việc kiểm soát ATTP trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm được thiết lập và phát huy hiệu quả, chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế. Bên cạnh đó, Sở Y tế đang xây dựng dự thảo trình UBND tỉnh ban hành Đề án "Xây dựng hệ thống cảnh báo nhanh, phòng chống NĐTP và các bệnh lây truyền qua đường thực phẩm” với mục tiêu đáp ứng nhanh việc xử lý các thông tin về sự cố ATTP và nâng cao chất lượng công tác quản lý ATTP; xây dựng các điểm cảnh báo, tiếp nhận các thông tin và xây dựng hệ thống giám sát về ATTP của các ngành Y tế, NN và PTNT, Công thương; triển khai hoạt động phân tích nguy cơ NĐTP ở nhóm thực phẩm có nguy cơ bị ô nhiễm. Cùng với đó, các hoạt động tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật ATTP cho các đối tượng là chủ các doanh nghiệp và những người tham gia kinh doanh thực phẩm cũng được đẩy mạnh. Trong 8 tháng đầu năm 2013, đã có 97 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh được tập huấn, đã cấp chứng chỉ cho 1.169 đối tượng; mở 6 lớp đào tạo về điều tra, xử lý NĐTP, lấy mẫu, thanh tra, lập kế hoạch cho 500 người là cán bộ Trung tâm Y tế các huyện, cán bộ các ngành NN và PTNT, Công thương, trưởng trạm và cán bộ chuyên trách về ATTP ở các trạm y tế. Công tác giám sát, phòng ngừa NĐTP cũng được tăng cường triển khai tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, quán ăn, chợ, cửa hàng ăn uống. Đặc biệt tại các bếp ăn tập thể ở trường học, Chi cục thực hiện việc giám sát lưu mẫu thức ăn, còn ở các doanh nghiệp, Chi cục yêu cầu tự tổ chức giám sát thường xuyên và định kỳ gửi mẫu thực phẩm để kiểm tra… Ngành Y tế phối hợp với ngành NN và PTNT chủ động triển khai giám sát các mối nguy như giám sát thực phẩm thông dụng và giám sát thực phẩm có nguy cơ mất ATTP cao. Hiện, Chi cục ATVSTP tỉnh đang triển khai đề án ATTP cho loại hình thức ăn đường phố; trước mắt xây dựng mô hình điểm thức ăn đường phố tại 2 phường Quang Trung và Thống Nhất (TP Nam Định) từ đó rút kinh nghiệm cho công tác quản lý; tổ chức tập huấn, phổ biến quy định ATTP, quản lý sức khỏe, giám sát kiểm tra lấy mẫu xét nghiệm, điều tra kiến thức, thái độ, thực hành của các nhóm đối tượng kinh doanh thức ăn đường phố trên địa bàn 2 phường; yêu cầu các cơ sở này dùng tủ kính bày thức ăn, dụng cụ gắp thức ăn riêng… Hiện, Chi cục ATVSTP tỉnh cũng đang triển khai giám sát 7 nhóm mặt hàng, gồm: giò, chả, thịt quay, nước uống đóng bình, kem, đá lạnh, bún, bánh phở, dầu, mỡ dùng cho chiên rán ở các chợ: Hạ Long, Đồng Tháp Mười, Diên Hồng… và các quầy bán thức ăn đường phố. Hằng tháng, Chi cục đều lấy mẫu giám sát xét nghiệm (tỷ lệ thực phẩm không đảm bảo ATTP khoảng 38,4%) và xây dựng kế hoạch triển khai công tác thanh tra, kiểm tra tại cơ sở. BCĐ liên ngành VSATTP tỉnh đã giao Sở Y tế chủ trì, thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để triển khai các hoạt động thanh tra, kiểm tra vào các dịp lễ, tết. Từ việc triển khai đồng bộ các hoạt động tăng cường bảo đảm ATTP, phòng, chống NĐTP, hệ thống tổ chức quản lý Nhà nước về ATTP được cải thiện rõ rệt cả về số lượng và chất lượng, góp phần kiểm soát hiệu quả quá trình sản xuất, lưu thông và đảm bảo ATTP trong khách sạn, nhà hàng, bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố. Hệ thống kiểm nghiệm ATTP cũng đang dần đáp ứng yêu cầu chuyên môn, kỹ thuật phục vụ công tác quản lý Nhà nước về ATTP. Tỷ lệ người mắc do NĐTP ở tỉnh ta đã giảm, nhận thức của lãnh đạo các cấp, các doanh nghiệp, người tiêu dùng về vấn đề ATTP được cải thiện; vai trò của các cấp chính quyền được đề cao, sự phối hợp liên ngành được tăng cường và ngày càng có hiệu quả; công tác thanh tra, kiểm tra được triển khai nghiêm túc, đồng bộ đã phát hiện nhiều sai phạm và có biện pháp xử lý kịp thời; chủ động giám sát định kỳ nguy cơ ô nhiễm thực phẩm và tiến hành giám sát các mẫu thực phẩm có nguy cơ cao, từ đó có biện pháp cụ thể để phòng ngừa NĐTP và các bệnh truyền qua thực phẩm.

Để chủ động bảo đảm ATTP, phòng, chống NĐTP, bệnh truyền qua thực phẩm, BCĐ liên ngành VSATTP tỉnh đã ban hành Công văn 880/BCĐ LNATTP ngày 15-8-2013 về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm ATTP, phòng, chống NĐTP và các bệnh lây truyền qua thực phẩm. Theo đó, các Sở NN và PTNT, Công thương, Y tế, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các đơn vị, cơ quan chức năng thuộc quyền quản lý tập trung, khẩn trương chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác thông tin, tuyên truyền về kiến thức ATTP, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về ATTP để nâng cao trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện vệ sinh ATTP, chủ động xây dựng kế hoạch bảo đảm ATTP cho các đối tượng có nguy cơ cao trong địa bàn quản lý. Tăng cường kiểm soát ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt tập trung các cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, khu du lịch, lễ hội, bữa ăn tập trung đông người. Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống NĐTP và các quy định, điều kiện ATTP đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và kinh doanh thức ăn đường phố. Tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành bảo đảm ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là các cơ sở sản xuất thực phẩm ăn liền, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể, các cơ sở kinh doanh nước giải khát, kem, bia, nước đá, cơ sở thức ăn đường phố. Phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm quy định ATTP trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; công khai các cơ sở vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ngành Y tế xây dựng kế hoạch, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, trang thiết bị chuyên môn, tổ chức cấp cứu, điều trị kịp thời, đảm bảo giảm thiểu tối đa tỷ lệ tử vong trong các vụ NĐTP trên địa bàn./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com