Hội Nông dân Thị trấn Rạng Đông hỗ trợ hội viên phát triển nuôi thủy sản

08:09, 14/09/2013

Thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng) có địa hình trải dài trên 8km, tiếp giáp hai cửa sông lớn là sông Ninh Cơ và sông Đáy với vùng bãi bồi ven biển khá rộng, là điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế biển. Mặc dù mới được thành lập từ năm 2004, nhưng những năm qua, HND Thị trấn Rạng Đông đã tích cực tuyên truyền, vận động và hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, trong đó tập trung khai thác tiềm năng tự nhiên phát triển nuôi thủy sản. Với tổng diện tích đất tự nhiên 1.330,67ha; trong đó có 250ha chuyển đổi từ diện tích đất trũng cấy lúa năng suất thấp sang nuôi thuỷ hải sản ở vùng nước mặn, lợ và nước ngọt, trên cơ sở các quy hoạch của địa phương, HND thị trấn đã tham mưu với Đảng ủy, UBND thị trấn tạo điều kiện khuyến khích các hộ nông dân đầu tư phát triển các mô hình sản xuất phù hợp. Đến nay, thị trấn đã có 320 hộ nuôi tôm, cua, cá bống bớp, cá mú... ở vùng nước mặn, lợ với diện tích 116ha; 240 hộ nuôi cá lóc bông, cá diêu hồng… ở vùng nước ngọt với diện tích 134ha. Bên cạnh đó thị trấn còn được UBND tỉnh giao quản lý 807ha đầm vùng Đông Nam Điền và bãi bồi ven biển, bao gồm 584ha nuôi thuỷ, hải sản và 223ha bãi bồi ven biển trong đó có 83,5ha nuôi vạng.

Mô hình nuôi cá bống bớp giống của gia đình ông Nguyễn Văn Mười, khu phố 5, Thị trấn Rạng Đông, mỗi năm cho thu nhập trên 200 triệu đồng.
Mô hình nuôi cá bống bớp giống của gia đình ông Nguyễn Văn Mười, khu phố 5, Thị trấn Rạng Đông, mỗi năm cho thu nhập trên 200 triệu đồng.

Để nâng cao trình độ kỹ thuật nuôi thủy hải sản cho cán bộ, hội viên nông dân, từ năm 2010 được sự hỗ trợ của HND tỉnh, huyện…, HND thị trấn đã tích cực mở các lớp tập huấn phổ biến kiến thức về nuôi thuỷ sản, các biện pháp kỹ thuật và định hướng kinh doanh, tiếp thị sản phẩm… Nhờ vậy đã xuất hiện nhiều mô hình nuôi thuỷ sản đạt hiệu quả cao, đảm bảo VSATTP và bảo vệ môi trường. Tiêu biểu như mô hình của anh Phạm Văn Quang, hội viên chi hội 8 với mô hình nuôi cá lóc bông; mô hình nuôi cá bống bớp của gia đình anh Trần Văn Mạnh, hội viên chi hội 4… Anh Đàm Văn Điều, Chi hội nông dân 7 cho biết, nhờ được tập huấn kỹ thuật nuôi thủy sản, gia đình anh đã nhận đấu thầu trên 4.000m2 ruộng trũng để đầu tư chuyển đổi mô hình nuôi thuỷ sản quảng canh sang nuôi theo phương pháp thâm canh. Đối tượng con nuôi chủ yếu là cá lóc bông và thả xen canh các loại cá truyền thống, mỗi năm, thu nhập trên 150 triệu đồng. Đồng chí Phạm Ngọc Minh, Chi hội trưởng Chi hội 5, cho biết, qua các buổi tập huấn, bên cạnh việc được đào tạo nâng cao năng lực nuôi thuỷ, hải sản đạt hiệu quả, cán bộ, hội viên trong chi hội còn được phân tích sâu về việc phát triển ngành nuôi thuỷ sản, các biện pháp kinh doanh, quản lý sản xuất, phương pháp tiếp thị, phân tích, đánh giá thị trường để phát triển sản xuất phù hợp, từ đó áp dụng vào thực tế nuôi thuỷ sản. Đến nay, thị trấn có 2/3 số hộ nuôi thủy sản chuyển đổi từ hình thức nuôi quảng canh sang nuôi thâm canh. Nhiều hộ hội viên nông dân đầu tư cải tạo ao đầm đúng quy trình được tập huấn, tập trung nuôi những giống hải sản có giá trị kinh tế cao như cá mú, cá bống bớp. Tiêu biểu như hộ các anh Nguyễn Văn Thắng, Trần Văn Mạnh… nuôi cá bống bớp cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Bên cạnh việc hỗ trợ hội viên về kỹ thuật nuôi thủy sản, HND thị trấn còn tích cực tìm kiếm các nguồn kinh phí để hỗ trợ hội viên đầu tư phát triển sản xuất. HND thị trấn đã phối hợp với Ngân hàng CSXH, Ngân hàng NN và PTNT tạo điều kiện cho 231 hội viên vay vốn với tổng số tiền trên 4,269 tỷ đồng để phát triển sản xuất. Tiêu biểu như các hộ: Anh Trần Văn Mạnh ở xóm 5 được vay 150 triệu đồng từ Ngân hàng NN và PTNT để đầu tư nuôi cá bống bớp thương phẩm trên diện tích 5.000m2; ông Nguyễn Văn Đoàn, khu 6, được vay 200 triệu đồng đã đầu tư xây dựng trang trại nuôi cá bống bớp, tôm sú; ông Hoàng Văn Minh, đấu thầu 3ha trên khu 6. Năm 2009, được địa phương tạo điều kiện, ông Minh đã đầu tư xây dựng 21 ao sản xuất tôm sú, cá bống bớp giống, trên bờ trồng cây đinh lăng, cây cảnh. Để bảo đảm thành công, ông thuê 3 kỹ sư chuyên ngành thủy sản giúp ông về kỹ thuật sản xuất. Nhờ đó, mỗi năm ông sản xuất được 4 triệu con giống cá bống bớp cung ứng cho các hộ nuôi trong huyện và huyện Hải Hậu; thu hoạch 5-7 tấn tôm sú. Ngoài ra, ông còn cung cấp dịch vụ, kỹ thuật nuôi, thức ăn… đảm bảo chất lượng. Năm 2012, tổng thu nhập trang trại đạt trên 1,2 tỷ đồng, dự kiến năm 2013 thu gần 2 tỷ đồng.

Với việc đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nông dân phát triển nuôi thuỷ hải sản, HND Thị trấn Rạng Đông đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho hội viên. Những năm qua, tỷ lệ kết nạp hội viên mới của HND thị trấn không ngừng tăng lên. Trong 2 năm (2012-2013), HND thị trấn đã kết nạp 385 hội viên, nâng tổng số hội viên của thị trấn lên 636 hội viên. Nhiều năm qua, HND thị trấn luôn được Trung ương HND Việt Nam tặng Bằng khen, 10/12 chi hội và nhiều hội viên tiêu biểu được HND các cấp khen thưởng./.

Bài và ảnh: Thanh Tuấn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com