Nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo, những năm qua, các trường cao đẳng (CĐ), trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) trên địa bàn tỉnh đã thực hiện hiệu quả việc xây dựng, biên soạn, điều chỉnh chương trình, giáo trình các môn học chung. Những chương trình, giáo trình được nghiệm thu và sử dụng trong công tác giảng dạy ở các trường CĐ, TCCN tích hợp trí tuệ của các nhà giáo có uy tín và dày dạn kinh nghiệm.
Học sinh lớp trung cấp may công nghiệp, Trường Cao đẳng Công nghiệp Nam Định trong giờ thực hành. |
Trước yêu cầu của công tác GDCN, đào tạo nghề hiện nay là đổi mới nội dung, chương trình, sách giáo khoa, giáo trình theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, nâng cao năng lực tự học, tự rèn luyện của học sinh, sinh viên, thực hiện chỉ đạo của các bộ, ngành Trung ương và Sở GD và ĐT, các trường CĐ, TCCN trong tỉnh đã tập trung xây dựng, biên soạn và điều chỉnh chương trình, giáo trình. Cùng với việc xây dựng kế hoạch cụ thể trong từng năm học, nhiều trường đã thành lập hội đồng biên soạn, xây dựng đề cương chi tiết, hợp đồng với tác giả, tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp, tổ chức thẩm định, nghiệm thu… Bên cạnh đó, nhiều trường CĐ, TCCN đã tiến hành hướng dẫn quy trình thực hiện đề án biên soạn chương trình, giáo trình với những biểu mẫu cụ thể, giao kế hoạch cho các khoa, phòng, tổ bộ môn và cán bộ quản lý, giáo viên… Sau mỗi năm học, các trường đều tổ chức đánh giá, thẩm định rút ra những kinh nghiệm hay, những khâu, những việc chưa đạt yêu cầu. Trường CĐ Công nghiệp Nam Định, từ nhiều năm nay, căn cứ chương trình khung của Bộ GD và ĐT, trên cơ sở tham khảo chương trình đào tạo tiên tiến, hằng năm nhà trường tổ chức rà soát, chỉnh lý, biên soạn lại mục tiêu, nội dung chương trình đào tạo của từng ngành, nghề cho phù hợp. Nội dung đào tạo sát với thực tiễn, lược bỏ những nội dung không còn phù hợp với thực tiễn và bổ sung những kiến thức mới, công nghệ mới, sắp xếp lại quy trình đào tạo cho phù hợp với quá trình nhận thức của người học. Năm 2012, nhà trường đã biên soạn “chuẩn hóa” 10 chương trình đào tạo bậc CĐ, 7 chương trình đào tạo TCCN và 20 chương trình đào tạo nghề; biên soạn và phát hành 26 bài giảng của 26 học phần phục vụ cho đào tạo theo học chế tín chỉ. Ngoài ra, để phục vụ công tác giảng dạy và học tập, nhà trường đã phát hành hơn 830 quyển gồm các bài giảng và nội dung chương trình đào tạo, trong đó, gồm các chương trình đào tạo bậc CĐ, bậc liên thông, bậc TCCN, bậc dạy nghề. Bên cạnh đó, mỗi năm, nhà trường được Bộ Công thương giao chỉ tiêu từ 1-2 đề tài nghiên cứu khoa học và có từ 5-10 đề tài nghiên cứu khoa học cấp khoa, cấp trường. Có uy tín trong việc xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình giảng dạy, nhà trường đã được Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB và XH) giao xây dựng chương trình khung, phân tích nghề, phân tích công việc, xây dựng ngân hàng câu hỏi cho đào tạo bậc dạy nghề đối với hệ CĐ và TC nghề trong toàn quốc. Với chương trình đào tạo và bài giảng có chất lượng, sát với thực tế nên hầu hết học sinh, sinh viên của nhà trường sau khi tốt nghiệp đều được các doanh nghiệp, nhà sản xuất tiếp nhận vào làm việc, có thu nhập ổn định và được đánh giá tốt về trình độ tay nghề. Năm học vừa qua, nhà trường đã được Bộ GD và ĐT cấp phép mở thêm 5 ngành đào tạo bậc CĐ gồm: công nghệ kỹ thuật ô tô, công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, truyền thông và mạng máy tính, tài chính - ngân hàng, thiết kế thời trang.
Theo thống kê, trong năm học 2012-2013, ngành GDCN của tỉnh đã biên soạn và điều chỉnh 120 bộ giáo trình của 42 ngành nghề đào tạo. Hầu hết các bộ giáo trình được hội đồng thẩm định đánh giá đạt yêu cầu về cập nhật kiến thức hiện đại, bảo đảm tính khoa học, sư phạm và thực tiễn. Trong quá trình xây dựng chương trình, biên soạn và điều chỉnh giáo trình, các trường đã tạo cơ hội để các giáo viên được tiếp xúc trao đổi, nghe ý kiến của các nhà giáo, cán bộ quản lý có kinh nghiệm, các nhà khoa học, lãnh đạo các doanh nghiệp có sử dụng lao động qua đào tạo và là dịp để các thầy, cô phải cập nhật kiến thức, nhờ đó trình độ đội ngũ giáo viên trong các nhà trường được nâng lên. Quá trình này cũng góp phần xây dựng nền nếp trong quản lý công tác đào tạo của các trường, bởi khi xây dựng chương trình, biên soạn, điều chỉnh giáo trình, ngoài việc xác định mục tiêu và những yêu cầu mà người học cần đạt sau mỗi môn học, xây dựng các mẫu chuẩn, các trường phải đầu tư trang thiết bị, điều kiện dạy học bắt buộc để bảo đảm chất lượng dạy, học và rà soát lại tỷ lệ phân chia thời gian cho lý thuyết và thực hành. Đây là điều rất quan trọng đối với học sinh các trường chuyên nghiệp bởi khi học sinh đi làm nếu có thay đổi về công nghệ vẫn có đủ kiến thức cơ bản và kỹ năng thực hành nghề và phương pháp tư duy để nắm bắt công nghệ mới. Năm học 2012-2013, 100% các trường chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh đều thực hiện đánh giá kết quả học tập của học sinh gắn với chuẩn năng lực, trong đó đã có 65% học sinh đạt học lực khá, giỏi, 30% đạt học lực trung bình. Việc xây dựng chương trình, biên soạn và điều chỉnh giáo trình cho các môn học góp phần hoàn thiện hệ thống chương trình, giáo trình trong các trường chuyên nghiệp, giúp các nhà trường nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực ngày càng cao của xã hội./.
Bài và ảnh: Hồng Minh