Những thách thức trong công tác Dân số - KHHGĐ ở tỉnh ta

08:09, 10/09/2013

Thời gian qua, bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác dân số - KHHGĐ ở tỉnh ta đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Mức sinh thay thế đã đạt được từ năm 2005 nhưng chưa thực sự vững chắc, nhất là ở vùng ven biển, vùng đông dân nghèo, quy mô dân số lớn. Tính đến 31-12-2012, dân số tỉnh ta là trên 1,9 triệu người, xếp thứ 7 trong số 63 tỉnh, thành phố trong cả nước; diện tích tự nhiên hẹp, mật độ dân cư lớn (1.170 người/km2) trong khi bình quân mỗi năm dân số trong tỉnh vẫn tiếp tục tăng gần 20 nghìn người. Với một tỉnh nông nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội còn khó khăn, tốc độ gia tăng dân số đặt ra sức ép về phát triển các điều kiện cơ sở hạ tầng về nhà ở, học hành, khám chữa bệnh, việc làm, vui chơi giải trí và vấn đề tăng trưởng kinh tế hằng năm. Bên cạnh đó, công tác dân số thời gian qua còn có sự mất cân đối, chỉ mới tập trung vào mục tiêu giảm sinh, mà chủ yếu là tập trung vào các biện pháp tránh thai, còn vấn đề chất lượng, cơ cấu dân số, phân bổ dân cư… chưa được chú trọng. Do đó chất lượng dân số ở tỉnh ta thể hiện ở chiều cao, cân nặng, sức bền của thanh niên còn thấp; tỷ lệ người khuyết tật, trẻ em sinh ra mắc các bệnh di truyền, bẩm sinh còn cao. Mặc dù tuổi thọ trung bình của người dân đạt 73,5 tuổi nhưng tuổi thọ khỏe mạnh chỉ đạt 66 tuổi, đặt ra những thách thức lớn trong việc chăm sóc người già và vấn đề an sinh xã hội.

Chi cục Dân số - KHHGĐ và Hội KHHGĐ tỉnh phối hợp với Trường THPT Trần Hưng Đạo (TP Nam Định) tổ chức giao lưu chủ đề “Học sinh với SKSS và phòng chống HIV/AIDS”.
Chi cục Dân số - KHHGĐ và Hội KHHGĐ tỉnh phối hợp với Trường THPT Trần Hưng Đạo (TP Nam Định) tổ chức giao lưu chủ đề “Học sinh với SKSS và phòng chống HIV/AIDS”.

Dân số trẻ mang đến nguồn nhân lực dồi dào nhưng tỷ lệ lao động được đào tạo còn thấp, người lao động chưa có việc làm chiếm trên 2%. Mặc dù nhận thức của toàn xã hội về công tác dân số - KHHGĐ đã được nâng lên, quan niệm về hôn nhân, sinh đẻ đã có chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn nhiều yếu tố chi phối mức sinh. Đặc biệt, trong 2 năm trở lại đây, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên tăng cao đột biến… Cùng với đó, sự chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh cao cũng đang trở thành một vấn đề xã hội lớn; năm 2012 là 120 trai/100 gái; 6 tháng đầu năm 2013 là 117 trai/100 gái. Tỉnh ta đang là một trong 10 tỉnh có sự chênh lệch tỷ số giới tính cao nhất cả nước... Một khó khăn nữa là bộ máy tổ chức của hệ thống làm công tác dân số chưa thực sự ổn định. Số lượng cán bộ, CTV chưa đáp ứng được yêu cầu công việc, nhất là ở những địa bàn có số dân quá lớn hoặc diện tích quá rộng và địa hình khó khăn. Mức trợ cấp hằng tháng cho cán bộ dân số - KHHGĐ cấp xã, CTV ở cơ sở thấp, không có chế độ BHXH khiến họ không yên tâm công tác, dẫn đến mỗi năm có khoảng 20% cán bộ chuyên trách dân số xã thôi việc hoặc chuyển công tác; 30% CTV dân số biến động. Nguồn kinh phí đầu tư cho công tác dân số - KHHGĐ ngày càng hạn chế, nhất là kinh phí cho hoạt động truyền thông…

Trước những khó khăn, thách thức trên, thời gian qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh đối với công tác dân số - KHHGĐ được tăng cường. Các cấp uỷ Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã tích cực triển khai các chính sách khuyến khích, hỗ trợ của Trung ương và địa phương để đạt được các mục tiêu quan trọng về quy mô, cơ cấu, chất lượng dân số và phân bố dân cư. Bộ máy cán bộ làm công tác dân số - KHHGĐ các cấp tiếp tục được củng cố, kiện toàn thông qua việc bổ sung biên chế cán bộ; đào tạo, đào tạo lại, tập huấn bồi dưỡng nâng cao năng lực trình độ, sự nhiệt tình, tính chuyên nghiệp. Công tác truyền thông được đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả theo hướng đa dạng hóa các hình thức truyền thông và phương thức tiếp cận phù hợp với đối tượng tuyên truyền; ưu tiên hướng về cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng đông dân, vùng ven biển còn nhiều khó khăn trong việc thực hiện chính sách dân số. Thực hiện xã hội hóa sâu rộng đối với công tác dân số - KHHGĐ, tỉnh ta đã huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, đoàn thể nhân dân và tổ chức xã hội tham gia công tác dân số - KHHGĐ trên cơ sở phân công, phân cấp theo quy chế phối hợp rõ ràng. Tỉnh đã triển khai các đề án, mô hình can thiệp đối với những nhóm đối tượng có nhiều đặc thù trong công tác dân số như: “Tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân”, “Sàng lọc trước sinh, sơ sinh”, “Chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng”, “Kiểm soát và nâng cao chất lượng dân số vùng biển, đảo và ven biển”. Đặc biệt, trước tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn chưa kiểm soát được, năm 2013, tỉnh ta tiếp tục được Tổng cục Dân số - KHHGĐ đầu tư kinh phí triển khai đề án “Can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh” ở cả 229 xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, để giải quyết những vấn đề, thách thức, khó khăn trong công tác dân số - KHHGĐ ở tỉnh ta, cần có sự đồng thuận vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội với tinh thần trách nhiệm cao vì tương lai của nhiều thế hệ./.

Bài và ảnh: Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com