Thời gian qua, công tác dạy nghề, tạo việc làm cho thanh niên luôn được các cấp bộ Đoàn trong tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Các chương trình tư vấn, hướng nghiệp cho thanh niên được các cấp bộ Đoàn trong tỉnh triển khai với nhiều cách làm sáng tạo, như: Tổ chức tư vấn, trao đổi định hướng nghề nghiệp, việc làm cho học sinh khối lớp 12; tư vấn tuyển sinh đại học, cao đẳng... Trong 5 năm trở lại đây, toàn tỉnh có trên 500 nghìn học sinh lớp 12 tham gia các chương trình tư vấn nghề nghiệp, tư vấn mùa thi do Đoàn Thanh niên các cấp tổ chức. Từ năm 2012 đến nay, các cấp bộ Đoàn đã phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức tư vấn, hướng nghiệp và giới thiệu việc làm cho 10.430 đoàn viên, thanh niên (ĐVTN).
Trường Cao đẳng nghề Kinh tế Kỹ thuật Vinatex và cán bộ Tập đoàn Dệt may Việt Nam tư vấn, định hướng nghề cho học sinh, sinh viên. |
Hằng năm, Đoàn Thanh niên phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng CSXH tổ chức “Ngày hội tư vấn cho thanh niên vay vốn”; các chương trình tín dụng ưu đãi, đối tượng hưởng thụ và phương thức tiếp cận vốn vay… Bên cạnh đó, các cấp bộ Đoàn đã vận dụng các chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về lao động, dạy nghề, giải quyết việc làm nhằm hỗ trợ thanh niên. Thực hiện Đề án 103 của Chính phủ về việc hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008-2015, Tỉnh Đoàn đã triển khai các dự án truyền thông nâng cao nhận thức cho thanh niên và xã hội về vấn đề nghề nghiệp, việc làm; hỗ trợ thanh niên khởi sự doanh nghiệp… 6 tháng đầu năm 2013, các cấp bộ Đoàn toàn tỉnh đã tổ chức 34 lớp chuyển giao KHKT, 15 lớp tập huấn kiến thức về mô hình kinh tế tập thể, HTX thu hút 2.125 ĐVTN tham gia, tổ chức 45 lớp tập huấn nâng cao kỹ năng tư vấn hướng nghiệp, giải quyết việc làm cho 2.129 cán bộ Đoàn, ĐVTN…, tập trung ở các nhóm ngành chăn nuôi, trồng trọt, TTCN. Tỉnh Đoàn còn phối hợp với Liên minh HTX tỉnh tổ chức các lớp tập huấn “Khởi sự doanh nghiệp” cho thanh niên nông thôn; tổ chức tập huấn cho đội ngũ bí thư Đoàn các xã, phường, thị trấn trong tỉnh; nội dung tập trung vào các hoạt động chuyển giao tiến bộ KHKT, kiến thức quản lý, hạch toán kinh tế hộ gia đình, chăm sóc cây trồng, xây dựng các mô hình kinh tế trang trại … Ngoài ra, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh còn phối hợp với các Trung tâm giáo dục cộng đồng xã, phường, thị trấn, các ban, ngành, đoàn thể tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ KHKT thâm canh mùa vụ, kỹ thuật chăn nuôi hợp vệ sinh bảo vệ môi trường, đưa ngành nghề phụ về giải quyết việc làm lúc nông nhàn cho thanh niên; giới thiệu một số ngành nghề, mô hình hoạt động mới, hiệu quả cho lực lượng lao động trẻ. Tại các huyện Ý Yên, Nam Trực, Xuân Trường, Hải Hậu… các cấp bộ Đoàn thường xuyên tổ chức cho ĐVTN đi tham quan, học hỏi những mô hình kinh tế hiệu quả trong và ngoài tỉnh, mở ra các cơ hội học tập, ý tưởng phát triển ngành nghề mới; phối hợp với Trung tâm dạy nghề huyện tổ chức dạy nghề và tạo việc làm cho ĐVTN ngay tại các doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Cùng với các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã tranh thủ mọi kênh vốn giúp ĐVTN có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Đến nay, tổng dư nợ của Ngân hàng CSXH uỷ thác qua tổ chức Đoàn đạt trên 99 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2013 có 1.845 ĐVTN được vay vốn từ Ngân hàng CSXH với tổng số tiền 1 tỷ 162 triệu đồng. Được vay vốn, nhiều thanh niên đã vươn lên làm chủ doanh nghiệp, chủ trang trại sản xuất, kinh doanh giỏi… thể hiện được vai trò xung kích của thanh niên trong phong trào lập thân, lập nghiệp. Phát huy tinh thần đoàn kết giúp nhau cùng phát triển kinh tế, nhiều cơ sở Đoàn trong tỉnh còn thành lập các nhóm, CLB giúp nhau làm kinh tế, hỗ trợ nhau về vốn, kiến thức, mở rộng thị trường tiêu thụ… Năm 2013, toàn tỉnh đã thành lập 5 nhóm, CLB giúp nhau lập nghiệp như: CLB thanh niên với kỹ thuật nghề nông, CLB thanh niên giúp nhau làm kinh tế, CLB trang trại trẻ, CLB thanh niên làm kinh tế giỏi…
Để đẩy mạnh hơn nữa công tác dạy nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chế độ chính sách của Nhà nước về dạy nghề và giải quyết việc làm. Thành lập, nhân rộng các mô hình khuyến khích thanh niên giúp nhau làm kinh tế, mô hình trang trại, hộ gia đình trẻ có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm… Đẩy mạnh tư vấn giới thiệu việc làm, cung cấp thông tin thị trường lao động, việc làm, tổ chức ngày hội việc làm, tư vấn xuất khẩu lao động thu hút thanh niên tham gia, tìm kiếm việc làm. Trong công tác tư vấn hướng nghiệp cho thanh niên khối trường học, Đoàn Thanh niên tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành GD và ĐT tăng cường tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khoá, sinh hoạt Đoàn, Hội gắn với việc tuyên truyền, cung cấp thông tin về ngành nghề đào tạo, nhu cầu thị trường lao động để học sinh xác định ngành nghề theo học cho phù hợp với năng lực./.
Bài và ảnh: Hoa Xuân