Với việc triển khai thực hiện nhiều biện pháp hiệu quả, đồng bộ, thời gian qua, công tác xây dựng, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) trên địa bàn tỉnh đã từng bước đi vào nền nếp. Các văn bản trái pháp luật hoặc chưa phù hợp với điều kiện thực tế đã được phát hiện, xử lý, khắc phục, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý Nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Cán bộ Phòng Kiểm tra văn bản (Sở Tư pháp) tiến hành thẩm định các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND tỉnh ban hành. |
Hằng năm, UBND các cấp đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát văn bản QPPL về nội dung Nghị định 16/2013/NĐ-CP và trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL; một số nội dung cơ bản trong công tác xây dựng văn bản QPPL, theo dõi tình hình thi hành pháp luật; công tác kiểm tra, xử lý văn bản QPPL của HĐND, UBND… Qua đó giúp đội ngũ cán bộ, công chức cơ quan tư pháp; cán bộ Văn phòng HĐND, UBND các cấp nắm vững và tham mưu cho lãnh đạo đơn vị trong quá trình soạn thảo, ban hành, kiểm tra, rà soát văn bản QPPL đảm bảo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật. Từ đầu năm đến nay, Sở Tư pháp đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức 10 lớp tập huấn cho gần 700 lượt cán bộ, công chức cơ quan tư pháp, cán bộ Văn phòng HĐND thành phố, UBND các huyện và các xã, thị trấn trong tỉnh. Sở Tư pháp đã thực hiện việc thẩm định các dự thảo văn bản QPPL của HĐND và UBND tỉnh ban hành và đóng góp ý kiến vào dự thảo văn bản của Trung ương, của địa phương. Việc thẩm định và đóng góp ý kiến vào dự thảo văn bản được thực hiện theo đúng thời gian, trình tự và thủ tục được quy định. Các văn bản do Sở Tư pháp thẩm định và đóng góp ý kiến đã được các cơ quan soạn thảo tiếp thu, chỉnh sửa và đánh giá cao. Từ đầu năm 2013 đến nay, Sở Tư pháp đã thẩm định 11 dự thảo văn bản QPPL của HĐND và UBND tỉnh ban hành và đóng góp ý kiến vào 23 dự thảo văn bản của Trung ương, của địa phương. Đặc biệt ngành Tư pháp đã tham mưu giúp HĐND, UBND các cấp tổ chức lấy ý kiến đóng góp Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 thông qua các hoạt động như: hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác tổ chức lấy ý kiến ở các ngành, địa phương theo kế hoạch chỉ đạo, tham mưu tổ chức các hội thảo, hội nghị lấy ý kiến; phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu, giúp Thường trực HĐND tỉnh xây dựng Báo cáo tình hình triển khai việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để báo cáo Trung ương đảm bảo đúng tiến độ, thời gian, nhiều nội dung đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có chất lượng được ghi nhận. Ngoài ra, Sở Tư pháp đã giúp UBND tỉnh tự kiểm tra 2.250 văn bản đã ban hành; tổ chức kiểm tra 42.069 văn bản QPPL do UBND cấp huyện ban hành tại 5 đơn vị, đã đề nghị xử lý các văn bản có dấu hiệu vi phạm theo quy định của pháp luật.
Trong công tác theo dõi thi hành pháp luật, Sở Tư pháp đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2013. Theo đó Sở Tư pháp có trách nhiệm xem xét, đánh giá thực trạng việc soạn thảo, ban hành văn bản QPPL của 45 đơn vị là HĐND, UBND xã, thị trấn của 9 huyện, từ đó có kiến nghị cụ thể đối với HĐND, UBND tỉnh, UBND các huyện đối với công tác này, nhằm từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác soạn thảo, ban hành văn bản QPPL của chính quyền địa phương, nhất là trong bối cảnh tỉnh ta đang thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện. Thực hiện kế hoạch, từ đầu năm đến nay, Sở Tư pháp đã thành lập đoàn theo dõi thi hành pháp luật, xem xét việc soạn thảo, ban hành văn bản QPPL tại 25 xã, thị trấn của 5 huyện: Mỹ Lộc, Ý Yên, Vụ Bản, Nam Trực, Nghĩa Hưng. Qua công tác theo dõi cho thấy, việc ban hành văn bản QPPL của cấp xã đều đúng chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất trong hệ thống văn bản, góp phần giải quyết những công việc cụ thể cũng như đáp ứng nguyện vọng của nhân dân trong quá trình quản lý Nhà nước ở địa phương. Tại các huyện, thành phố, công tác xây dựng văn bản QPPL có nhiều chuyển biến tích cực. Phòng Tư pháp các huyện, thành phố đã chủ động tham mưu với UBND cùng cấp thực hiện tốt công tác soạn thảo, ban hành, kiểm tra văn bản QPPL, tham gia đóng góp vào các văn bản QPPL ở địa phương. Từ đầu năm 2013 đến nay, các đơn vị đã tiến hành kiểm tra, rà soát 37.915 văn bản, trong đó có 32 văn bản QPPL. Qua kiểm tra, đã phát hiện và kiến nghị UBND cùng cấp xử lý 7 văn bản QPPL có dấu hiệu sai phạm. Công tác xây dựng, ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND cấp xã đã có chuyển biến tích cực. Các văn bản QPPL do cấp xã ban hành cơ bản đúng thẩm quyền, đúng trình tự thủ tục, có nội dung phù hợp với các văn bản của cơ quan Nhà nước cấp trên, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước ở cơ sở.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác xây dựng, ban hành văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế, tồn tại như: Một số sở, ban, ngành không tuân thủ đầy đủ trình tự, thủ tục xây dựng văn bản; chưa lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo văn bản hoặc có lấy ý kiến góp ý nhưng chưa đảm bảo thời gian theo quy định, đối tượng lấy ý kiến hẹp, chất lượng ý kiến góp ý không cao. Đối với cấp huyện, cấp xã, vẫn có văn bản QPPL được ban hành trái thẩm quyền, chưa đảm bảo yêu cầu về thể thức và kỹ thuật trình bày... Để nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh, thời gian tới HĐND, UBND các cấp cần tiếp tục xác định trách nhiệm trong việc xây dựng và ban hành văn bản QPPL. Quan tâm bố trí đủ biên chế làm công tác văn bản tại cơ quan Tư pháp các cấp, đặc biệt là cấp huyện và cấp xã. Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan trong công tác xây dựng, kiểm tra và xử lý văn bản QPPL. Tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc cho các cơ quan, đơn vị, nhất là ở cấp xã./.
Bài và ảnh: Văn Trọng