Nhằm thu hút ngày càng đông phụ nữ tham gia sinh hoạt, những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã có nhiều cố gắng trong việc tìm, mở rộng các mô hình tập hợp, thu hút hội viên, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt Hội theo hướng ngày càng thiết thực, hiệu quả, gắn kết hội viên với tổ chức Hội.
Một buổi sinh hoạt của tổ doanh nhân nữ xã Bạch Long (Giao Thuỷ). |
Nghĩa Hưng là huyện ven biển có đông đồng bào theo đạo Thiên chúa, công tác tập hợp hội viên gặp nhiều khó khăn. Hội LHPN huyện đã chỉ đạo Hội Phụ nữ các xã, thị trấn đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, xây dựng các mô hình tập hợp hội viên phù hợp để thu hút chị em tham gia như các mô hình: "CLB nữ công dưỡng sinh" ở xã Nghĩa Châu, "Tổ phụ nữ đơn thân" ở xã Nghĩa Trung, "Tổ phụ nữ trẻ" ở xã Nghĩa Lâm hoặc các mô hình tập hợp phụ nữ theo ngành nghề như "Tổ phụ nữ khai khác thuỷ sản" xã Nam Điền, "Nhóm phụ nữ trẻ nghề may công nghiệp" ở xã Nghĩa Sơn. Hội LHPN huyện còn thành lập các mô hình "CLB chức việc", "CLB ni giới" để thu hút phụ nữ các tôn giáo tham gia... Đến nay cả 10 huyện, thành phố trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động xây dựng mô hình mới tập hợp, thu hút hội viên tùy theo đặc thù địa bàn, đối tượng như: chi hội Nữ tu dòng Trinh Vương, xã Xuân Ngọc (Xuân Trường) với 100 hội viên; chi hội “Nữ công nhân lao động KCN sinh hoạt Hội tại nơi thuê trọ”, xã Mỹ Xá (TP Nam Định) với 475 hội viên; “Tổ hội Mẹ” xã Hải Long (Hải Hậu); CLB nữ sinh viên thuê trọ tại các xã Thành Lợi, Liên Bảo (Vụ Bản), CLB phụ nữ trẻ tại xã Nghĩa An (Nam Trực); CLB “Vợ thương binh, liệt sĩ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, Hội Phụ nữ các chợ của Thành phố Nam Định… Cùng với việc chỉ đạo xây dựng các mô hình tập hợp, thu hút hội viên, Hội LHPN các cấp trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích thiết thực cho các tầng lớp phụ nữ, tạo “sức hút” để ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia tổ chức Hội. Các cấp Hội còn chủ động phối hợp với các ban, ngành có liên quan đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao kiến thức về chăm sóc sức khoẻ sinh sản, dân số - KHHGĐ, nuôi dạy con, phòng, chống dịch bệnh, phòng, chống HIV/AIDS, an toàn giao thông… cho các tầng lớp phụ nữ. Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục do các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh tổ chức đã thu hút trên 95% cán bộ, hội viên tham gia, góp phần nâng cao nhận thức, trình độ, năng lực của phụ nữ. Bên cạnh đó, các cấp Hội Phụ nữ còn chú trọng triển khai các hoạt động hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, dạy nghề, tạo việc làm giúp chị em tăng thu nhập. Hằng năm, các cấp Hội phối hợp với các ngành chức năng tập huấn cho hàng nghìn lượt cán bộ, hội viên phụ nữ các kiến thức như: chuyển đổi cơ cấu, cây trồng vật nuôi, phòng trừ sâu bệnh hại lúa, nuôi trồng thuỷ sản, phát triển các nghề truyền thống; tư vấn phát triển kinh doanh cho doanh nhân nữ, phụ nữ làm kinh doanh... Hội đã chủ động phối hợp với các tổ chức tín dụng như Ngân hàng CSXH, Ngân hàng NN và PTNT, Quỹ Tình thương… khai thác các nguồn vốn với lãi suất ưu đãi giúp hội viên phát triển kinh tế. Hiện nay, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đang quản lý hơn 1.150,48 tỷ đồng, cho 111.591 hội viên vay vốn, tăng 101 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2011. Cùng với hoạt động hỗ trợ nguồn vốn, các cấp Hội còn thường xuyên chú trọng đến công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, để chị em có việc làm ổn định tại chỗ, có điều kiện tham gia sinh hoạt tổ chức Hội cũng như chăm sóc gia đình, con cái. Đến nay, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã tập hợp được 395.449 hội viên, đạt 76,5% tổng số nữ.
Tuy nhiên theo khảo sát vào tháng 5-2013, số hội viên phụ nữ tham gia trong các tổ chức Hội năm 2013 giảm trên 5.000 hội viên so với cuối năm 2012, trong đó một số đơn vị có tỷ lệ hội viên giảm nhiều như Thành phố Nam Định, các huyện Ý Yên, Trực Ninh, Nam Trực. Nguyên nhân do hiện nay, tỷ lệ phụ nữ đi làm ăn xa, đi học nghề, đi làm công nhân ở các khu, CCN ngày càng tăng dẫn đến tỷ lệ hội viên tham gia sinh hoạt giảm. Một số đơn vị các chi hội nhà trường không tham gia tổ chức Hội. Bên cạnh đó, một số phụ nữ có mặt tại địa phương nhưng chưa tham gia sinh hoạt Hội do tâm lý tự ti, an phận, một số do vi phạm chính sách dân số, mắc TNXH nên ngại tham gia tổ chức Hội. Hiện nay số phụ nữ từ 60 tuổi trở lên có xu hướng thôi không tham gia sinh hoạt Hội Phụ nữ. Tại các huyện Vụ Bản, Ý Yên, Giao Thuỷ vẫn còn một số chi hội có tỷ lệ tập hợp hội viên dưới 50%, hầu hết tập trung tại các địa bàn có đông đồng bào theo đạo Thiên chúa, nơi có địa bàn dân cư rộng, cán bộ Hội có sự biến động thường xuyên hoặc nơi phụ nữ không có việc làm ổn định, nhiều phụ nữ phải đi làm ăn xa…
Nhằm tiếp tục tăng cường công tác tập hợp hội viên, nâng cao chất lượng hoạt động trong các tổ chức Hội, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo Hội LHPN các huyện, thành phố thường xuyên rà soát, nắm chắc số phụ nữ có mặt tại địa bàn, số phụ nữ chưa tham gia vào Hội để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, vận động chị em tham gia sinh hoạt Hội. Các cấp Hội cần thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức hoạt động, mở rộng tính liên hiệp của tổ chức Hội, tăng cường các hoạt động thu hút, tập hợp hội viên, tiếp tục nghiên cứu xây dựng các mô hình mới tập hợp hội viên hướng đến đối tượng phụ nữ cao tuổi, nữ thanh niên, công nhân lao động trong các doanh nghiệp là những đối tượng chưa tham gia vào tổ chức Hội. Quan tâm hỗ trợ các nguồn vốn vay, đầu tư các chương trình, dự án phù hợp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động ở những địa bàn khó khăn, đặc thù như địa bàn tôn giáo, địa bàn có đông phụ nữ đi làm ăn xa, nơi có tỷ lệ tập hợp hội viên thấp, góp phần động viên chị em gắn bó, tham gia trong các tổ chức Hội./.
Bài và ảnh: Hoài Phương